Nuôi con là cả một cuộc hành trình đầy thú vị mà người phụ nữ nào cũng muốn cùng con yêu khám phá. Giai đoạn tập cho con ăn dặm có thể coi là dấu mốc đầu tiên trong cuộc hành trình của 2 mẹ con. Nhiều mẹ thấy lo lắng khi con đến thời kì tập ăn vì sợ con không hợp tác, vì sợ mình làm sai khiến mỗi bữa ăn của con trở thành cuộc chiến.
Thế nhưng với nhật kí chia sẻ dưới đây của mẹ Lê Phương Anh, một bà mẹ còn rất trẻ (SN 1997 ở Gia Lâm) sẽ làm động lực để các mẹ khác tự tin cùng con bước vào giai đoạn ăn dặm một cách nhẹ nhàng nhất. Đến nay, bé Hoàng Minh Đăng (bé Shin) của chị đã được 19 tháng tuổi – cuộc hành trình của chị đã thu được quả ngọt rất đáng tự hào.
“Gửi shin của mẹ!
Khi mẹ bầu con mẹ còn ít tuổi quá, mẹ vẫn còn vô tư lắm chẳng suy nghĩ gì nhiều đâu, cứ ăn và nghỉ ngơi thôi chứ chẳng tìm hiểu gì về thai giáo, về chăm sóc trẻ sơ sinh đâu con ạ! Nhưng tới lúc mẹ có Shin rồi mẹ mới bắt đầu biết mình phải học làm mẹ từ những điều đơn giản nhất.
Khi con được 3 tháng 10 ngày, mẹ bắt đầu tham gia vào các nhóm ăn dặm, nuôi con… trên mạng để tìm hiểu thêm kiến thức chăm con. Mẹ đã đọc mọi thứ để có thêm kinh nghiệm nuôi con. Đến lúc con chuẩn bị đến giai đoạn ăn dặm mẹ đã quyết định cho con ăn kết hợp 3 in 1.
Lúc con được 5 tháng rưỡi mẹ phải đi học (lúc cưới bố con mẹ vẫn đang là sinh viên con ạ!), thế nên mẹ lo lắng lắm với giai đoạn tập ăn của con. Mẹ quyết định cho con ăn hoa quả nghiền là bước khởi đầu cho hành trình ăn dặm của con. Vậy là cứ đến khoảng 10h30 sáng là mẹ cho con ăn hoa quả nghiền. Đến sau này khi con ăn được cháo, bột mẹ vẫn giữ nguyên khung giờ ăn đó để tạo thói quen cho con ngay từ những ngày đầu tiên. Ngay từ đầu, Shin của mẹ đã rất ngoan, trộm vía con! Con ăn uống rất hợp tác nhé!
Cứ như thế con ăn hoa quả nghiền được khoảng 15 ngày thì mẹ bắt đầu cho con ăn cháo rây với tỉ lệ 1:10 và rau củ nghiền. Đây là lúc khó khăn đến với 2 mẹ con mình. Nhưng không sao con nhỉ, mẹ con mình vẫn vượt qua được mà. Thấy mẹ còn ít tuổi nên hình như mọi người không tin tưởng mẹ lắm trong khoản chăm con. Thế nên thấy mẹ cho con ăn cháo không đạm, không mắm muối… mọi người phản đối ghê lắm vì sợ con thiếu chất. Nói chung rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng mẹ quyết tâm nuôi con theo cách của mẹ và những gì mẹ được tìm hiểu.
Ngày đó mẹ phải học cả ngày, nhưng cũng may là trường ở gần nhà nên mẹ tranh thủ về cho con ăn để rèn con thói quen "1 điều phải và 3 điều không”: ăn phải ngồi ghế, không ăn rong, không đồ chơi và không xem ti vi.
Vì cũng ít thời gian nên mẹ chọn cách trữ đông đồ ăn (cháo rây và rau củ) trong tuần giống ăn dặm kiểu Nhật. Lúc đầu mẹ chỉ cho Shin ăn có 30ml để làm quen thôi. Sau đó tầm 20 ngày sau mẹ mới bắt đầu cho con làm quen với đạm. Khi đó mẹ vẫn trữ đông cháo và rau củ cho con còn thực phẩm đạm mẹ muốn làm cho con ăn đồ tươi để đảm bảo chất lượng hơn.
Đến giờ con mẹ ăn thô rất tốt là vì mẹ rèn Shin từ nhỏ đấy, mẹ không xay đồ cho con mà chỉ băm, nghiền hoặc giã.
Con 7 tháng, mẹ tập cho con ăn dặm theo phương pháp BLW vào buổi tối và dần hình thành bữa tối cho con sau này vào khung giờ đó. BLW – Bé ăn theo cách tự chỉ huy, muốn bốc nhón thế nào tùy sở thích – một khái niệm còn khá mới với ông bà nên mẹ lại bị ông bà can thiệp vì ông bà sợ cháu bị hóc, nghẹn… Mẹ biết vì thương cháu, lo cho cháu nên ông bà mới như vậy nên mẹ cũng tìm cách giải thích cho ông bà hiểu và vẫn tập cho con theo BLW.
Khoảng 20 ngày ngày đầu với BLW, con chỉ cầm bóp nát rồi vứt đi, sau vài ngày con mới biết cắn rồi nhả, sau đó mới cắn nghiền thức ăn và tập nuốt. Tuy con mẹ chỉ ăn được tí tẹo thôi nhưng mẹ cũng rất vui vì mẹ biết mẹ con mình đang thành công. Rồi Shin của mẹ biết ăn rất nhiều món như người lớn và tự mình cảm nhận rất rõ từng vị của từng loại thức ăn.
Con 7 tháng 20 ngày, mẹ tăng độ thô trong mỗi bữa của con, mẹ vẫn hoàn toàn chỉ băm và giã chứ không dùng máy xay. Bát cháo của con lúc này đã lợn cợn và con bắt đầu tập xử lý đồ ăn. Cũng có lúc con bị ọe vì chưa quen nhưng mẹ vẫn khá bình tĩnh để nhìn con mẹ xử lý như thế nào. Và con đã làm được, chỉ sau 4 ngày là con đã quen với đồ ăn lợn cợn mà mẹ làm. Dù chưa có bạn răng nào nhưng nhìn bé con của mẹ nhai đồ ăn bằng lợi rất ngon lành. Mẹ vui lắm Shin à!
Shin đặc biệt rất thích những món mẹ nấu. Đó chính là động lực để mẹ cố gắng đấy con trai. Dù có mệt đến đâu mẹ cũng luôn muốn thay đổ thực đơn cho con ăn thường xuyên để con đỡ bị chán. Ngoài cháo, mẹ còn cho Shin làm quen với mì, nui…
Đến 9 tháng, con đã biết ăn cháo đặc nguyên hạt rồi, thỉng thoảng mẹ còn làm cho Shin ăn cả cơm nát, rau củ luộc riêng nữa để tập cho con ăn kiểu Nhật, tạo hứng thú trong bữa ăn cho con.
10 tháng, Shin ăn thô cực tốt. Con ăn và tự xử lý mọi chuyện quá ổn. Mẹ thấy rất hài lòng vì con mẹ làm tốt hơn những gì mẹ nghĩ.
Có những hôm con trai mẹ bị ốm, con chẳng muốn ăn uống bất cứ thứ gì thế nhưng mẹ vẫn không quên việc của mình là phải nấu cho con ăn đủ bữa, đúng bữa cho dù có bữa con chỉ ăn được vài miếng. Nhưng mẹ biết, con sẽ ăn bù sau khi con khỏi mà. Cứ như thế mẹ con mình cùng nhau hành trình ăn dặm một cách khá suôn sẻ. Đến giờ con được 19 tháng, con đã có 1 nếp ăn rất tốt, mẹ nuôi con mà thấy cứ nhàn tênh ấy. Đến giờ chắc mọi người tin vào khả năng chăm con của mẹ rồi con nhỉ?”.
Khi được hỏi về các phương pháp mà chị đã tập cho con ăn, chị nói chị thích phương pháp BLW nhất. Áp dụng phương pháp này, con được tập ăn, tập nhai, tập bốc nhón… tập phản xạ một cách tự nhiên nhất.
BLW là cách đồ ăn thô được giới thiệu ngay từ giây phút đầu tiên của giai đoạn ăn dặm và để cho con “tự xử lý”, giảm thiểu tối đa sự tác động của người khác đến bữa ăn của con và mục đích cuối cùng là con hoàn toàn tự ăn được bằng cách dùng thìa, đũa, dĩa sau khi trải qua các giai đoạn cơ bản:
1. Bốc, ném, vứt đồ ăn.
2. Bốc, nắm, cho đồ ăn vào miệng.
3. Bốc, nhón đồ ăn có kích thước nhỏ đưa vào miệng.
4. Vứt, ném bát đĩa.
5. Sử dụng bát đĩa, cầm cốc uống nước.
6. Sử dụng thìa, dĩa, đũa.
Các kỹ năng này tùy từng bé có thể kéo dài hay ngắn, lâu hay nhanh. Mỗi giai đoạn đều là một bước để các con khám phá và trải nghiệm. Do đó khi thực hiện phương pháp này thì điều bố mẹ cần chính là:
- Kiên trì: Thông thường sẽ mất khoảng 6-10 tháng để bé có thể hoàn toàn tự ăn như người lớn. Thời gian này mình thấy vẫn còn quá nhanh so với việc đút cho con và rong ruổi từ năm này qua tháng khác, thậm chí nhiều bé đến 5 tuổi vẫn chưa thể tự ăn được cơm hay không biết cách sử dụng thìa dĩa.
- Không sợ bẩn: Do các bé tự chỉ huy nên sẽ có lúc ném, lúc vứt, lúc bóp nát, lúc bôi thức ăn lên đầu. Hãy yên tâm, dù là vứt hay ném cũng đem lại cho bé những kinh nghiệm cho bản thân.
- Không bị ám ảnh cân nặng: BLW là phương pháp cho con tự trải nghiệm với đồ ăn, không đặt nặng vấn đề phải ăn được bao nhiêu vì dưới một tuổi thì sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính.
- Cả nhà cùng thống nhất hành động: Điều này rất quan trọng, khi cả nhà bao gồm cả bố mẹ ông bà cùng nhất quán thì con sẽ tiến bộ rất nhanh, không khí trong nhà luôn được vui tươi và bữa cơm luôn đem lại niềm vui và tiếng cười."
Điều đáng cần chú ý khi cho bé ăn dặm thì các mẹ hãy áp dụng luật sau để bé giảm thiểu tình trạng biếng ăn nhé!
- Thiết lập giờ ăn cố định trong ngày (ngay khi bắt đầu ăn dặm).
- Thời gian ăn không quá 30 phút cho bữa ăn chính và 20 phút cho bữa ăn phụ.
- Không cho bé xem TV, đồ chơi hoặc nhiều người xung quanh.
- Giới thiệu nước ép trái cây, sữa chua, snack nhẹ trước bữa ăn chính ít nhất 1,5-2 tiếng.
- Bé nên được tập ngồi trên ghế ăn.
Nếu bé quá nhỏ (chưa ngồi vững) thì có thể ngồi trên ghế rung nửa nằm nửa ngồi hay ngồi tựa vào người mẹ để ăn hoặc cũng có thể cho bé ngồi ghế ăn dặm rồi lót gối sau đầu để giữ thăng bằng (không nên cho bé nằm ăn).
Nếu bé đã ngồi ghế rồi, mà một ngày nào đó bé phản đối ngồi ghế, hoặc khóc khi ngồi vào ghế, quan sát và làm những điều sau: Đầu tiên, vẫn kiên quyết cho bé ngồi ghế: cho bé vào ghế vài phút trước bữa ăn, để yên đó cho bé tự điều chỉnh. Nếu bé không chịu ăn thì ngưng và thử lại 2 tiếng sau đó, ngày chỉ thử lại 3 lần, nếu 3 lần không kết quả, đợi ngày mai. Vài hôm bé sẽ quên và trở lại ngồi ngoan.
Dưới đây là 1 số thực đơn mẹ mẹ đã làm cho Shin, các mẹ cùng tham khảo nhé!
Theo emdep.vn