Trong số này, hơn 56% có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 38% chưa có triệu chứng. Hiện cả nước có 97 ca tiên lượng nặng, 45 ca nặng có thở máy không xâm nhập, 26 trường hợp nguy kịch phải thở oxy xâm nhập và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Trong 11 ca phải can thiệp ECMO, có 1 ca ở Bệnh viện Chợ Rẫy (là chiến sĩ công an được chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM), 3 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, 1 ca ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 5 ca ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Cũng theo Tiểu ban Điều trị, trong số bệnh nhân COVID-19 được đánh giá là nặng và nguy kịch hiện nay, TP. Hà Nội có 34 ca, TP.HCM có 6 ca; trong đó 3 ca tiên lượng tử vong là 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và 1 bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ảnh minh hoạ
Theo GS Nguyễn Gia Bình - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với hơn 6,5 nghìn ca mắc trong đợt dịch thứ tư này thì số ca nặng sẽ tăng lên rất nhiều.
Tính trung bình ước chừng có khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không có triệu chứng. Còn lại 20% có diễn tiến nặng, trong số này có 5% sẽ diễn tiến cực nặng, có nguy cơ tử vong.
Trao đổi với chúng tôi, GS Bình cũng cho rằng biến chủng mới từ Ấn Độ có độc lực khá mạnh. Độc lực này dẫn tới tình trạng rối loạn miễn dịch, bão cytokine, rối loạn đông máu. Đặc biệt, cục máu đông đi vào trong phổi sẽ nguy hiểm vô cùng.
Trường hợp khác là hiện tượng đông đặc phổi cũng nguy hiểm. Bình thường phổi xốp, nhưng khi virus tấn công sẽ gây viêm phổi và gây nên tình trạng tăng đông phổi. Bệnh nhân không thở được nên nguy cơ tử vong cao rất cao.
Virus SARS-CoV-2 không chỉ diễn tiến nặng ở bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, tim mạch… đến nay cả người khoẻ vẫn bị biến chứng nặng.
Vì thế GS Bình nhấn mạnh cộng đồng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn.
Theo ttvn.vn