Để mẹ có thể chuẩn bị cho bé khoảng thời gian ăn dặm khoa học và bổ dưỡng nhất, cần rất nhiều sự hiểu biết. Trên thực tế, số tháng tuổi không phải là yếu tố duy nhất cần để bé bắt đầu ăn dặm. Khi con bạn còn cần phải có thể ngồi lên (với sự hỗ trợ từ người lớn), quay đầu đi nơi khác và có thể nhai là bạn có thể cho con làm quen với bữa ăn đầu tiên.
Bên cạnh đó, phải thật lưu ý những vấn đề sau đây:
Thức ăn chính của trẻ giai đoạn này vẫn là sữa mẹ/sữa bột
Ăn dặm giai đoạn này chỉ với mục đích giới thiệu thực phẩm mới cho trẻ chứ không phải là sự thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ hoặc sữa bột. Hãy nhớ rằng, bạn đang tập cho bé ăn dặm chứ không phải thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống của bé.
Bữa ăn dặm đầu tiên
Bữa ăn dặm đầu tiên rất quan trọng. Nếu bé vẫn chưa quen với mùi thực phẩm mới, tốt nhất mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, ưu tiên chế biến các món khoái khẩu, thức ăn có mùi vị gần giống sữa mẹ để bé làm quen. Thời gian đầu ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn một bữa và chút trái cây. Từ tháng thứ 7 trở đi, bé có thể ăn nhiều hơn với đầy đủ 4 nhóm chất đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Ghi nhớ 3 nguyên tắc giúp bé ăn dặm ngon miệng
Đó là ăn từ loãng đến lỏng, ít đến nhiều, bột ngọt đến bột mặn. Thời gian đầu, mẹ có thể xay nhuyễn thực phẩm để bé dễ dàng nuốt và hấp thu theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hoặc Pháp. Đồng thời giúp bé làm quen và đo sức chứa dạ dày bằng cách thử cho bé nhấm nháp một muỗng nhỏ bột loãng hoặc nước cơm, dần dần mới đa dạng hương vị với thịt bò, gà, heo, cá, trái cây, rau củ xay nhuyễn.
Đừng kỳ vọng bé sẽ ăn nhiều tại thời điểm bắt đầu
Bé sẽ cần thời gian để làm quen với dụng cụ ăn uống mới như muỗng và cả cảm giác có thức ăn rắn trong miệng sau một thời gian khá dài chỉ uống chất lỏng. Vì vậy, bé chỉ có thể ăn một hoặc hai muỗng cà phê tại một thời điểm mới bắt đầu.
Tránh sữa và mật ong
Cho trẻ uống sữa bò khi bé dưới 1 tuổi có thể khiến trẻ khó tiêu hóa còn mật ong có thể tăng cao nguy cơ ngộ độc.
Hãy tôn trọng dạ dày của bé
Nếu bé nhè thức ăn, quay đầu đi nơi khác, bặm môi thật chặt hoặc nhổ ra bất cứ thứ gì bạn đặt trong miệng của bé hay khóc ré lên, đó là lúc bạn nên ngừng cho bé ăn. Trẻ em sẽ ăn khi đói và dừng lại khi đã no. Một khi hiểu được điều này thì bạn sẽ tránh được việc ép bé ăn quá nhiều và điều này rất có lợi khi bé lớn lên.
Hãy thật kiên nhẫn khi cho bé thử món mới
Nếu bé không thích một thức ăn mới mà bạn giới thiệu, đừng vội nản lòng. Hãy chờ một vài ngày và thử lại. Và một lần nữa. Và một lần nữa… Điều này có thể cho bé có nhiều thời gian hơn để thích nghi với món ăn.
Chuẩn bị tinh thần dọn dẹp “chiến trường”
Khoảng thời gian bắt đầu cho con ăn dặm, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vì bãi “chiến trường” vương vãi sau mỗi bữa ăn. Để đỡ mất công dọn, bạn có thể đặt một tấm thảm dưới ghế của bé để hứng những thứ lộn xộn rơi vãi, đeo yếm cho bé.
Hãy cho bé ăn bằng tay khi bé sẵn sàng
Khi bé được chín tháng tuổi, bé sẽ có thể chọn những miếng đồ ăn nhỏ mềm để ăn. Một số thức ăn cầm tay tuyệt vời bao gồm chuối chín, cà rốt, phô mai, mì nấu chín, ngũ cốc khô và trứng.
Làm sao để bé hào hứng chấp nhận thức ăn?
Mẹ có thể sáng tạo để biến mỗi bữa thành những trải nghiệm khác nhau. Chẳng hạn như chuẩn bị tô bát có hình mèo vui nhộn hoặc thỏ ngộ nghĩnh, Tâm lý tốt sẽ kích thích cơ thể bài tiết các men tiêu hóa có lợi, giúp bé hào hứng với bữa ăn hơn.