Trẻ em hàng ngày phải chịu rất nhiều áp lực nhưng lại không có kinh nghiệm và khả năng chống chọi thất bại.
Nhiều đứa trẻ hiện nay gặp phải những vấn đề tâm lý nhưng cha mẹ không hề hay biết. Chúng ta thường nói, trẻ em thời nay cơm ăn áo mặc không lo, sao lại không sung sướng? Công bằng mà nói, nếu ngày nào cũng làm việc trong tình trạng áp lực cao trong hơn mười năm, liệu chúng ta có cảm thấy buồn chán và mệt mỏi không? Huống chi, trẻ con đầu óc còn chưa trưởng thành hoàn toàn, tâm lý đang phát triển càng dễ xảy ra vấn đề. 12 năm học hành không phải là chuyện đơn giản.
Giáo sư Lý Mai Cẩn - chuyên gia nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý học tội phạm và Nuôi dạy con từng nói với con gái của mình: "Thế hệ của con hạnh phúc hơn thế hệ của mẹ. Con có thể học hỏi mọi thứ mỗi ngày, điều đó thật tuyệt!". Cô con gái liền hỏi vặn lại: "Thế hệ chúng con lại ghen tị với mẹ, mẹ thật hạnh phúc". Con phải ngồi học đến 5:30 chiều, phải viết bài tập đến 11:30 tối".
Trẻ em hàng ngày phải chịu rất nhiều áp lực nhưng lại không có kinh nghiệm và khả năng chống chọi thất bại. Những thứ tưởng chừng rất tầm thường trong mắt chúng ta lại trở thành "giọt nước tràn ly" khiến trẻ choáng ngợp, có hành vi cực đoan. Lúc này, thành tích học tập không còn quá quan trọng nữa.
Cha mẹ thông minh chú trọng phát triển thế giới tinh thần của con, dám để con thử những điều không thể
Thử tưởng tượng, nếu một đứa trẻ thiếu hiểu biết về cuộc sống (có ý định tự tử khi gặp thất bại), thiếu khả năng ước mơ (không biết mình muốn làm gì trong tương lai), và không biết làm thế nào để bảo vệ mình, không thể san sẻ cho người khác (giàu nhưng bất hạnh), thì dù có đứng đầu các môn học liệu có ý nghĩa gì không?
Là cha mẹ, chúng ta không chỉ chú ý đến việc học của con cái mà còn phải quan tâm đến thế giới tinh thần và trạng thái cuộc sống của chúng. Điểm số chỉ là một bông hoa trên cây của trẻ, ngoài hoa, phải quan tâm nhiều hơn đến thân, cành, lá của "cái cây" trẻ thơ.
Điều quan trọng nhất cần thay đổi ngày nay là cha mẹ và quan niệm giáo dục của họ. Chính cha mẹ nên giúp con xây dựng một nền tảng sống tích cực, để con có nhân cách tốt, biết đối nhân xử thế và hiểu được ý nghĩa thực sự của thành công.
Trẻ có khả năng sống tự lập rất cao, nhiều khó khăn trong cuộc sống đều có thể tự giải quyết được. Nhưng nhiều bậc cha mẹ hiện nay thì ngược lại, họ chiều chuộng con cái từ nhỏ, không cho con đụng tay vào bất cứ việc gì. Rồi đến khi đứa trẻ nhập học, họ tạo một áp lực rất lớn đeo bám con mỗi ngày: Con phải trở thành một người có học lực xuất sắc. Tinh thần của trẻ bắt đầu đi vào trạng thái căng thẳng.
Quách Tinh Tinh là gương mặt nổi bật nhất làng nhảy cầu Trung Quốc và được cả thế giới biết đến. Với tài sản kếch xù, cô và chồng có thể dễ dàng thuê một dàn người giữ trẻ. Tuy nhiên, họ từ chối và tự tay xây dựng cuộc sống của mình.
Cặp đôi nhẹ nhàng truyền cách sống giản dị đến với con. Thay vì để con tách biệt trong giới thượng lưu, họ đưa con về vùng quê cấy lúa. Cả nhà cùng trải nghiệm cảm giác dưới ánh nắng như thiêu đốt, lội bùn cúi xuống nhét từng khóm mạ xuống ruộng. Với họ, trải nghiệm này giúp con hiểu được sự chăm chỉ, vất vả của người nông dân và từ đó trân trọng từng hạt gạo.
Bên cạnh đó, khi một đứa trẻ sử dụng đôi bàn tay của mình để làm việc gì đó sẽ bền vững, chắc chắn hơn. Cô cũng đưa con leo lên những ngọn núi nguy hiểm nhất, để chúng trải nghiệm rằng mọi thứ trong cuộc sống không hề dễ dàng và con đường không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Cha mẹ thông minh dám rèn luyện con cái, tạo điều kiện cho con phát triển, để con thử những điều không thể, khi con gặp thất bại sẽ không quá để ý đến kết quả rồi giáng thêm một đòn vào tinh thần đang chán nản của con. Họ sẽ dạy trẻ đối mặt và chấp nhận thất bại một cách bình tĩnh, đồng thời khuyến khích trẻ đứng lên và tiếp tục làm việc chăm chỉ.
Có thể có nhiều trẻ có thể đạt 10 điểm trong bài kiểm tra, nhưng không phải trẻ nào cũng sở hữu những phẩm chất tuyệt vời như mạnh mẽ, dũng cảm, lạc quan và tự tin. Những ai thực sự yêu thương con trẻ nhất định sẽ nỗ lực hết mình để con có một tuổi thơ hạnh phúc, làm nền tảng cho hạnh phúc cả đời của con.
Họ sẵn sàng dành thời gian cùng trẻ chơi trò chơi, trò chuyện, vui vẻ bên nhau, để trẻ thường xuyên được hưởng tình cảm gia đình thực sự. Họ chú ý bồi dưỡng trí tuệ sống và tinh thần độc lập cho trẻ. Thay vì chuẩn bị sẵn một tương lai cho trẻ, họ giúp con không chỉ tự mình phấn đấu đạt được hạnh phúc trong tương lai mà còn phải chịu đựng những khó khăn, đau khổ.
Cuộc đời không phải là một cuộc đua nước rút mà là một cuộc chạy marathon xuyên quốc gia, sẽ có muôn vàn khó khăn chờ đợi. Thành tích học tập, tiền bạc và tài sản không thể trụ vững trước sóng gió cuộc đời, chỉ có một trái tim mạnh mẽ và lạc quan mới có thể giúp những đứa trẻ hạnh phúc trong cuộc sống.