Ruốc luôn là món ăn quen thuộc với người Việt Nam, và có mặt ở hầu hết trong các loại xôi, từ bánh mì, bánh ngọt, hay cơm cháy. Tuy nhiên, món ruốc này đang trở thành mối lo với người sử dụng.
Để cho ra thành phẩm ruốc, chúng ta phải tẩm ướp, chế biến, sau đó phải giã, xé,… rất nhiều công đoạn, nên giá thành làm nên sản phẩm ruốc này khá là đắt. Tuy nhiên, thực trạng ruốc bẩn tràn lan vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối, chưa thể giải quyết được khi mà lương tâm của nhà sản xuất vẫn còn đặt lợi nhuận buôn bán lên trên sức khỏe người tiêu dùng.
Ruốc “bã sắn dây”
Ruốc hay còn gọi là chà bông là một loại thức ăn khô được chế biến từ thịt lợn nạc, thịt gà bỏ da, cá rút xương, tôm to bóc vỏ... Tùy theo loại nguyên liệu đem chế biến mà có các tên gọi tương ứng như ruốc lợn, ruốc gà, ruốc cá, ruốc tôm, ruốc bò. Món ăn đó từ lâu được coi là tiện dụng nhưng hiện nay đang tràn lan thực phẩm ruốc giả làm từ bã sắn dây. Giá một lạng ruốc thịt lợn (chà bông) “xịn” trên thị trường hiện khoảng 30.000 đồng, còn các loại ruốc trộn có rất nhiều mức giá, bởi nó phụ thuộc vào tỷ lệ lượng bã sắn dây được trộn. Thông thường, người bán thức ăn bình dân sẽ mua với giá bằng 1/3 giá ruốc thật. Ruốc “bã sắn dây” thường được bán tại các khu chợ cóc, bến xe, hàng xôi vỉa hè, trường học, BV, hay những quán bán cơm rang…
Để làm 1 kg ruốc hay chà bông từ nguyên liệu thịt, thông thường người sản xuất phải sử dụng từ 2.5-3 kg thịt ngon. Với giá cả thực phẩm hiện tại và công thức như trên, để có được 1 kg thuốc thành phẩm, chưa kể công sản xuất, 1 kg ruốc tối thiểu phải có giá từ 350-400 ngàn đồng thì mới có lãi.Tuy nhiên, Dạo qua vài trường ĐH và cổng các BV, chỉ với 5.000 đồng, mà lượng ruốc trong gói xôi rất nhiều, chưa kể các gia vị khác. Tại một chợ đầu mối, không khỏi giật mình khi ruốc bán buôn cực rẻ, giá dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, rẻ hơn 1 kg thịt sống.
Công nghệ biến bã săn dây thành ruốc thịt khá đơn giản. Chỉ cần lấy bã sắn dây về ngâm tẩm với các loại gia vị, đánh bông lên, trộn với ruốc thịt và mang ra bán. Khâu quan trọng nhất là ngâm tẩm để bã sắn dây có vị thơm giống như các loại thịt thật. Thường thì bã sắn dây đã vắt hết bột, tẩy trắng, phơi khô xong được ngâm tẩm với bột nêm, muối và bột ngọt, sau đó thêm ít màu, cho vào chế biến cho màu giống thịt lợn thật. Xong khâu này thì mang ra đánh bông, xao thật vàng, cuối cùng là trộn với một ít ruốc thật cho có mùi, rồi... xuất xưởng. Giá ruốc “bã sắn dây” phụ thuộc vào tỷ lệ thịt lợn thật và bã sắn được pha.
Điểm tiêu thụ lớn và nhanh nhất là những người bán xôi, bánh mỳ vỉa hè, trung bình mỗi ngày họ bán hết 30 - 50kg ruốc loại này. 100% các loại ruốc bán tại các thúng xôi vỉa hè là ruốc trộn bã sắn dây. Một lạng ruốc “xịn” có giá 30.000 đồng, nếu bán 5.000 - 6.000 đồng một gói xôi với lượng ruốc nhiều như thế có mà phá sản. Dù là người trong nghề nhưng chỉ nhìn thoáng qua cũng khó biết đó là ruốc “bã sắn dây, vì chúng được xào nấu, chế biến ra màu sắc y ruốc thịt.
Bã sắn dây là một loại chất xơ bỏ đi. Khi chúng biến thành ruốc, thứ “bỏ đi” đó được tẩm ướp thêm hương liệu, chất phụ gia để đánh lừa người tiêu dùng. Ngoài việc không mang lại chất dinh dưỡng, chúng còn gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, cản trở hấp thu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, bộ máy tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị tổn thương. Trẻ có thể bị sặc, hóc do sợi ruốc bã sắn dây thường dai hơn bình thường. Không những thế, những thực phẩm giả làm từ sắn dây, bột gạo cần một lượng chất bảo quản không nhỏ. Chất bảo quản là một chất hữu cơ rất độc, được sản xuất rộng rãi trong công nghiệp. Chúng tạo thành những hợp chất bền, không thối rữa, ôi thiu, nhưng rất khó tiêu hóa. Nếu sử dụng nhiều, niêm mạc mắt của người dùng bị kích thích, đỏ. Chúng còn có tác hại gây viêm nhiễm đường hô hấp trên (chảy mũi, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi). Gây viêm da dị ứng, nổi mề đay, làm chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng... Khi tiếp xúc, hoặc ăn phải với một hàm lượng cao có thể gây tử vong. Foocmon là tác nhân gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể: Gia tăng tỷ lệ ung thư xoang mũi, ung thư đường hô hấp đặc biệt là mũi, họng, phổi, ung thư đường tiêu hóa...
