Chuyên gia dự đoán đại dịch COVID-19 kéo dài tới năm 2024 và đây chính là nguyên nhân

Biến thể Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11 với những triệu chứng nhẹ hơn nhưng lại khiến dịch bệnh COVID-19 có thể kéo dài thêm nhiều năm với những diễn biến khó lường.

Việc biến thể Omicron đang bùng phát tại Châu Âu và Hoa Kỳ đã khiến các nhà khoa học phải xem lại những dự đoán của mình về đại dịch COVID-19 trong năm tới.

Các chuyên gia dịch bệnh dự đoán nhiều quốc gia trên thế giới sẽ bắt đầu một làn sóng dịch mới vào năm 2022 sau một loạt các làn sóng dịch gây ra bởi các biến thể Alpha, Beta, Gamma và Delta. Tỷ lệ người nhiễm bệnh sẽ phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ đã được tiêm phòng vaccine và số người đã từng nhiễm virus trước đó.

Trước đó, COVID-19 được dự đoán sẽ trở thành một bệnh đặc hữu với những đợt bùng phát định kỳ hoặc theo mùa với mức độ bớt nghiêm trọng hơn. Trong năm 2021, vaccine ngừa COVID-19 hầu như chỉ có sẵn ở các nước giàu có nhưng tới cuối năm sau, phần lớn dân số trên toàn thế giới sẽ được tiêm phòng vaccine.

Tuy nhiên, tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể siêu đột biến Omicron và đặc biệt là khả năng gây tái nhiễm cao hơn các biến thể trước đó đã xóa tan kỳ vọng trên.

Hiện tại, các quốc gia đang quay lại với những biện pháp chống dịch được sử dụng trước đó như hạn chế đi lại, bắt buộc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người trong các kỳ nghỉ. Các chuyên gia dịch bệnh cho biết còn rất nhiều người dân trên thế giới cần phải tiêm vaccine để có được miễn dịch và vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của đại dịch.

Omicron đang bùng phát tại Châu Âu và Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Angela Rasmussen, một nhà virus học của Tổ chức các Bệnh Truyền nhiễm, Đại học Saskatchewan (Canada) nói: "Mọi người đều đã rất mệt mỏi với đại dịch. Nhưng nếu chúng ta không có những biện pháp nghiêm ngặt hơn thì tôi nghĩ những gì sẽ diễn ra vào năm 2022 cũng sẽ như những gì chúng ta đã thấy vào năm 2021".

Kể cả khi dịch COVID chuyển thành bệnh đặc hữu thì cũng sẽ có những biến thể mới bùng phát trong những năm tới.

Tiến sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết: “Sẽ luôn có một số lượng nhất định các ca nhiễm COVID, số ca nhập viện và tử vong. Đây là điều mà tất cả mọi người đều không mong đợi".

Hy vọng virus sẽ giảm bớt khả năng tàn phá. Nhưng sống chung với COVID-19 không có nghĩa là virus không còn là mối đe dọa.

Đại dịch COVID sẽ kéo dài tới năm 2024?

Nhiều nhà khoa học tin rằng trong năm tới dịch bệnh vẫn sẽ bùng phát ở nhiều địa điểm khác trên thế giới. WHO cho biết đã có hơn 270 triệu người trên thế giới nhiễm COVID-19 và khoảng 57% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa bệnh. 

Tiến sĩ David Dowdy, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Johns Hopkins nói: "Ngay cả khi việc tiêm phòng vaccine không còn hiệu quả với biến thể Omicron thì cũng không có nghĩa là nó không có tác dụng. Vaccine vẫn có hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng bệnh nguy hiểm hơn là tránh lây nhiễm virus".

Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu đều xem xét hiệu quả của vaccine đối với Omicron khi các kháng thể trung hòa bám vào virus và ngăn virus xâm nhập và lây nhiễm các tế bào. Kết quả xét nghiệm máu từ những người được tiêm phòng đầy đủ cho thấy Omicron né tránh được các kháng thể trung hòa nhưng một mũi tiêm tăng cường có thể khôi phục lại sự bảo vệ của vaccine.

 

Vaccine vẫn có tác dụng kích thích các tế bào T của hệ thống miễn dịch. Các tế bào này sẽ tiêu diệt mầm bệnh và vẫn có thể nhận ra biến thể đang gây bệnh. Nhiều chuyên gia tin rằng tuyến phòng thủ thứ hai này sẽ ngăn chặn các trường hợp nhập viện và tử vong.

Tiến sĩ Celine Gounder, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học New York cho biết còn rất nhiều người có thể nhiễm bệnh vì họ chưa được tiêm phòng. Đó là một trong những lý do mà cô tin rằng sẽ phải mất một thời gian nữa trước khi thế giới chuyển đại dịch COVID-19 thành bệnh đặc hữu.

Khi hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer được chứng minh đã bị giảm trước biến thể Omicron, Giám đốc khoa học của hãng dược này, ông Mikael Dolsten cho biết đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài tới năm 2024. Ông nói: "Thời gian đại dịch trở thành bệnh đặc hữu phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, hiệu quả của việc triển khai vaccine và các phương pháp điều trị cũng như sự phân phối công bằng vaccine tới những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Sự xuất hiện của các biến thể mới cũng có thể khiến đại dịch tiếp tục kéo dài".

Năm 2022 sẽ là một năm tiếp theo chúng ta phải sống chung với COVID-19. Do đó, cần đánh giá các rủi ro tại địa phương và bảo vệ bản thân bằng việc tiêm phòng, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

(Nguồn: Reuters)

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-gia-du-doan-dai-dich-covid-19-keo-dai-toi-nam-2024-va-day-chinh-la-nguyen-nhan-161211812153104130.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU