Thầy Đỗ Viết Tuân, giáo viên môn Toán tại Hà Nội
PV: Chỉ còn vài tháng nữa, học sinh Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, riêng với môn Toán, thầy có lưu ý gì về phương pháp ôn tập trong giai đoạn nước rút này?
Thầy Đỗ Viết Tuân: Việc đầu tiên với môn Toán là các em cần đánh giá, nhìn nhận lại năng lực học Toán của bản thân, biết đâu là những phần kiến thức thế mạnh, phần nào kiến thức còn yếu, từ đó sẽ xây dựng nội dung ôn tập trọng tâm.
Ví dụ, với những học sinh có học lực ở mức độ yếu cơ bản, thì nên tập trung làm các câu rút gọn, câu giải phương trình, chứng minh tứ giác nội tiếp hay câu hình không gian. Thầy cô nên giúp các em giải quyết dứt điểm các nội dung đó trước khi chuyển sang các nội dung ở mức độ tiếp theo như câu Vi-ét, câu hỏi phụ hàm số, câu giải bài toán hay câu 2 bài hình phẳng.
Với học sinh khá, các bài toán như ý 3 bài 1, ý 2b bài 3 ý 3 bài 4 cần tập trung ôn luyện, giải quyết được sai lầm về điều kiện, kết luận bài toán để có thể nhận điểm tối đa các ý đã làm được.
Với học sinh giỏi bên cạnh tránh sai lầm do tính toán thì tập trung bài hình ý 3 và giải quyết trọn vẹn bài 5.
Các bạn cần tập trung luyện các chủ đề bám sát cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm và dựa trên tư vấn của thầy cô, tập trung thời gian luyện đề trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó cần giảm thời lượng học thêm môn Toán ở những điểm học không cần thiết, không hiệu quả, dành nhiều thời gian ôn luyện ở nhà nhiều hơn.
PV: Trong quá trình luyện thi cũng như chấm bài cho học sinh, theo thầy đâu là những lỗi học sinh thường gặp trong quá trình làm bài thi vào lớp 10?
Thầy Đỗ Viết Tuân: Quan sát quá trình làm bài trên các lớp ôn tập vào 10 và làm bài thi trong các đợt khảo sát thi thử vào 10, những lỗi mà học sinh hay gặp phải trong quá trình làm bài như xét điều kiện cho bài toán, đối chiếu điều kiện ở bước kết luận với các phần Toán rút gọn, bài liên quan đến hệ thức Vi-ét, hay phần kỹ năng làm tròn số ở câu hình thực tế. Bài hình học, nhiều em đang yếu ở sự xâu chuỗi các ý trước với ý sau để vận dụng giải quyết các câu tiếp theo.
Qua các đợt kiểm tra, khảo sát, học sinh nên xem kỹ lại những lỗi sai mình đã mắc phải, đối chiếu với phần chữa bài của thầy cô để khắc phục, đảm bảo không lặp lại những lỗi tương tự khi làm bài thi chính thức.
PV: Hiện nay Sở GD-ĐT Hà Nội chưa công bố số môn thi vào lớp 10, tức ngoài các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, học sinh sẽ phải học đều các môn còn lại, thầy có lưu ý gì về phương pháp ôn tập trong giai đoạn này để đạt kết quả tốt nhất?
Thầy Đỗ Viết Tuân: Giai đoạn này, các em nên giảm tải bớt các lớp học thêm không hiệu quả (do áp lực phải đi học), tập trung luyện các chuyên đề theo đề thi vào 10 hàng năm, luyện tập cách trình bày các đề thi thử để rèn tốc độ, kỹ năng tính toán và tránh được những sai lầm trong làm bài.
Bên cạnh đó các em nên hạn chế tham gia quá nhiều đợt thi thử, hãy chọn lọc những điểm thi thử làm bài bản từ tổ chức đến đề thi, chấm chữa nhận xét cẩn thận, giúp ích cho việc ôn tập.
Ngoài ra, các em cũng cần phân bổ thời gian ôn tập phù hợp, cân bằng cho các môn. Việc học là quan trọng song cũng cần kết hợp sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, tránh những áp lực căng thẳng không đáng có. Dù là giai đoạn nước rút, song học sinh vẫn còn khoảng 3 tháng nữa để chuẩn bị cho kỳ thi, đây là giai đoạn các em có thể tranh thủ lấp đầy những mảng kiến thức còn "hổng". Bình tĩnh, tự tin là điều rất quan trọng.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhiều học sinh sẽ có xu hướng đổ dồn vào các lò luyện thi, tuy nhiên các em cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về giáo viên, trung tâm, phương pháp sư phạm... tránh nghe những tư vấn, quảng cáo quá đà trên mạng.
PV: Xin cảm ơn thầy.