Cha mẹ nắm vững phương pháp dạy dỗ này trong giai đoạn con từ 0-18 tuổi, đứa trẻ lớn lên có tương lai đầy hứa hẹn

(lamchame.vn) - Nếu bạn thực sự yêu thương con cái, bạn không chỉ cho đi tình yêu mà còn phải đưa ra kỷ luật – giúp trẻ thấm nhuần ý thức về các quy tắc, để trẻ cảm thấy an toàn.

Mặt khác, kỷ luật thích hợp cần phải có phương pháp.

Kỷ luật không phải là trừng phạt mà là kiềm chế hợp lý đối với những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội của trẻ. Mục đích của kỷ luật là giúp trẻ thích nghi tốt hơn với xã hội và các mối quan hệ giữa các cá nhân trong tương lai. Những gì chúng ta phải làm là để trẻ tiếp thu những quy tắc có lợi này với tiền đề là được tôn trọng.

Trước hết, cha mẹ cần hiểu hành vi xấu của trẻ là gì. Nhà tâm lý học Drakes cho biết, mỗi đứa trẻ đều có mục đích khác nhau đằng sau hành vi xấu. Ví dụ, một số trẻ gây rắc rối vì muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ, một số muốn trả thù cha mẹ hoặc người khác, và một số vì sự thay đổi tâm sinh lý của độ tuổi.

Những đứa trẻ chơi đùa quậy phá trong nhà hàng hay nơi công cộng có thể thuộc kiểu thứ ba. Cha mẹ cần biết con làm vậy là do bản tính ham chơi, nhưng không thể bỏ qua mà hãy dạy con tôn trọng bản thân và tôn trọng môi trường, biết cân nhắc xem môi trường nào phù hợp để làm gì.

Thứ hai, hiểu cảm xúc của con bạn và giao tiếp với chúng một cách tôn trọng. Khi trẻ đang chơi vui vẻ, đột nhiên bị dừng lại mà không rõ nguyên nhân, trẻ thường la hét để thể hiện sự phản kháng. Đôi khi chúng ta khuyên giải cũng không được, bởi vì bạn và con không cùng kênh hiểu biết và cảm nhận về mọi việc. Trẻ sẽ nghĩ rằng bạn không hiểu chúng nên không sẵn sàng chấp nhận lời khuyên.

Trước tiên, chúng ta có thể bày tỏ sự hiểu biết của mình về trẻ và giải thích cho chúng hiểu lý do tại sao không thể chơi như thế này. Chẳng hạn với những đứa trẻ xé giấy ăn và chạy nhảy trong nhà hàng, bạn có thể nói: "Mẹ thấy các con rất thích thú với giấy. Nhưng nó gây ra một số vấn đề khi chơi ở nhà hàng, không chỉ làm phiền người khác mà còn lãng phí rất nhiều giấy. Tất cả các con đều biết rằng giấy được làm từ cây, việc xé giấy và chơi đùa tương đương với việc phá hủy cây cối". Sau đó, hãy khuyến khích con sửa sai bằng cách dọn giấy vương vãi trong nhà hàng và đừng chì chiết lỗi lầm này nữa.

Thứ ba, nghiêm túc lắng nghe phản hồi của con, bày tỏ sự ghi nhận khi con có tiếp thu đồng thời khuyến khích con chịu trách nhiệm. Khi trẻ biết rằng mình sẽ không bị sỉ nhục khi mắc lỗi và có thể bù đắp để sửa sai, trẻ sẽ dám nhận trách nhiệm.

Nhà tâm lý học Selma Freberg cho biết: "Một đứa trẻ không kỷ luật là đứa trẻ cảm thấy không được yêu thương". Nếu bạn thực sự yêu thương con cái, bạn không chỉ cho đi tình yêu mà còn phải đưa ra kỷ luật – giúp trẻ thấm nhuần ý thức về các quy tắc, để trẻ cảm thấy an toàn. Chỉ khi tôn trọng bản thân đồng thời biết tôn trọng người khác và môi trường mới có thể giúp con cái sau này có chỗ đứng tốt hơn trong xã hội.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU