Nếu chỉ biết hưởng thụ, trẻ sẽ đánh mất cơ hội được rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản, nảy sinh ở các em thái độ ích kỷ, chỉ muốn người khác phục vụ mình.
Tuy nhiên, dạy con làm việc nhà cũng cần nắm những nguyên tắc sau:
Tạo thói quen làm việc nhà cho con từ sớm
Việc dạy con làm những việc nhỏ từ sớm sẽ giúp con hình thành thói quen. Chẳng hạn như nhờ con bỏ rác vào thùng, dọn cơm, nhặt rau...
Làm việc nhà là trách nhiệm, không phải là cơ hội “kinh doanh”
Nhiều mẹ trả tiền cho con để con làm việc nhà với suy nghĩ giúp con hào hứng làm việc và hiểu giá trị sức lao động. Cần hiểu rõ, việc nhà là công việc chung, chia đều cho mọi thành viên trong gia đình và con cần đóng góp công sức vào đây.
Nếu bạn trả công cho con khi con làm việc nhà, con sẽ mặc định việc đó là của bố mẹ, khi con thích hoặc cần tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Và những lần sau con làm mà bạn không trả tiền con sẽ tức tối, khó chịu.
Ai cũng cần được phân công
Để trẻ không “tị nạnh”, tốt nhất nên phân công đều việc nhà cho các thành viên khác. Ví dụ: Nếu bố cũng đi đổ rác và quét sân thì con sẽ không cảm thấy khó chịu khi rửa bát. Hoặc tối nay con rửa bát thì tối mai mẹ rửa. Giao khoán hẳn một công việc cho trẻ thường sẽ khiến trẻ ghét công việc và bực bội.
Chia sẻ cùng con
Dù có những việc là của con nhưng nếu lâu lâu mẹ xắn tay giúp đỡ một chút con sẽ rất vui đấy. Tuy nhiên, đừng vì xót con mà làm luôn mẹ nhé!
Đừng phủ nhận tầm quan trọng của con
Nếu con đã hoàn thành tương đối nhiệm vụ của mình thì dù có lúc lười biếng, cha mẹ vẫn nên công nhận nỗ lực của con. Nếu chúng cứ âm thầm làm mà không được ghi nhận thì chúng sẽ mất hết động lực làm việc và bất hợp tác.
Hãy kiên nhẫn
Cha mẹ hãy chấp nhận bát bị rửa bẩn hay nhà lau không sạch... Từ từ con sẽ “chuyên nghiệp” hơn, đừng nóng vội la mắng hoặc làm thay trẻ.
Không trọng nam khinh nữ
Thời đại nào rồi, cha mẹ nên bỏ qua suy nghĩ việc nhà là của con gái. Trẻ rất ghét khi có người được chơi trong lúc mình phải làm.