Nơi mỗi năm tiếp nhận khoảng 22.000 trẻ sơ sinh nhẹ cân, cực non tháng với đủ thứ bệnh lý, thậm chí có trẻ chỉ "bé tẹo như cái kẹo" vỏn vẹn 500gr mà vẫn có thể sống sót.
Theo BSCK II Nguyễn Thu Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh cho biết, mỗi năm Trung tâm đón nhận từ 20.000 - 22.000 trẻ sơ sinh sinh ra tại BV Phụ Sản Trung Ương nhưng chủ yếu là những trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1500 gam cùng nhiều yếu tố nguy cơ nặng từ bệnh lý của mẹ và con từ nhiều các bệnh viện Sản - Nhi công lập, dân lập toàn quốc chuyển tới.
|
Ở đây, các bệnh lý chủ yếu là cực non tháng, nhẹ cân, Hội chứng suy hô hấp nặng, Nhiễm khuẩn, Dị tật bẩm sinh, Vàng da, Bệnh chuyển hóa,... nhưng hầu hết là ở dạng bệnh lý phối hợp của nhiều bệnh.
Cùng với việc nuôi dưỡng thành công những trẻ non tháng nặng 500gr, Trung tâm còn chăm sóc 100% trẻ HIV (+) và các bệnh lây nhiễm khác. Trung tâm thực hiện tốt các quy trình áp dụng các kỹ thuật mới vào điều trị để cứu sống bệnh nhân như sử dụng Surfactant cho trẻ đẻ non tháng,khám mắt theo dõi định kỳ phát hiện sớm bệnh ROP để điều trị kịp thời tránh mù lòa cho trẻ cũng như hạ thấp tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh nhờ thực hiện tốt quy trình ủ ấm trẻ, quy trình vệ sinh vô khuẩn.., điều trị sớm hạ đường huyết, điều trị sớm vàng da ở trẻ sơ sinh giúp tránh di chứng thần kinh cho trẻ.
|
Đặc biệt, kể từ năm 2010, khi lần đầu tiên Trung tâm cứu sống thành công em bé sinh non chỉ nặng 500gr, đến nay, tại Trung tâm này, đã có hơn 10 cháu được nuôi dưỡng thành công bởi bàn tay tận tâm của các bác sĩ, điều dưỡng của ở đây.
BS Hoa kể lại công việc hàng ngày mà chị và các đồng nghiệp vẫn thực hiện với chúng tôi: “Có 500gr thôi, cả cẳng chân bé chỉ bằng ngón tay của mình. Làm thế nào các cô cũng phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, đặc biệt là làm các thủ thuật lấy máu xét nghiệm, tiêm truyền vì sơ sẩy là vào xương cháu bé”- Nữ bác sĩ hàng chục năm gắn bó với trẻ sơ sinh tâm sự: “Có những bé rất nhiều lần phải cấp cứu do ngừng thở, ngừng tim và có xuất huyết não. Nhưng chúng tôi vẫn không buông tay và thật kỳ diệu, chúng tôi cũng đã cứu được cháu bé, có cháu đã hai tuổi, sức khỏe rất tốt, phát triển như một đứa trẻ bình thường”.
|
Trao đổi với chúng tôi, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, những trường hợp sinh non ở đây hầu hết đều làm IVF, hỗ trợ sinh sản và đều rơi vào gia đình hiếm muộn nên họ tha thiết kỳ vọng vào sự sinh tồn của cháu bé.
Những em bé này một bữa chỉ ăn 1ml sữa qua đặt xông và các điều dưỡng phải bơm nhẹ nhàng bằng tay. Hằng ngày, hằng tuần chúng tôi nín thở theo dõi sự phát triển của bé. Đến khi em bé đạt cân nặng 1kg lại nín thở vì nằm lâu trong viện các bé có thể gặp nhiều yếu tố nguy cơ. Khi em bé ra ghép mẹ, chúng tôi lại nhìn và hướng dẫn mẹ em bé chăm em bé sinh non thế nào, theo dõi sự phát triển của trẻ ra sao, đó là một hành trình mà bất kỳ điều dưỡng nào cũng thuộc nằm lòng.
|
Tại Phòng Hồi sức tích cực, không khí một tua làm việc không ngừng nghỉ. Một tua trực có 2 bác sĩ, 8 điều dưỡng, làm việc miệt mài trong 12 giờ đồng hồ. Mỗi một cô điều dưỡng phải trông chừng khoảng 10 cháu, quay vòng với hành trình cho ăn, thụt phân, chăm sóc, theo dõi nhịp tim, nhịp thở… Những lúc bé mong manh và non yếu, không có bố mẹ chăm sóc, chỉ cần một cái chạm nhẹ, một sự vỗ về nhẹ cũng giúp bé cảm nhận được sự gần gũi.
|
“Nếu không có tình thương như con, như cháu thì không làm được. Công việc này đòi hỏi phải chăm sóc nhẹ nhàng hết mức. Chúng tôi không thể nói, gọi to hay làm công việc ảnh hưởng nặng nề em bé”- điều dưỡng Trang nói.
Sau chăm sóc tại phòng Hồi sức tích cực, các bé sinh non được cho về ghép mẹ. Trẻ được mát xa hàng ngày, có mẹ ở bên để được các y bác sĩ hướng dẫn thực hành cho con khi xuất viện.
|
Các y bác sĩ ở đây chia sẻ, cảm xúc vỡ òa nhất là khi được đưa con về ghép mẹ, được gặp lại các em từng năm, từng năm khi tái khám, được nhận những món quà nhỏ của gia đình các em bé vào dịp 27-2, được chụp ảnh với các em nhỏ đã lớn lên đầy kỳ diệu bởi bàn tay chăm sóc của các cô. Sự gặp lại bao giờ cũng hồ hởi, nhiều hạnh phúc như những người thân lâu ngày hội ngộ. Ở đó, không có ranh giới của những người mặc áo blouse trắng với các bệnh nhân.
|
Mặc dù công việc thầm lặng, lại vất vả nhưng những người mẹ hiền tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh luôn lấy sức khoẻ của các em bé là niềm vui, động lực phấn đấu, ngày đêm tần tảo chăm bẵm chúng như những mẹ bỉm sữa lúc nào cũng đong đầy tình yêu thương con trẻ.
Theo sohuutritue.net.vn