Vì sao thai nhi đạp nhiều trong bụng mẹ?
Nguyên nhân do thai nhi không ngừng phát triển nên nó vẫn tiếp tục khua tay hay đạp chân. Khi mang thai càng nhiều tuần, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những cử động này rõ ràng hơn như lắc lư, huých mạnh. Thai nhi cũng cử động trước sự ồn ào bên ngoài hoặc cảm nhận theo cảm xúc người mẹ. Nếu bạn ở tư thế không thoải mái, thai nhi có thể co lại. Một điều hiển nhiên là thức ăn mà bạn ăn cũng làm cho thai nhi năng động hơn. Bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra thai nhi ngủ và thức theo chu kỳ.
Ảnh minh họa |
Mỗi thai nhi có sự chuyển động khác nhau. Có một số trẻ chuyển động rất mạnh (hiếu động) trong khi những đứa trẻ khác thì không. Ban đầu, bạn sẽ chỉ thỉnh thoảng mới cảm nhận được những chuyển động của trẻ nhưng khi em sẽ lớn hơn, bạn sẽ nhận thấy điều này mỗi ngày. Sự chuyển động của thai nhi cũng bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ, âm thanh và hoạt động của người mẹ trong ngày. Từ tuần thứ 28 trở đi, các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên theo dõi những chuyển động của em bé.
Dấu hiệu nhận biết khi nào thai đạp
Theo TS. BS. Lê Thị Thu Hà tại khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ: "Thai nhi bắt đầu có những cử động từ tuần lễ thứ 8. Tuy nhiên, ban đầu các cử động như ưỡn người nhẹ nhàng và thai phụ hầu như không cảm nhận được. Khi thai phát triển hệ cơ xương khớp, cử động trở nên mạnh hơn và thai phụ dễ dàng cảm nhận cử động này. Thai máy (cử động thai) mạnh lên khi thai nhi thức, được kích thích bằng âm thanh, bằng cách lắc nhẹ vào thành bụng. Khi thai ngủ sẽ ít máy hoặc nằm yên. Khi thai thiếu oxy (lượng máu từ mẹ truyền sang bé bị giảm đi) thì thai nhi sẽ máy yếu. Theo dõi cử động thai là cách người mẹ tự theo dõi sức khỏe của bé yêu."
Khi sự phát triển của thai nhi theo từng tuần càng lớn, mẹ sẽ cảm nhận rõ rệt hơn thông qua những cử động đạp, quẫy mạnh của bé.
- Giai đoạn thai máy đầu tiên (Tuần 7 – 8 thai kỳ): Thời điểm có thể mẹ sẽ chưa cảm nhận rõ rệt những cử động của bé vì giai đoạn này chỉ là những lần thai máy rất nhẹ. Đôi khi còn xảy ra trường hợp: có ngày thai máy thường xuyên nhưng lại có những ngày gián đoạn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mẹ không nên quá lo lắng vì mỗi em bé có thời gian biểu và cách vận động riêng, đôi khi những cử động đó chưa đủ mạnh để mẹ có thể cảm nhận được.
- Giai đoạn thai máy rõ ràng (Tuần 16 – 22 thai kỳ): Đây được xem là giai đoạn thai máy bắt đầu biểu hiện rõ ràng và người mẹ có thể cảm nhận được với những cử động từ không đều, ít mạnh mẽ đến những cử động mạnh và đều đặn hơn. Thời điểm này cũng là lúc mẹ nên học cách theo dõi thai máy để hiểu về tình trạng sức khỏe của thai nhi. Nên theo dõi thai máy vào các buổi sáng, trưa, tối hoặc tối thiểu 1 lần trong ngày. Mẹ chỉ cần dành ra 30 phút liên tục là có thể đếm được số lần thai cử động. Một lưu ý nhỏ là khi thai ngủ thường không có cử động thai và thời gian ngủ trung bình của thai nhi thay đổi từ 20 phút đến 2 giờ.
|
- Giai đoạn thai máy mạnh mẽ (Tuần 30 – 38 của thai kỳ): Đây là lúc thai máy biểu hiện mạnh mẽ với những cơn quẫy đạp, xoay trở mình, tay chân hay cử động toàn thân mà mẹ cảm nhận được. Lúc này, mẹ cũng cần phân biệt để đừng nhầm lẫn thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm nguyên vùng bụng cứng lên, tùy mức độ mà còn gây đau, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng mà thôi.
Em bé đạp nhiều trong bụng mẹ có sao không?
Con số quan trọng nhất mà mẹ cần nhớ khi đếm cử động thai là số 10. Khi bắt đầu đếm cử động thai, mẹ ghi lại giờ và ngừng lại khi đã đếm đủ 10 cử động. Nếu trong vòng 4 giờ liên tiếp, mẹ không đếm đủ 10 cử động thai thì nên nhờ các bác sĩ kiểm tra để chắc chắn bé cưng vẫn khỏe mạnh.
Trong 4 giờ, nếu có trên 10 cử động thai, mẹ có thể yên tâm về sức khỏe của bé.
Việc bé cử động nhiều là một tín hiệu đáng mừng đối với mẹ. Đây là dấu hiệu cho thấy bé đang phát triển khỏe mạnh.
Mỗi ngày, mẹ nên đếm cử động thai 2 lần, đặc biệt là sau tuần thứ 28 của thai kỳ. Càng gần ngày sinh, mẹ sẽ càng muốn dành nhiều thời gian hơn để theo dõi các hoạt động của bé. Những dấu hiệu như thai giảm hoạt động một cách đột ngột nên được báo ngay với bác sĩ.
Việc thai nhi đạp nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cảm nhận riêng của mẹ. Nếu mẹ có nhiều thời gian để theo dõi bé hoặc mẹ có thành bụng mỏng sẽ dễ dàng cảm nhận được nhiều chuyển động. Một số mẹ có thành bụng dày, vị trí của nhau thai trong tử cung nằm ngay dưới da vùng bụng thì sẽ khó cảm nhận được cử động thai hơn. Trong mọi trường hợp, kết quả khám thai vẫn là dữ liệu đáng tin cậy nhất về sức khỏe của bé.
Những thời điểm dễ theo dõi cử động thai
Ngoài việc hoạt động, thai nhi cũng ngủ khá nhiều trong ngày. Những lúc bé ngủ là lúc mẹ ít cảm nhận được các hoạt động. Vào một số thời điểm nhất định trong ngày, việc theo dõi cử động thai sẽ diễn ra thuận lợi hơn những lúc khác. Đó là:
- - Khi mẹ nghỉ ngơi vào buổi tối: Khi mẹ đã hoàn tất những công việc trong ngày, có thời gian để thư giãn cũng là lúc mẹ dễ nhận ra hoạt động của bé.
- - Khi mẹ mới ăn xong: Năng lượng của mẹ tăng lên và được chuyển một phần cho các hoạt động của bé.
- - Khi mẹ đang hồi hộp: Adrenalin được sinh ra cũng có tác dụng đối với các hoạt động của bé.
Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bé ít đạp hơn hẳn. Thai nhi chuyển động ít đi có thể là dấu hiệu có vấn đề, và bạn sẽ cần phải xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe thai nhi hoặc sinh lý cơ thể thai phụ.
Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp