Hạng mục bình chọn được quan tâm và chú ý nhất ở WeChoice Awards hàng năm chính là Nhân vật truyền cảm hứng. Mỗi cá nhân, tập thể, mỗi câu chuyện được tôn vinh tại hạng mục này đều mang đến dấu ấn riêng, ánh sáng riêng và tiếng nói riêng. Họ chính là những người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất tới cộng đồng trong năm 2020.
Tập thể bác sĩ tuyến đầu chống Covid-19 ở tâm dịch Đà Nẵng hiện đang là đề cử nhận được lượt bình chọn cao thứ 2 trong số 20 đề cử. Họ là những anh hùng áo trắng nơi tuyến đầu, góp phần quan trọng khống chế thành công dịch Covid-19, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch. Trong số các y bác sĩ này, không thể không kể đến sự hy sinh thầm lặng của một nữ điều dưỡng. Chị là Đặng Thị Công - Điều dưỡng trưởng, Trưởng khu Kiểm soát nhiễm khuẩn của Trung tâm y tế huyện Hoà Vang (nơi đã điều trị 258 bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng) và là người trực tiếp chăm sóc cho hàng chục bệnh nhân Covid trong thời điểm này.
"Tại sao anh chị ở hai đầu đất nước tới đây giúp mình, mà mình ở đây, mình lại về?"
Cuối tháng 7/2020, sau 99 ngày không có ca mắc mới tại cộng đồng, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam. Lần này tâm điểm là TP. Đà Nẵng. Con số 416 (bệnh nhân mắc COVID-19) trở thành tâm điểm thời sự trên môi hầu như tất cả mọi người Việt.
Các bệnh viện gần nhất được xác định "chia lửa". Ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), Trung tâm y tế huyện Hòa Vang được giao thành lập Bệnh viện dã chiến, quy mô 200 giường bệnh.
Các nhân viên y tế khắp nơi về làm việc tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang tháng 7-8/2020
Đối với nhân viên y tế Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, thông tin này chẳng khác nào tiếng sét giữa trời quang. Trong suốt 7 tháng chống chọi với dịch, chỉ những bệnh viện tuyến Trung ương với đội ngũ nhân viên y tế già dặn kiến thức và kinh nghiệm, có nhiều giáo sư tiến sĩ đầu ngành, cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị được ưu tiên mới có thể đảm trách điều trị bệnh nhân COVID. Mà cũng chỉ với số lượng rất ít ỏi, cao nhất chỉ một hai chục.
Đùng một cái, bỗng nhiên một cơ sở y tế tuyến huyện thuộc loại rất em út trong ngành phải nhận về hơn 200 bệnh nhân COVID-19, trong đó có những bệnh nhân đã mắc sẵn nhiều bệnh nền nặng và rất nặng. Hơn 20 bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo, ECMO (chạy tim, phổi nhân tạo)… cần trang thiết bị và thường xuyên chăm sóc đặc biệt. Có bệnh nhân đang mang thai những tuần cuối cùng.
Ngay buổi chiều đầu tiên khi bắt tay xây dựng bệnh viện dã chiến, 5 nhân viên vệ sinh đồng loạt xin nghỉ việc.
Nhân viên vệ sinh là ai? Hầu như không ống kính máy quay nào nhìn thấy họ, nhưng đó là những người vận chuyển tất cả đồ dùng từ bữa ăn nước uống đến dọn dẹp, vận chuyển và vận hành lò đốt tất cả rác thải của tất cả nhân viên y tế và bệnh nhân trong khu điều trị. Họ giặt giũ, rửa dép, lau sạch tất cả các bề mặt hay vật dụng có cơ thể người chạm đến, đồng thời hỗ trợ điều dưỡng vệ sinh cá nhân cho người bệnh như hút đờm dãi, đánh răng, rửa mặt, gội đầu, tắm rửa, lau cơ thể sau khi bệnh nhân tiểu tiện, đại tiện. 24 tiếng/ca làm việc liên miên bất chấp, trực tiếp với người bệnh và hứng chịu nguy cơ lây nhiễm cao nhất, thường xuyên nhất.
Quá nhiều áp lực ập xuống cùng một lúc, Điều dưỡng trưởng Đặng Thị Công, người được giao phụ trách Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang bật khóc ngay lúc đó.
Em bé gái sinh ra mẹ tròn con vuông trong Bệnh viện dã chiến Hòa Vang tháng 8/2020
"Nhân viên vệ sinh mà nghỉ là mình chống dịch thất bại luôn đó chị. Lúc đó dịch đang căng thẳng, mọi người ai cũng sợ mình bị lây nhiễm rồi lây nhiễm cho gia đình, nên ai cũng lo lắng hết. Mình hiểu và thương lắm" - Công kể.
Khóc đã đời xong, Công tìm cách giữ họ lại với đội ngũ.
Cách làm của chị chân chất và đầy tình: không chọn những biện pháp hành chính, Công lấy điện thoại chụp hình ảnh các y bác sĩ, các chuyên gia y tế, các điều dưỡng từ hai đầu của đất nước đang cấp tập về với Hòa Vang để hướng dẫn, giúp đỡ và trực tiếp cùng làm việc, đưa cho các anh chị em nhân viên vệ sinh chuyền tay nhau coi. "Tại sao anh chị ở hai đầu đất nước tới đây giúp mình, mà mình ở đây, mình lại về?" - chị nói. Câu nói của một bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai được nhắc đi nhắc lại: "Chúng ta ở đây giúp Hòa Vang đến khi nào xong việc thì mới về" để trấn an tinh thần và khơi gợi trách nhiệm của mọi người.
Không có áp lực, không có kim cương
Ngày 29/7/2020, cùng nhiều đồng nghiệp khác, Công rời khỏi nhà, đi vào Bệnh viện.
Ngày 31/7/2020, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang chính thức thành lập.
Ngày 06/8/2020, con gái Trường Vy của chị viết trên trang cá nhân, cho mẹ:
Mẹ yêu
Tối ni Út gọi con, hỏi "Hai ơi mẹ đi mấy ngày rồi hề?", con nói mẹ đi một tuần rồi Út, Út "quơ trời reng (răng-nghĩa là sao) Út thấy lâu ghê".
Lâu thiệt!
Mẹ đi mới thứ Tư tuần trước ngày 29/7.
Trước bữa mẹ đi một ngày, mẹ về xếp quần áo sẵn sàng ba lô, mẹ nói "Mẹ chuẩn bị sẵn sàng", con vẫn nghĩ, chắc tại mẹ lo xa...
Ngày sau mẹ qua BV làm rồi. Không về thiệt.
Con vẫn nghĩ: "Chắc hết đêm ni thôi mai mẹ về."
Nhưng rồi đã một tuần rồi mẹ ơi, tới giờ con mới dám tin mẹ đã thực sự vào "cuộc chiến" ấy.
Hằng ngày con vẫn đều đặn gọi cho mẹ, muốn biết mẹ ăn chưa, tắm chưa, được nghỉ ngơi chưa hay vẫn đang làm, có mệt, có áp lực quá không... nhiều nhiều những điều con muốn hỏi nhưng mẹ bận lắm, mẹ chỉ kịp nói được đôi ba câu rồi tạm biệt.
Hôm bữa con về nhà nấu cơm cho ba, con nói mẹ ăn cơm chưa con nấu cơm ba mang qua cho mẹ, mẹ đồng ý ngay, tội dễ sợ, chắc mẹ thèm cơm nhà.
Ba và Út ở nhà giỏi lắm, nhà cửa sạch trơn, cơm nước đàng hoàng nên mẹ cứ yên tâm nghe.
Ở nhà ổn cả, chỉ thương mẹ.
Biết ngày mẹ về còn xa lắm, nhưng thôi cứ tính từng ngày mẹ nghe.
Còn bây giờ chỉ mong mỗi ngày qua đi, Đà Nẵng đừng có thêm ca mới nào cả.
Mong mẹ và các cô chú đồng nghiệp thật nhiều sức khoẻ và bình an.
ĐÊM NHỚ MẸ
Ca mổ bắt con cho một sản phụ dương tính ngay trong Bệnh viện dã chiến tháng 8/2020.Bé gái sinh ra khỏe mạnh
Tình cảm, sự sẻ chia, gánh vác trách nhiệm, những tấm gương ngay trước mắt, cùng niềm tin thực tế vào nội lực của ngành y tế Việt Nam đã giữ chân các anh chị em lại với bệnh viện. 200 bệnh nhân đang hoàn toàn bị cách ly với bên ngoài, chỉ còn duy nhất các nhân viên y tế trở thành người thân của họ để chăm sóc, nâng giấc từng giờ, từng phút một.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 lại có những người đang phải chạy thận, tiểu đường, huyết áp, phải uống sữa và thức ăn đặc thù. Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đóng ở vùng nông thôn, lại thời cách ly, muốn mua gì ở bên ngoài cũng không thuận tiện. Công viết vào sổ tay các nhu cầu về thức ăn, đồ dùng của bệnh nhân, lên trang cá nhân kêu gọi giúp đỡ.
"Tới chừ em cũng chẳng biết họ, họ cũng chẳng biết em, nghe điện thoại thấy giọng cả ba miền, mà gởi nhiều chi mà nhiều rứa chị. Cần cái chi cũng có: sữa, nước uống, sô-cô-la, bánh… Đồ bảo hộ không cũng cả ngàn bộ. Có cái hình tụi em đang dán tờ giấy 'Kính chúc quý bệnh nhân mạnh khỏe' lên lon sữa là rứa đó" - sau 5 tháng kể từ khi các bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và xuất viện, qua điện thoại, giọng người nữ điều dưỡng vẫn còn ngạc nhiên và bồi hồi.
Đặng Thị Công nhiều lần từ chối nói về mình. Hồi tháng 8/2020, sau khi đọc bài báo đầu tiên kể về người nữ điều dưỡng can đảm của Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, tôi nhờ một người anh đang làm việc trong Bộ Y tế tìm thông tin về chị. Chị trốn biệt. Đã thế còn nhắn lại: "Bên em không có ai tên nớ, báo viết về ai nớ chứ em không phải tên nớ mô".
Bài báo viết gấp này cũng chỉ thành hình sau rất nhiều lần tôi vừa nài nỉ, vừa xin phép lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Hòa Vang "ép" chị giúp, để chị có thể đại diện họ chia sẻ một chút công việc của những nữ nhân viên y tế làm việc trong thời điểm căng thẳng đã qua.
Đó là những cô gái trẻ, những người yêu, người mẹ, người vợ, có cha mẹ đang lo lắng, có chồng con đang mong ngóng khi họ đeo chiếc ba lô đi vào sau cánh cổng Bệnh viện dã chiến. Các chị không chỉ ở Trung tâm y tế Hòa Vang mà từ Hà Nội, Hải Phòng vào, từ TP.HCM ra, từ nhiều nơi trong cả nước đến. Mỏng manh nhưng dẻo dai, bật khóc ngon lành vì lo lắng, vì mệt mỏi, vì nhớ mẹ, nhớ con… rồi tiếp tục khoác vào bộ đồ bảo hộ, tận tụy với bệnh nhân như với người thân đang xa cách của mình. Các chị đứng rất xa ống kính và lẵng hoa của sự tung hô, nhưng không chỉ làm tròn trách nhiệm của nhân viên y tế, họ còn mang tấm lòng của người em, người chị, người mẹ đến với bệnh nhân. Tấm tình ấy tỏa rạng, như chị Công viết trên trang cá nhân "Không có áp lực, không có kim cương".
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu Kỳ Việt Nam.
Sự diệu kỳ của Việt Nam trong năm 2020 không chỉ đến từ những con số về nền kinh tế tăng trưởng, sự rộng lớn hay quyền lực. Sự diệu kỳ ấy đến từ mỗi con người của một đất nước nhỏ bé, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con.
Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện, nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại WeChoice Awards 2020. Thời gian bình chọn từ ngày 13/01/2021 đến 23h59 ngày 21/01/2021.
Truy cập wechoice.vn để lan tỏa niềm cảm hứng ngay hôm nay.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/chuyen-chua-ke-ve-mot-nu-dieu-duong-tung-truc-tiep-cham-soc-20-benh-nhan-covid-19-trong-tam-dich-da-nang-22021211164722377.htm
Theo ttvn.vn