Không ít cha mẹ muốn con thông thạo tiếng Anh bằng hình thức tự học, tự nghe trên mạng và rỉ tai nhau những link Youtube thần thánh. Họ không biết rằng, trên mạng xã hội, trên những kênh video online có nhiều thông tin có hại cho trẻ em và chúng hoàn toàn không thể kiểm soát như cam kết từ những trang này. Khi trẻ xem một video thì màn hình máy tính, điện thoại sẽ tự động hiển thị những nội dung khác và trẻ vô tình sẽ bấm vào link có thể vô cùng độc hại.
|
||
"Thử thách Momo" dù đã được “cha đẻ” của nó khai tử, nhưng như thế không có nghĩa là trẻ đã an toàn khi xem các video trên youtube (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Sau những chương trình tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm như Thử thách cá voi xanh, Thử thách Momo, nhiều cha mẹ cấm con sử dụng điện thoại, công nghệ. Tuy nhiên, dù hoang mang thế nào, cha mẹ không thể phủ nhận youtube là một trong những kênh hữu ích để trẻ học được nhiều thứ mới mẻ và việc cấm trẻ sử dụng internet là điều vô cùng thiệt thòi cho trẻ.
Chính vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ cần biết tận dụng internet để dạy con học nhưng vẫn có thể bảo vệ con khỏi những nội dung xấu.
Theo chị Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), trò chơi nguy hại trên mạng xã hội còn phát triển nhiều. Cũng có con ở lứa tuổi thiếu nhi, chị Phương Linh không cấm đoán con xem youtube mà chị thường xem cùng con. Nếu không có thời gian, chị tua nhanh để xem chương trình đó có nguy hại gì không. "Cha mẹ nên đặt danh sách các chương trình để có thể biết các con đang xem cái gì".
Khi các bé xem video và sợ hãi thì cha mẹ cần cảnh báo con chương trình đó không ổn, các con nên ngừng xem. (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Chị Phương Linh cũng lưu ý các cha mẹ, khi các bé xem video và sợ hãi thì cha mẹ cần cảnh báo con chương trình đó không ổn, các con nên ngừng xem. Cha mẹ cần duy trì việc nói chuyện, hỏi han con hàng ngày, ví như hỏi thăm con rằng hôm nay con xem trên mạng có gì hay không, có chương trình gì khiến con cảm thấy không thoải mái không... Cha mẹ cần dạy cho trẻ biết cách tự bảo vệ mình, trở thành các công dân số chuẩn, tức là có kiến thức để sử dụng internet an toàn, biết ngừng, biết chặn các chương trình không phù hợp, biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp vấn đề nào đó trên mạng.
Theo chị Phương Linh, trẻ em học công nghệ rất nhanh, cha mẹ và giáo viên không theo kịp được con em trong sử dụng công nghệ. Chính vì thế, việc cha mẹ hay người lớn kiểm soát, ngăn chặn trẻ trong việc sử dụng công nghệ là không khả thi. Tương tự như vậy, việc cha mẹ chủ quan cho con sử dụng điện thoại, công nghệ vô tội vạ cũng khiến các con đối mặt với các rủi ro mà cha mẹ không lường hết được.
“Điều căn bản là chúng ta cần phải học sử dụng công nghệ. Cha mẹ, giáo viên đều cần phải học, học từ sách vở, từ chuyên gia, từ chính các con để có thể đồng hành cùng các con chứ không phải kiểm soát các con. Tinh thần của cha mẹ cần phải thay đổi, từ việc bỏ bê, kiểm soát sang việc sẵn sàng đồng hành cùng con”, chị Phương Linh nhấn mạnh.