Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ sơ sinh
Khi bị sởi trẻ thường xuất hiện các triệu chứng: Sốt nhẹ, viêm họng nhẹ; Nốt ban dát hồng, nổi gợn trên bề mặt da tuần tự từ sau tai, mặt, cuối cùng là lan toàn thân; Chảy nước mũi và nước mắt; Ho khan kéo dài; Bị tiêu chảy; Viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ, mí mắt sưng nề.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sởi ở trẻ sơ sinh thường không điển hình, bệnh không rầm rộ như trẻ lớn vì còn miễn dịch của mẹ truyền qua nhau thai.
Nguyên nhân gây bệnh sởi ở trẻ sơ sinh
Khoảng thời gian lý tưởng cho bệnh sởi ở trẻ sơ sinh phát triển là vào mùa đông xuân. Tuy nhiên thời gian gần đây, số trẻ mắc sởi có xu hướng tăng tại các cơ sở y tế và bệnh viện nhi trên cả nước khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và dễ bùng phát thành ổ dịch. Trẻ nhũ nhi khi mắc sởi rất nguy hiểm vì sức đề kháng của trẻ còn rất yếu.
Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính. Bệnh vẫn được xem là bệnh nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp.
Nhờ vào việc tiêm ngừa vắc xin chủ động nên tỷ lệ tử vong do Sởi đã giảm đáng kể trên toàn thế giới, hàng năm có khoảng 100.000 bệnh nhân tử vong do mắc sởi chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Đa số là ở các nước kém phát triển, tỉ lệ tiêm ngừa phòng sởi thấp.
Chăm sóc trẻ sơ sinh bị bệnh sởi
Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị cơ bản là điều trị các triệu chứng và biến chứng của bệnh. Kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh sạch sẽ.
Thông thường, hệ miễn dịch có thể tự loại bỏ virus trong vòng 7- 10 ngày. Điều trị bệnh sởi chủ yếu là điều trị các triệu chứng. Thuốc giảm đau hay thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng hạn chế những khó chịu mà bệnh sởi gây ra.
Trẻ sốt trên 38.5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay, đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ. Không cho trẻ tiếp xúc với các trẻ bị sởi hoặc nghi ngờ bị sởi để tránh lây bệnh. Thường xuyên vệ sinh cơ thể cho trẻ sơ sinh. Môi trường sống thoáng mát và sạch sẽ cũng cần được cha mẹ lưu tâm.
Tình trạng dinh dưỡng của trẻ bị sởi có thể bị ảnh hưởng do tiêu chảy và nôn mửa hoặc biếng ăn vì loét miệng. Tăng cường cho con bú, chia nhỏ các cữ ăn, tăng các cữ ăn và bú nhiều hơn bình thường, thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hoá (cháo, bột, sữa ...) để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ dịch và năng lượng.
Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh tình của con. Đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay nếu nhận thấy những bất thường vì quá trình bệnh sởi ở trẻ sơ sinh thường rất nghiêm trọng.
Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp