Chuyện đám trẻ con hành hạ 1 con mèo và thói bào chữa: "trẻ con biết gì?" của người lớn

“Nó là trẻ con, không biết gì” là câu cửa miệng của một số ông bố và bà mẹ khi giải thích cho những hành động không lấy gì làm đẹp mắt của con mình.

"Một đám con nít cột dây, kéo lê bé mèo ốm đói này đi vòng vòng chơi với niềm vui tà ác là "nghe nó kêu thích lắm". Hậu quả để lại của thú vui này là con mèo bị phồng rộp cả vùng bụng, cơ quan sinh dục bị tổn thương, cả người bê bết nước bẩn, nó không chống cự được bởi nó bị suy dinh dưỡng trầm trọng, đứng còn không vững nữa mà! Nó chỉ biết kêu yếu ớt để cầu cứu, nghe mà xót xa không thôi. Và sau khi hành hạ con mèo, chúng đã lợi  dụng tình yêu của một người phụ nữ tốt bụng dành cho nó để bán với giá 50 000 đồng chứ kiên quyết không cho".

Chia sẻ này của bạn A.N đã khiến cộng đồng mạng xôn xao bởi đa số chúng ta nghĩ rằng trẻ con thì không biết gì, không làm điều ác.

Có thật trẻ con không biết gì?

“Nó là trẻ con, không biết gì” là câu cửa miệng của một số ông bố và bà mẹ khi giải thích cho những hành động không lấy gì làm đẹp mắt của con mình.

Chị Nhung (nhân viên kế toán, 33 tuổi, Hà Nội) kể lại câu chuyện của mình “Mình đi làm về, thấy mặt mẹ chồng mình đầy vết xước, mình hỏi bà thì bà bảo là bị Gấu (con của chị chồng, đã hơn 2 tuổi) cào. Khi chị ấy thấy mẹ bị như vậy, chị ấy hỏi thăm qua loa rồi bảo là nó trẻ con, không biết gì nên bà đừng chấp nó. Mấy ngày sau, Gấu lại giở võ cào ra. Lần này, nạn nhân là con trai của mình. Chị ấy cũng không nói gì với mình luôn, cũng không nhắc con trai của chị ấy. Không muốn giữa hai chị em có điều tiếng chị chồng và mang tiếng để ý cháu nên mình cũng không dám nói gì. Nhưng mình cảm thấy không thoải mái. Cứ cho là Gấu còn bé, không biết gì nhưng chị ấy là mẹ, chị ấy có thể gọi con ra, nhắc với con là việc con cào vào mặt bà, cào vào mặt em là xấu, là sai và yêu cầu con xin lỗi chứ tại sao chỉ dùng một câu trẻ con không biết gì là xong như thế”.

Không chỉ những em bé còn ở độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ, đối với những đứa trẻ học tiểu học, thậm chí cấp 2, có một số ông bố, bà mẹ vẫn tiếp tục điệp khúc “trẻ con không biết gì” để bao biện cho con khi con mắc lỗi.

Chị Ngần (giáo viên một trường trung học ở Hoàng Mai) bức xúc chia sẻ: “Năm vừa rồi, lớp tôi thường xuyên mất trộm điện thoại, tiền mặt. Sự  nghi kị, đề phòng lẫn nhau bao trùm cả lớp khiến không khí rất ngột ngạt, căng thẳng. Cuối cùng, sau bao vất vả, lớp cũng tìm ra được thủ phạm. Nhưng khi mời phụ huynh lên để tìm kiếm biện pháp giáo dục thì tôi thực sự thất vọng vì sự thiếu hợp tác.  Khi nhà trường đưa ra quyết định kỉ luật hạ hai bậc hạnh kiểm của em ấy thì bố của em ấy liên tục nói rằng con của mình chỉ là trẻ con, chưa biết gì nên mới phạm lỗi và kiên quyết không đồng ý với mức kỉ luật của nhà trường. Chẳng nhẽ, học tới lớp 7 rồi mà vẫn chưa biết rằng ăn trộm là xấu?”

