PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (BV Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội), trường hợp đầu tiên là một bé trai 13 tuổi (người dân tộc Mường, ở Hòa Bình) nhập viện ngày 18/3 trong tình trạng bệnh dại đã toàn phát. Trẻ có biểu hiện sợ nước, sợ ánh sáng, tinh thần kích thích… Sau khi vào viện được 3 ngày, dù các bác sĩ đã chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực để điều trị, bé vẫn không qua khỏi.
Gia đình bệnh nhi này nuôi chó đẻ. Do chó mẹ bị ốm nên gia đình đã quyết định bán đi, nhưng vẫn giữ lại đàn chó con. Trong quá trình chơi đùa với chó con, bé trai này bị con vật gặm vào tay nhưng chủ quan không nói cho bố mẹ biết, đến khi khởi phát bệnh mới kể lại.
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (BV Nhiệt đới Trung ương). Ảnh: PP. |
Trường hợp thứ hai là cháu bé 9 tuổi (dân tộc Mông, quê Lạng Sơn) nhập viện ngày 22/5. Khi nhập viện, bệnh nhi được xác định ngay là đã mắc bệnh dại, vì có biểu hiện rất đặc trưng. Bệnh nhi này cũng được chuyển xuống khoa Hồi sức tích cực để điều trị, nhưng vẫn tử vong ngay trong ngày 22/5.
Theo lời kể của gia đình, sau khi bị chó cắn, bé trai này không thông báo với cha mẹ. 13 ngày sau, con chó bỗng nhiên chết, lúc này bé đã có dấu hiệu mắc bệnh dại. Thời điểm cha mẹ biết con bị chó cắn, cũng là lúc bé tử vong.
“Hai cháu tử vong là do khi bị chó cắn không chia sẻ thông tin cho cha mẹ. Vì thế, các gia đình không biết để đưa con đi tiêm phòng và theo dõi tình hình sức khỏe. Đến khi thấy con phát bệnh thì quá muộn, không thể cứu chữa được nữa”, PGS Huy chia sẻ.
Theo ông, khi bị chó, mèo hoang cắn, phải lập tức tiêm phòng dại cho trẻ ngay lập tức, vì chúng ta không biết nguồn gốc vật nuôi đó ở đâu để theo dõi. Khi bị chó nhà cắn, gia đình cần phải theo dõi chó trong vòng 10 ngày, nếu chó ốm hoặc chết cần tiêm phòng dại ngay.
“Khi bị vật nuôi cắn hoặc chó, mèo có biểu hiện bênh, các gia đình không được giết hoặc bán trong vòng 10 ngày. Hành động này khiến chúng ta không theo dõi được tình trạng của vật nuôi và vô tình phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Chó dại thường cắn lung tung, thậm chí người giết mổ khi bị dãi của con vật rớt vào vùng cơ thể bị trầy xước cũng có nguy cơ mắc bệnh dại”, PGS Huy cảnh báo.
Người dân khi nuôi chó, mèo cần tiêm phòng dại cho vật nuôi đầy đủ. Khi dắt chó mèo ra đường, nơi công cộng cần phải đeo rọ mõm cho vật nuôi. Ngoài ra, các gia đình cần phải giáo dục cho trẻ cách phòng tránh, cũng như xử lý ban đầu khi bị chó, mèo cắn.
Theo news.zing.vn