Gà “thải” làm ruốc, cứ muốn là có
Ruốc làm từ thịt gà thải loại, gà công nghiệp được bày bán tràn lan ở các chợ đầu mối, sau khi được thương lái hô biến thành thuốc thành phẩm lại được trộn thêm các loại phụ gia, bột không rõ nguồn gốc chất lượng để tăng khối lượng tịnh.
Sản phẩm này đang được bày bán tràn lan ở các chợ đầu mối, và cả các chợ dân sinh trở thành mối đe dọa thường trực với người sử dụng.
Ruốc làm từ gà thải loại, trộn bột vào để tăng khối lượng tịnh, hàng chỉ được giao bán trực tiếp chứ không có mặt trên sạp hàng để che mắt các cơ quan chức năng
Khi được hỏi mua gà để làm ruốc, những người bán hàng nhanh tay mang ra những tấm lườn gà công nghiệp lọc sẵn. Thịt gà được bán ra thị trường hàng ngày với số lượng rất lớn. Và chỉ cần để lại số điện thoại gọi đặt hàng, muốn mua bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu.
Gà thải loại, gà công nghiệp có thể chứa rất nhiều dư lượng kháng sinh và kích thích tăng trưởng trong thành phần thịt. Loại sản phẩm này có giá thành rẻ và được bán tràn lan tại các chợ lớn, chợ dân sinh. Vì vậy, những người bán hàng đã bất chấp những nguy cơ về sức khỏe người sử dụng để thu về lợi nhuận.
Đối với tất cả loại gà thải loại hay các động vật khác, đầu tiên thải loại là nuôi với thời gian quá lâu. Ví dụ như gà để lấy trứng, người ta bơm những thuốc hoocmon và kích thích để nó đẻ nhiều trứng. Ngoài những thuốc kích thích, người ta còn tiêm kháng sinh nữa.
Khi ăn phải các loại thực phẩm này, người tiêu dùng dễ mắc phải dị ứng, vì nhiều người có thể dị ứng với nhiều loại kháng sinh. Hai nữa là có thể biến đổi gen.
Cách phân biệt ruốc thât- giả
Cách phân biệt ruốc thật và ruốc giả đầu tiên đó là dựa vào màu sắc và hình dạng của sản phẩm. Ruốc thật có màu vàng tự nhiên của thịt, đôi khi có màu trắng giống thịt luộc (nếu không xao ruốc quá kỹ). Hình dạng sợi ruốc nhỏ, có độ tơi vừa phải. Đối với ruốc giả, được làm từ sắn dây sẽ có màu nhờ nhờ, nhìn không được tự nhiên. Ruốc giả không có độ bông tơi, thường to, tròn hơn so với ruốc thật.
Cách phân biệt ruốc thật, ruốc giả tiếp theo đó là dựa vào mùi vị. Ruốc thật có mùi thơm, vị béo đặc trưng của thịt lợn và có vị ngọt của thịt luộc. Còn ruốc giả, không có mùi thơm của thịt tươi; khi ăn có vị hơi chát hoặc ngọt lợ của hương liệu và mì chính.
Ruốc thật khi cho vào nước hoặc lấy tay xoa xoa, ruốc sẽ rời ra nhưng không chuyển màu mà vẫn giữ được sắc vàng của thịt và lộ rõ sợi thịt. Đối với ruốc giả, được làm từ bã sắn dây khi cho vào nước sẽ bị trương lên, sờ thấy mềm nhũn, chuyển màu sang màu trắng bợt của bã sắn dây.
Ngoài ra, để tránh cảnh “tiền mất tật mang” người tiêu dùng cần biết bảo quản sản phẩm đúng cách. Nêm để ruốc vào 1 lọ thủy tinh và đậy kín nắp. Khi ăn chỉ nên dùng phần đũa khô gắp 1 lượng vừa đủ, tránh làm ruốc trong lọ bị chảy nước. Trong những ngày thời tiết nồm, ẩm, nên bảo quản ruốc trong tủ lạnh.
Bất chấp sức khỏe của người sử dụng, hàng ngày những kg ruốc giá rẻ vẫn được nhiều người bán hàng sử dụng trong nhiều món ăn để tiết kiệm chi phí tăng lợi nhuận. Để đảm bảo ăn được ruốc an toàn, hãy lựa chọn các địa chỉ uy tín tin cậy, và tốt nhất nên tự làm món ăn từ các nguyên liệu sạch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.
Theo sohuutritue.net.vn