Quay trở lại với câu chuyện một đám con nít hành hạ con mèo ở đầu bài, chúng ta hãy thử tưởng tượng con mèo ấy chính là một đứa trẻ thì sao? Tới lúc ấy, chắc không ai dám nói rằng chúng là trẻ con, không biết gì nữa. Đáng buồn thay, điều này lại là sự thật và đã từng xảy ra. Chỉ có điều, nạn nhân không được may mắn như chú mèo kia, được giải cứu kịp thời. Ấy chính là vào năm 2013, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin bé Trâm (2 tuổi, trú tại Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, con của một người mẹ bị tâm thần đang ở nhờ nhà anh trai ruột) bị chính chị họ của mình, bé Hà (12 tuổi) đánh chết chỉ vì cho rằng em ở cùng, tốn cơm tốn gạo nhà mình. 

Thói quen thủa nhỏ quyết định hành vi khi trưởng thành

Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, khi các bé sơ sinh mới chào đời, tiếng khóc của con có giá trị cảnh báo bố mẹ về việc con bị đói, con bị bẩn, con mệt mỏi, con đòi hỏi... Mỗi khi con khóc, nhiều ông bố, bà mẹ thay vì bình tĩnh kiếm tra xem con đang cảnh báo điều gì thì lại cuống lên, vừa bế con, vừa dỗ dành liên tục. Con bắt tín hiệu đó rất nhanh và giải nghĩa rằng người lớn rất sợ mình khóc. Và con sẽ dùng tiếng khóc để điều khiển người lớn làm theo ý của mình. Đó chắc chắn là lí do bạn đã từng bắt gặp một đứa trẻ nào đó ăn vạ bố mẹ của mình để đòi đồ chơi, đòi được bế, đòi được mua bánh kẹo...

Có thể thấy trẻ con không biết gì là sự thật. Nhưng đó là trước khi trẻ chịu ảnh hưởng bởi giáo dục, bởi môi trường xung quanh. Thế nên, nếu như trước bất kì lỗi nào của trẻ, cha mẹ, người thân cũng bao biện rằng “trẻ con không biết gì” thì trẻ sẽ nghĩ rằng mình có quyền làm thế. Và những chuỗi hành động sai của trẻ sẽ không tự dừng lại ngay cả khi trẻ đã bước sang tuổi trưởng thành. Lí do, rất đơn giản, vì trẻ đã “quen” rồi. Nếu như thấy trẻ không biết điều gì thì có thể dạy về điều đó thay vì lờ đi, chờ đợi trẻ lớn hơn để dạy. Bởi giống như một cái cây, muốn trưởng thành, vững chắc thì cần có một cái gốc bền chắc.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Thị Thảo, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Nhiều nghiên cứu cho thấy bản thân trẻ em lạm dụng động vật thường là nạn nhân của lạm dụng, từng chứng kiến bạo hành trong gia đình hay học cách phản ứng trước cơn giận hay sự thất vọng thông qua bạo lực từ chính cha mẹ. Những trẻ này sẽ thực hiện hành vi bạo lực lên một thành viên khác yếu thế hơn tron gia đình, mà thường sẽ là vật nuôi. Chính vì vậy, người lớn cần nhận biết mối liên hệ giữa bạo lực với động vật và các loại bạo lực khác, đặc biệt là ở trẻ em, can thiệp sớm có thể giúp thay đổi vòng xoáy bạo lực trên; đừng làm ngơ trước viêc ngược đãi động vật ở trẻ em bằng cách cho rằng “nó mới là con nít”.

Vẫn theo thạc sĩ Trần Thị Thảo, bố mẹ cần quan tâm và tạo ra một môi trường yêu thương, hạn chế các tình huống căng thẳng trong gia đình, không để trẻ xem những chương trình bạo lực. Đồng thời, bạn cũng cần làm mẫu  cho trẻ về những hành động bạn muốn trẻ thực hiện; đặt ra các giới hạn về các quy tắc trong gia đình mà trẻ cần phải tuân theo, tuy nhiên tránh thực hiện quá nghiêm khắc hay quá lơi lỏng.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang