HLV thể hình, giảng viên y khoa chia sẻ kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm giảm cân hot trên tiktok chứa 2 chất bị nghiêm cấm

Thời gian gần đây, 'cuộc chiến' giữa 'Hot Gymer' là một VĐV, HLV thể hình, giảng viên y khoa và những người bán thuốc giảm cân vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Có thể nói, đây chính là "cuộc chiến" hot nhất trên Tiktok những ngày gần đây.

"Ăn bao nhiêu cũng không lo mập chỉ bằng "viên thuốc thần"; Không cần nhịn ăn hay tập luyện vẫn có thể giảm 5-10kg/tháng...", đó là những lời quảng cáo của người bán các sản phẩm giảm cân, chủ yếu là các thực phẩm chức năng. Nếu như trước đây người ta nghe thấy thuốc giảm cân, trà giảm cân thì giờ đây còn có cả cacao giảm cân, viên sủi giảm cân, kẹo giảm cân... Và hàng tá những sản phẩm chức năng khác nữa. Dù là sản phẩm nào đi chăng nữa, những lời lẽ quảng cáo của họ nghe cũng rất "bùi tai" khiến người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng.

Chắc chắn, có người ủng hộ sản phẩm giảm cân, cũng có người phản đối. 

Gần đây, một "hot gymer" là VĐV, HLV thể hình, giảng viên y khoa Phan Bảo Long đã có cả chuỗi dài dằng dặc những màn bóc phốt thuốc giảm cân của những người bán hàng này. Trên tài khoản Tik Tok của mình, VĐV, HLV Phan Bảo Long không dè dặt chia sẻ những clip liên quan đến tác hại của thuốc giảm cân do chính các bác sĩ và những người có chuyên môn trong ngành dược phẩm cảnh báo đến người tiêu dùng.

Mới đây, trên tài khoản Tik Tok lẫn trang facebook cá nhân, VĐV, HLV thể hình, giảng viên y khoa Phan Bảo Long chia sẻ bản kết quả kiểm nghiệm 2 mẫu sản phẩm giảm cân mà anh gửi đến Trung tâm phân tích kỹ thuật Sài Gòn. Kết quả cho thấy cả 2 mẫu sản phẩm đều dương tính với 2 chất bị nghiêm cấm trong thực phẩm, đó là chất phenolphtalein và sibutramine.

 
 

Phenolphthalein là một hóa chất từng được sử dụng trong điều trị táo bón. Nhưng do các nghiên cứu cho thấy nó có khả năng là chất gây ung thư (carcinogen) nên đã được dùng hạn chế và FDA đã cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này mà bán không cần toa bác sĩ (over-the-counter drugs) từ năm 1999. Theo thông tin của FDA thì hiện nay, phenolphthalein không có trong thành phần hoạt tính (active ingredient) của bất cứ thuốc nào đang được sử dụng ở Hoa Kỳ.

Sibutramine là một hợp chất được sử dụng để giảm sự thèm ăn, chính vì vậy, thường được dùng trong điều trị bệnh béo phì với 2 tác dụng chính là giảm cân cấp tốc và duy trì cân nặng không cho mỡ thừa tích tụ thêm. Hợp chất này được bắt đầu sử dụng từ những năm 2000 và được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện những trường hợp tử vong do tim mạch có liên quan tới Sibutramine, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine từ tháng 10/2010.

Trước đó vào tháng 10/2018, thông tin của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (The Health Sciences Authority - Has) thông báo thu giữ một số sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine được bán trực tuyến tại Singapore.

Tháng 12/2020, Singapore cũng đưa ra cảnh báo về sản phẩm giảm béo MONE Macha Cocoa chứa chất cấm Sibutramine. Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành rà soát và kết quả là: Từ 1/1/2015 đến nay, sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục để nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, là hoạt chất có tác dụng giúp những người béo phì giảm cân, nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp do gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch. 

Đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, loại sản phẩm này làm tăng nhịp tim, gây rối loạn nhịp tim. Và như vậy, nó làm cho những người mắc bệnh về tim mạch sẽ bị nặng thêm. Nếu sử dụng liều cao, nó thậm chí còn có thể gây rối loạn nặng hơn ở hệ thống tim mạch. Ngoài ra, các sản phẩm này là thủ phạm gây nhiều chứng rối loạn nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.

HLV thể hình, giảng viên y khoa chia sẻ bản kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm giảm cân chứa chất cấm - Ảnh 4.
 

Tại Việt Nam, từ năm 2010, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu sibutramine và năm 2011, đình chỉ lưu hành, thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất sibutramine. Các bệnh viện, viện có sử dụng thuốc này cũng được yêu cầu dừng ngay việc kê đơn, sử dụng thuốc.

Đơn cử, trà giảm cân Golean Detox là một trong những sản phẩm chứa Sibutramine và Phenolphtalein đã bị Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định thu hồi (ít nhất 4 lô trà) từ đầu tháng 12/2018 đến tháng 3/2019.

 

Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/hlv-the-hinh-giang-vien-y-khoa-chia-se-ket-qua-kiem-nghiem-mau-san-pham-giam-can-hot-tren-tiktok-chua-2-chat-bi-nghiem-cam-16221210114083153.htm

Theo ttvn.tt

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang