Mác Việt kiều, bộ váy của Ngọc Trinh và lời khuyên của Tổng thống Ukraina

Cái mác Việt kiều không làm cho người ta sang quý hơn. Cái mác nữ hoàng, hoa hậu cũng không đảm bảo nhân cách của người sở hữu nó.

Hình ảnh Ngọc Trinh mặc đồ không phải để khoe đồ đẹp, mà chủ yếu khoe da thịt, đã làm dấy lên một cơn bão.

Clip thanh niên Việt kiều dắt chó đi dạo, mắng chửi nhân viên bảo vệ và láng giềng: "Chó tao nằm máy lạnh mà đứng đây nói chuyện với tụi bay hả?", cũng đã tạo thành một cơn bão. 

Cơn bão phẫn nộ.

Về nhân cách, những người có cái mác Việt kiều như thế, sao có thể sánh với sự thiện lương của chàng trai dọn vệ sinh Nguyễn Ngọc Hiền (link bài) khi anh bình thản trả lại 7.400 USD cho người mất.

Ngọc Trinh, giống các ngôi sao "muốn có tiếng tăm bằng mọi giá" khác, sẽ không xin lỗi ai cả, dù hình ảnh của cô đã làm hàng triệu người phẫn nộ; dù các ông bố bà mẹ đều không muốn con mình nhìn thấy hình ảnh hở hang phản cảm đó.

Ngược lại, chàng trai Việt kiều đã xin lỗi người bảo vệ nghèo vì mình đã hống hách và kinh thường người khác, mặc dù anh thừa nhận ở xứ người, anh cũng phải làm đủ nghề để sinh sống.

Trong một đời sống vẫn còn quá nhiều điều không ưng ý, quá nhiều hành vi lệch chuẩn, người ta rất dễ mất kiểm soát và bị cuốn đi theo những thứ lệch chuẩn đang diễn ra xung quanh mình.

Anh thanh niên dắt chó, trong khi nóng giận, đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng mà khi thật sự bình tĩnh, rất khó mắc: Coi trọng con vật hơn cả đồng bào mình.

Ngọc Trinh cũng đã bị cuốn trôi trong cơn lũ lệch chuẩn, khi cô và những người đang lăng xê cho cô, nghĩ rằng càng tai tiếng thì càng nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền. Sau mỗi lần tai tiếng ấy, cô vẫn được mời trong những sự kiện mà cát xê vượt trội khi mình ngoan hiền.

Khi gặp một sự cố, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc đổ lỗi cho người khác, việc khác: Do pháp luật lỏng lẻo, hình phạt không đủ nặng, do người thực thi công vụ không liêm chính, do kẻ xấu quá nhiều… mà ít ai biết tự trách mình.

Ở những nước phát triển, luật pháp có nghiêm minh đến đâu, vẫn có kẻ lách luật và vẫn có tội ác. Nếu muốn có một xã hội yên bình thì người ta cần ứng xử với nhau bằng cả nhân tâm lẫn tuân thủ pháp luật; luôn tự trách bản thân để sửa mình chứ không nhăm nhe đổ lỗi, chửi bới người khác.

Khi đến gặp bác bảo vệ xin lỗi, chàng thanh niên Việt kiều vẫn đổ lỗi cho bác bảo vệ nhắc nhở không đúng nên mình mới nóng giận.

Ngọc Trinh gây bão mạng vì mặc phản cảm.

Khi Ngọc Trinh bị ném đá, cô và nhiều người bênh cô, có thể nghĩ rằng dư luận đầy ác ý và hẹp hòi "nhiều sao thế giới cũng ăn mặc hở hang thế, có sao đâu". Nhưng Trinh có nghĩ rằng: Khán giả không chỉ nhìn bộ đồ hở hang hôm nay của cô, họ còn nhìn những thứ "hở hang trong phẩm hạnh" của cô trong suốt cả quá trình dài.

Mấy ngày trước, trong bài diễn văn nhậm chức rất hay của mình, tân Tổng thống Ukraina – ông Zelenskiy – một diễn viên hài, đã có lời khuyên vô cùng nghiêm túc và sâu sắc: 

"Tôi mong muốn rằng, các bạn không treo chân dung tôi trong văn phòng làm việc của các bạn. Bởi tổng thống không phải là thần tượng, cũng không phải là thánh nhân. Tổng thống không phải là bức chân dung. Hãy treo ảnh các con bạn vào chỗ đó và trước khi quyết định một việc gì thì hãy nhìn vào mắt chúng".

 

Chàng trai Việt kiều có tưởng tượng mình sẽ nhìn vào mắt con thế nào, dạy con thế nào, nếu con anh xem được clip về một người bố hỗn hào, xấc xược, vô lễ do mất kiểm soát như thế?

Ngọc Trinh sẽ tưởng tượng mình nhìn vào mắt con thế nào khi con đọc được tất cả những bình phẩm về "bộ quần áo nhân phẩm" của mẹ mình, về những thông tin thiếu thiện cảm ngày càng dày lên của mẹ mình?

Mình không muốn điều gì đến với mình thì đừng mang điều đó đến cho người khác. Mình không muốn điều gì đến với con mình, thì đừng đem điều đó đến cho con người khác.

Những điều ấy, tưởng chỉ là sáo rỗng, lý thuyết, nhưng thực sự lại liệu pháp gốc để hóa giải rất nhiều bất ổn trong cuộc sống.

 

Theo Theo Tri thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU