"Lần duy nhất tôi đánh học trò" - Cái tát mạnh giữa lớp của người thầy kéo đứa trẻ khỏi vực thẳm sa ngã

(lamchame.vn) - 'Hạ hạnh kiểm hay đình chỉ học tập là những biện pháp theo quy định, tuy nhiên tôi không tin học sinh bị hạ hạnh kiểm hay nghỉ học một tuần ở nhà sẽ trở thành người khác', thầy Triết nói.

Trước quan điểm, làm giáo viên vốn dĩ không dễ, nhưng trong thời đại ngày nay lại càng khó khăn gấp bội. Mọi lỗi lầm hầu hết đều quy trách nhiệm về giáo viên, người thầy cũng không còn "quyền" xử lý học sinh vi phạm khiến họ không còn mặn mà làm "giáo viên tâm huyết", thầy Triết cũng thú nhận "cảm thấy lửa nghề trong lòng mình có bớt "cháy" so với ngày xưa".

Tuy nhiên, thầy nói thêm: "Tôi nghĩ người thầy phải biết và đặt ra cho mình những nguyên tắc nghiêm khắc nhất, về kiến thức, về hành vi, về thái độ đối với nghề nghiệp của mình. Học trò tinh ý lắm, chúng biết anh thương chúng, chúng ắt sẽ thương anh.

Rõ ràng gần đây người thầy bị tổn thương nhiều khi họ không được bảo vệ chính đáng bởi đồng nghiệp của họ, nhưng người thầy phải thật sự công bằng, phải thật sự cầu thị, phải thật sự tử tế. Người thầy phải là tấm gương cho học trò mình. Thẳng thắn mà nói, có một số giáo viên xem nghề giáo chỉ là dạy chữ, và biến bản thân thành thợ dạy. Dạy học là một nghệ thuật, không chỉ là cầm phấn đứng trên bục giảng", thầy Triết chia sẻ về cảm xúc của mình sau 25 năm dạy học.

Thầy Triết cũng nhận định, người thầy ngày nay còn quá nhiều lo toan cuộc sống. Họ không thể vô ưu và tận tuỵ cống hiến khi chưa thể chăm sóc tốt cho gia đình mình. Đó là sự thật. Đừng đòi hỏi người thầy là bậc thánh nhân, vì họ là người bình thường như bao người khác.

"Người thầy hiện tại cũng phải làm quá nhiều việc bên ngoài công tác giảng dạy chuyên môn của họ, nhất là những việc liên quan đến tiền bạc. Khi đề cập tới tiền bạc, trong mắt học trò hình ảnh người thầy ít nhiều khác đi. Hãy cho người thầy cơ hội làm tốt nhất chuyên môn của mình, cho người thầy một mức lương đủ tốt để họ đỡ phải lăn tăn cơm áo gạo tiền nuôi sống gia đình. Khi người thầy bớt lo toan, họ sẽ làm việc tốt hơn", thầy nói.

Thầy Triết nhấn mạnh, phía phụ huynh cũng nên hiểu rằng, một đứa trẻ không trưởng thành và thành công chỉ nhờ một học bạ toàn điểm giỏi mà chẳng biết chút gì về cuộc sống xung quanh. Và thầy cô chỉ đi cùng trẻ một đoạn đường ngắn trong khi cha mẹ sẽ gắn với con cả cuộc đời. Tương lai con sau này ra sao, không chỉ phó thác cho thầy cô mà thành được.

"Nếu có một lời chúc, xin chúc các đồng nghiệp của mình luôn thật bình an trong cuộc sống và trong nghề nghiệp. Nếu một lúc nào đó thấy buồn hay nản lòng, hãy nghĩ về những ngày làm nghề vui vẻ. Nỗi buồn nào cũng qua. Tôi cũng chúc các thầy cô là lãnh đạo nhà trường, ngành giáo dục, sẽ luôn lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp mình bất kỳ khi nào có thể, khi họ không làm sai. Không có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn bị đồng nghiệp của mình chối bỏ những lúc nguy nan, chỉ vì muốn mát lòng những đòi hỏi vô cớ từ số đông trên mạng", thầy Triết chia sẻ.

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU