Đừng vội rầy la trẻ khi học lực kém, có thể con đang gặp những vấn đề này

(lamchame.vn) - Nhiều bậc cha mẹ khi nhìn thấy kết quả học tập sa sút của con, thường vội vàng “kết luận” con lười biếng, không chăm chỉ mà không chịu kiên nhẫn tìm hiểu những nguyên nhân tâm sinh lý sâu xa bên trong trẻ.

Tình trạng sức khỏe tâm thần có khả năng ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và sử dụng thông tin của thanh thiếu niên, một khả năng mang tính tiên quyết trong các kỳ thi. Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo các giáo viên và phụ huynh không nên vội kết luận trẻ lười biếng hoặc không chăm chỉ, trong khi thực tế các em có thể đang đối mặt với căn bệnh trầm cảm.

Thống kê cho thấy 10% thanh thiếu niên từ 5 đến 16 tuổi hiện đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán lâm sàng. Nghiên cứu, bao gồm 58 trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17, đã thử nghiệm trên nhóm thanh thiếu niên có triệu chứng trầm cảm cao với nhóm thanh thiếu niên không có dấu hiệu trầm cảm hoặc trầm cảm mức độ thấp.

Các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi Jeni Fisk tại Đại học Reading, đã xem xét việc hai nhóm trẻ vị thành niên này liệu có thể nắm giữ và sử dụng thông tin tốt như thế nào bằng cách đưa ra một nhiệm vụ thí nghiệm.

Kết quả cho thấy, những trẻ bị trầm cảm, cũng đang mắc phải chứng căng thẳng và lo lắng khác, đã có những biểu hiện khó khăn trong các nhiệm vụ ghi nhớ, như ghi nhớ số điện thoại, ghi nhớ biển số xe,… Và trong thực tế cuộc sống hàng, những nhóm trẻ trầm cảm này có thể có dấu hiệu hay quên hoặc dễ nhầm lẫn.Theo một nghiên cứu được công bố trước đó, những thanh thiếu niên có triệu chứng trầm cảm thường có khả năng hồi tưởng lại kém hơn và ăn nói cũng kém lưu loát hơn.

Chính khả năng ghi nhớ kém, có thể dẫn đến những kết quả học tập không tốt trên ghế nhà trường.

Kết quả nghiên cứu này rất quan trọng để giáo viên và phụ huynh nhận thức được những khó khăn mà một trẻ em vị thành niên trầm cảm phải đối mặt. Chúng ta không nên vội phán xét là các em ấy lười biếng hoặc ham chơi. Một khi chúng ta đã biết rằng các em có vấn đề với bộ nhớ, thì việc giúp đỡ và hỗ trợ các trường hợp đặc biệt này cũng có khả thi hơn. Việc “kết tội” và rầy la khi chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân sẽ càng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

Việc “kết tội” và rầy la trẻ khi chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân của việc học hành sa sút sẽ càng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, có một thông tin khả quan rằng, bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu thầy cô và các bậc phụ huynh phát hiện sớm và đưa trẻ đi chữa trị kịp thời.

Trong bối cảnh bệnh trầm cảm ngày một gia tăng ở thời hiện đại, các nhà khoa học cũng cảnh báo một mối liên hệ giữa lạm dụng smartphone và bệnh trầm cảm. Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang San Diego và Đại học Georgia đã phân tích dữ liệu được cung cấp bởi cha mẹ của hơn 40.000 trẻ em Hoa Kỳ từ 2 đến 17 tuổi để khảo sát sức khỏe toàn quốc năm 2016. Theo đó, thanh thiếu niên dành hơn bảy giờ một ngày cho các thiết bị công nghệ hiện đại có khả năng được chẩn đoán mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm cao gấp đôi so với những người chỉ dành một giờ. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ ước tính trẻ em và thanh thiếu niên thường dành trung bình năm đến bảy giờ trên màn hình trong thời gian giải trí. Nghiên cứu này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ hiện nay, khi họ thường “bỏ mặc” con với những thiết bị công nghệ hiện đại do quá bận rộn với công việc.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU