Học theo các phương pháp sơ cứu đột quỵ trên mạng coi chừng thành giết người

(lamchame.vn) - Gần đây, trên mạng xuất hiện những thông tin về phương pháp “thần kì” được cho là có thể cứu sống bệnh nhân đột quỵ. Đó là chích máu 10 đầu ngón tay, chích kim vào dái tai…Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định, những phương pháp trên không những không thể cứu sống bệnh nhân mà còn có thể gây nguy hại tính mạng của họ.

Vì sao trời lạnh lại dễ bị đột quỵ?

Cứ mỗi năm, vào mùa lạnh, số ca cấp cứu do đột quỵ tại các bệnh viện lại tăng cao. Thống kê tại các các bệnh viện, vào mùa đông, số ca bệnh đột quỵ tăng khoảng 15-30% so với bình thường. Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của thời tiết lạnh, lòng mạch máu bị thu hẹp, lưu lượng máu lên não giảm hơn so với bình thường.

Đột quỵ được xem là nỗi khiếp sợ của nhiều người. Bởi đây là chứng bệnh cướp đi mạng sống rất nhanh. Nếu may mắn qua cơn nguy hiểm thì di chứng để lại cũng cực kì đáng sợ như liệt nửa thân, mất khả năng giao tiếp, tiểu tiện không tự chủ… Người bệnh mất đi khả năng lao động, sinh hoạt phải phụ thuộc vào người thân.Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ mỗi 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.

Sau đột quỵ, người bệnh thường gặp một số di chứng về vận động và thần kinh (ảnh T.A)

Bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chỉ ra, những người dễ có nguy cơ bị đột quỵ là người bệnh tim mạch, người hút thuốc lá lâu năm, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường… Ngoài ra, bệnh đột quỵ còn có tính chất gia đình. Cần đề phòng đột quỵ nếu người thân có một trong các bệnh lý dị dạng mạch máu, túi phình mạch máu não, hoặc các bất thường tắc nghẽn mạch máu bẩm sinh…

Đặc biệt, người hút thuốc lá nguy cơ đột quỵ rất cao. Theo nghiên cứu, những người hút thuốc lá nhiều hơn 1 gói/ngày thì nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 4 lần, còn hút thuốc ít hơn thì có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với bình thường.

Tận dụng thời gian vàng như thế nào?

Với các phương pháp cấp cứu bệnh nhân đột quỵ được lan truyền trên mạng xã hội như chích máu 10 đầu ngón tay, lấy kim chích vào dái tai được cho là cứu sống họ, TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khẳng định các phương pháp trên chưa có cơ sở khoa học.

Nếu gặp người bệnh đột quỵ mà áp dụng những cách trên, không những lãng phí “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân mà còn có thể gây nhiễm trùng. Thay vào đó, nếu người thân có dấu hiệu méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên…chúng ta cần đưa bệnh nhân đến các bệnh viện lớn - nơi có thể can thiệp bệnh lý này sớm nhất có thể.

Phương pháp chích kim cho người đột quỵ không những không giúp bệnh nhân mà có thể  giết họ (ảnh minh họa)

BS Thắng cho biết, nguyên tắc hàng đầu để cứu sống bệnh nhân đột quỵ là thời gian cấp cứu. Bệnh nhân được can thiệp trước 6 giờ đầu sẽ có khả năng phục hồi cao hơn. 3 giờ đầu có thể coi là thời gian “kim cương”. Được can thiệp trong khoảng thời gian này, tỷ lệ phục hồi là cao nhất.

Để ngăn ngừa đột quỵ, các bác sĩ khuyên mọi người nên tập có lối sống lành mạnh, tránh xa thuốc lá, rượu bia. Mỗi người nên dành ra 30 phút mỗi ngày để tập thể dục thể thao. Trong ăn uống, cần hạn chế ăn mặn, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, tăng cường ăn rau xanh và trái cây.

Với những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao đã nêu ở trên, cần đi khám sức khỏe định kỳ để có phương pháp dự phòng và điều trị kịp thời. Người đã từng bị đột quỵ cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU