Làm sao để con chịu uống nước dù trẻ em đều rất ghét

Thời tiết chuyển mùa, việc bổ sung đủ nước cho trẻ càng cần được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, nước lọc không mùi vị thường khiến bé “từ chối”, dễ dẫn đến cơ thể mất nước.

Tùy theo độ tuổi mà cho trẻ uống nước thích hợp

Theo tiêu chuẩn khoa học, trẻ thường sẽ có lượng nước cần thiết cho cơ thể tùy theo độ tuổi chứ không phải một lượng nước cố định như người trưởng thành. Thông thường, trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, mỗi ngày cần phải uống 0,9l nước; trẻ từ 1 đến 4 tuổi cần uống đủ 1,3l nước; trẻ từ 4 đến 7 tuổi cần 1,7l nước mỗi ngày và trẻ từ 7 đến 11 tuổi cần 1,8l nước cho cơ thể.

Với trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi, trước giai đoạn mẹ cho bé ăn dặm thì dù bé bú sữa mẹ hay kết hợp sữa ngoài đều không cần cho bé uống nước. Bởi vì lúc này chức năng của các cơ quan trong cơ thể bé còn non yếu, chưa hoàn thiện, nếu cho bé uống thêm nước bên cạnh sữa sẽ làm tăng áp lực cho thận.

Thông thường, mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thì không cần cho bé uống nước, bởi vì trong sữa mẹ đã có đến hơn 85% là nước, chỉ cần đủ sữa cho bé cũng có nghĩa là đã đáp ứng nhu cầu lượng nước.

Từ 6 đến 12 tháng tuổi, sau khi trẻ bắt đầu ăn dặm thì mẹ cần cho trẻ uống nước với liều lượng thích hợp nêu trên. Ngoài ra, mẹ cũng nên quan sát màu sắc nước tiểu của trẻ để phán đoán tình trạng xem có cần bổ sung thêm nước cho trẻ hay không. Đồng thời, vào mùa nắng nóng hay lúc bé ra mồ hôi nhiều hoặc bị cảm sốt, tiêu chảy v.v… mẹ cũng nên cho bé uống thêm nhiều nước so với tiêu chuẩn.

Làm sao để trẻ thích uống nước hơn?

Trẻ ít uống nước sẽ kéo theo một loạt ảnh hưởng bất lợi cho cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa và bài tiết. Trẻ thiếu nước sẽ dễ bị nhiệt, táo bón, thải độc khó khăn, sức đề kháng giảm xuống. Vì vậy, để giúp bé thích uống nước hơn, bố mẹ cần chú ý mấy vấn đề sau.

Đừng quá lo lắng

Cho dù trẻ tỏ ra thật sự không thích uống nước lọc thì bố mẹ cũng không nên lo lắng quá mức. Bởi vì trong các thực phẩm khác như sữa, cháo loãng, canh, nước trái cây v.v… mà bạn cho bé ăn dặm đều có thành phần nước tương đối. Nếu trẻ uống nước lọc không đủ thì bạn chỉ cần nhẫn nại quan sát tình hình ăn uống của bé, đồng thời chịu khó chăm chút cho thực đơn hằng ngày để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và nước cho trẻ là được.

Chủ động cho trẻ ít tiếp xúc thức uống có hại

Ngay từ khi bé còn rất nhỏ, bố mẹ đã nên chú ý tạo thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học cho bé. Đặc biệt, bạn cần chủ động để trẻ tránh các thức uống có hại như nước ngọt có ga, nước uống nhiều đường, không hợp vệ sinh v.v….

Tuyệt đối không làm gương xấu cho trẻ

Khả năng bắt chước ở trẻ rất mạnh mẽ, và những người thân trong gia đình chính là tấm gương gần gũi và ảnh hưởng nhiều nhất đối với trẻ. Vì vậy, để trẻ có thể rèn được thói quen uống nước tốt ngay từ nhỏ, bố mẹ cần làm gương tốt để bé noi theo. Nếu người lớn cứ thích uống nước ngọt, bia rượu thì chắc chắn trẻ sẽ “so bì” tại sao mình không được uống.

Thức uống bổ sung có thể cho trẻ uống vừa đủ

Bên cạnh nước lọc là quan trọng nhất cho cơ thể thì bạn cũng có thể bổ sung thức uống khác cho trẻ. Chẳng hạn như các loại nước mát, nước trái cây nhưng nhớ là trong quá trình chế biến cần hạn chế đường. Tốt nhất mẹ nên dành thời gian tự làm cho bé uống vì nếu mua ở hàng quán bên ngoài có thể khó tránh chất hóa học.

Sự hỗ trợ đắc lực của đồ dùng hằng ngày

Để giúp bé yêu thích uống nước hơn, bạn có thể mua cho bé chiếc ly hình hoạt hình đáng yêu để kích thích sự tò mò và hứng thú của trẻ.

Và một điều quan trọng cuối cùng là hãy nhẫn nại với trẻ. Khi trẻ tỏ ra cự tuyệt uống nước, bạn không nên lớn tiếng la mắng hay đánh đòn, hoặc so sánh bé với những đứa trẻ khác. Như vậy sẽ làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ và trẻ càng có phản ứng kháng cự nhiều hơn. Hãy dành cho trẻ những lời khích lệ đúng mức để trẻ cảm thấy việc uống nước thật tốt và vui vẻ.

Theo emdep.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU