Nhân duyên là một điều gì đó vô cùng kỳ diệu
Anh là một nghiên cứu sinh tại trường Đại học Northwestern, Chicago, Mỹ. Hàng ngày anh khoác balo đi tới đi lui khắp trường, trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện làm công việc gì nhẹ nhàng mà vẫn kiếm được nhiều tiền. Tuy rằng một người học chuyên ngành kỹ thuật y sinh luôn có rất nhiều lựa chọn, nhưng anh vẫn mông lung không biết bản thân nên làm gì.
Cô là một giáo viên dạy múa ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Trường dạy vũ đạo mà cô hùn vốn cùng bạn bè mở ra cũng sắp đến ngày khai trương. Hàng ngày cô ôm con gái nhỏ đứng bên cửa sổ, mông lung tự hỏi không biết đến bao giờ người chồng đi mãi vẫn chưa thấy về của mình mới quay lại đoàn tụ cùng vợ con?
Ngày 12/5/2008, sau khi kết thúc chuyến công tác đến Lào và Campuchia, anh cuối cùng cũng tìm ra hướng đi của đời mình: làm chi (chân tay) giả cho những người khuyết tật, để họ được sống một cuộc đời bình thường.
Ngày 12/5/2008, khu nhà của cô sụp đổ trong trận động đất kinh hoàng - động đất Mân Xuyên (trận động có sức tàn phá nặng nề nhất kể từ khi CHND Trung Hoa được thành lập, cũng là trận động đất gây ra thương vong lớn nhất kể từ sau trận động đất Đường Sơn năm 1976). Gia đình chồng bị vùi lấp trong đống đổ nát, chỉ một mình cô may mắn được cứu sống nhưng lại mất đi đôi chân của mình.
Mùa xuân năm 2013, chẳng ai ngờ được số phận lại khiến cho hai đường thẳng song song ấy gặp nhau tại Thượng Hải. Nhân duyên quả nhiên là một điều gì đó vô cùng kỳ diệu!
Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng đây là mở đầu hoàn hảo cho một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp, nhưng thực ra chúng ta không chỉ nói về mỗi tình yêu thôi đâu.
Chàng trai tài giỏi
Nếu cuộc đời là một bộ phim, có lẽ kịch bản mà Charles nhận được sẽ là nam chính trong một bộ phim thần tượng. Charles cũng được coi là "kim quy" (kim quy hay rùa vàng là từ dùng để chỉ những người có gia thế tốt, có tiền hoặc có địa vị xã hội) trong mắt người Trung Quốc. Anh sinh năm 1985 tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), học hết mẫu giáo thì chuyển đến Singapore vào năm 6 tuổi, đến khi 12 tuổi lại theo bố mẹ chuyển tới Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp Trung học, anh giành được học bổng và theo học tại ngôi trường tư nổi tiếng đắt đỏ - Đại học Duke ở Bắc Carolina. Tiếp đó, anh trở thành nghiên cứu sinh chuyên ngành kỹ thuật y sinh - chuyên ngành cực kỳ có triển vọng của trường Đại học Northwestern. Tuy ở nước ngoài nhiều năm, nhưng vì mọi người trong gia đình vẫn thường xuyên sử dụng tiếng mẹ đẻ nên Charles nói tiếng Trung khá lưu loát.
Những người như Charles có rất nhiều lựa chọn khi ra trường, nếu muốn kiếm tiền nhanh thì chỉ cần đầu quân cho các công ty lớn, còn nếu không vội vàng thì có thể ở lại trường tiếp tục nghiên cứu, sau đó trở thành một học giả hay nhà khoa học tiếng tăm. Chàng trai trẻ Charles đương nhiên rất muốn kiếm tiền, nhưng người quen "sống trong lồng kính" như anh lại không biết nên làm gì.
Mông lung giữa dòng đời
Không tìm ra lý tưởng sống, hàng ngày Charles tha thẩn trong sân trường, chẳng thiết tới phòng thí nghiệm, thầy cô gọi điện cũng không nhấc máy, việc này khiến anh suýt chút nữa đã bị giáo sư khai trừ.
Trở lại mùa xuân năm 2008, khi ấy Charles mới 23 tuổi, đang là nghiên cứu sinh năm 2. Đeo kính cận, mặc áo len, tay đút túi quần bò thong thả cất bước trong khuôn viên trường Đại học Northwestern, kỳ thực nhìn Charles cũng không khác những Hoa kiều khác trên đất Mỹ là bao.
Năm đó anh tham gia một hạng mục của phòng thí nghiệm. Bọn họ cố gắng chế tạo một mẫu chi giả rẻ tiền, thậm chí còn đến tận Lào và Campuchia để người dân bản địa có cơ hội trải nghiệm vật mẫu. Lúc ở đây, Charles đã được tận mắt chứng kiến cuộc sống thường nhật của những người khuyết tật. Anh cũng nhận ra đối với một người khuyết tật thì chi giả quan trọng đến nhường nào, nó không chỉ giúp họ thuận tiện hơn trong cuộc sống, mà còn giúp thắp lại lòng tin của họ dành cho cuộc đời, thậm chí còn có thể thay đổi vận mệnh của một người hay cả một gia đình.
Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của những người được lắp chi giả, Charles bỗng nhận ra sứ mệnh của bản thân và tất nhiên là cả hướng đi của mình trong tương lai.
Tìm ra lý tưởng
1 tháng sau anh đến gặp giáo sư, dõng dạc tuyên bố muốn chuyển ngành. Tuy biết chàng trai cao tới 1,86m này không quá thích ngồi lì trước màn hình máy tính, nhưng giáo sư vẫn khá bất ngờ với quyết định của anh. Chẳng phải cậu sinh viên ưu tú này nên trở thành một nhà khoa học để làm rạng danh quê hương và trường học của mình hay sao?
Charles khẳng định việc chế tạo chi giả chính là lý tưởng của đời mình. Anh đã thấy những người khuyết tật ở nhiều nước châu Á bị mọi người đối xử thiếu tôn trọng thế nào, hay việc lắp chi giả quan trọng ra sao, và cách nhanh nhất để giúp họ chính là thông qua đôi bàn tay của anh. Charles sợ nếu cứ chờ đợi các thể loại nghiên cứu, báo cáo rồi phát triển sản phẩm theo lẽ thường thì sẽ rất lâu, trong khi anh lại muốn giúp đỡ những người kém may mắn ấy càng sớm càng tốt.
Mặc dù khuyên Charles nên theo học nốt chương trình hiện tại, nhưng giáo sư cũng không ngăn cản anh. Nếu học một chuyên ngành kỹ thuật có thể giúp đỡ những người cần được hỗ trợ, vỗ về những người cần được an ủi trên thế giới này thì tại sao lại không được chứ? Tuy là một ngành không nhận được nhiều chú ý, nhưng vẫn cần có người xung phong đi làm mà.
Kết thúc cuộc trò chuyện với giáo sư, Charles đi dạo bên bờ hồ Michigan cạnh trường. Anh đọc được tin tức về vụ động đất Mân Xuyên trên điện thoại…
Cuộc sống cứ chầm chậm trôi đi, cho đến năm 2009. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, đúng như ước nguyện của Charles, anh được ở lại trường theo học cách chế tạo chi giả tại khoa chỉnh hình.
Lúc mới bắt đầu, bạn học nói với anh rằng công việc này rất thú vị, giống như đang chế tạo những người máy hay đồ dùng hi-tech mà chúng ta thường thấy trên phim ảnh. Dẫu biết đây được coi là một ngành không mấy "nặng ký" ở Mỹ, nhưng Charles vẫn không chút do dự lựa chọn bước trên con đường này.
2 năm sau, Charles hoàn thành việc học tập tại Đại học Northwestern. Tiếp đó, anh thực tập tại trung tâm cựu chiến binh Mỹ trong vòng 1 năm, rồi thi lấy giấy phép trở thành chuyên gia chế tạo chi giả.
Từ đáy lòng, Charles vẫn luôn ấp ủ dự định quay lại châu Á - mảnh đất đã khơi dậy lý tưởng trong anh.
Số phận khéo an bài
Sau dịp Tết Nguyên đán 2010, Charles rủ bạn bè người Mỹ cùng tới Trung Quốc thăm thú. Anh cùng bạn đi hết cả Bắc Kinh lẫn Thượng Hải, họ đến rất nhiều nơi và gặp rất nhiều người. Vậy nhưng trái với suy nghĩ của Charles, ngoại trừ một số người ăn xin trên đường phố và những vận động viên khuyết tật ở các dịp Thế vận hội chiếu trên truyền hình ra thì người khuyết tật ở Trung Quốc đã đi đâu cả rồi?
Bạn của Charles nói với anh rằng thực ra ở Trung Quốc có tới hơn 80 triệu người khuyết tật, tuy nhiên họ rất sợ ra đường. Còn tại sao lại sợ ư? Bởi vì một số cá nhân vẫn cho rằng người khuyết tật là vô dụng, là phiền phức, thế nên họ chịu không nổi cái nhìn kỳ thị của những người xung quanh. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, cũng luôn bị gánh nặng tâm lý, không cách nào đối diện với khiếm khuyết của chính mình, lại càng không đủ tự tin đi ra đường.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những người khuyết tật ở Mỹ. Tại đó, họ rất tự tin mang chi giả ra đường, họ có thể làm rất nhiều việc, thậm chí là đi làm nhân viên ngân hàng, chuyên gia công nghệ hay nhà thiết kế… Họ chẳng khác gì những người xung quanh, thậm chí có những người còn sống vui vẻ và hạnh phúc hơn cả những người bình thường khác.
Charles thoáng trầm tư trước thực trạng của xã hội Trung Quốc. Anh cảm thấy chuyên ngành của mình chắc chắn có thể làm được gì đó cho những người khuyết tật ở cố hương.
Năm 2012, trong một lần tình cờ, Charles đã được gặp gỡ lãnh đạo của một công ty sản xuất chi giả nổi tiếng. Trùng hợp thay, công ty ấy lại đang cần tuyển một chuyên gia cho chi nhánh ở Trung Quốc, và Charles chính là một ứng viên sáng giá. Có lẽ trở về Trung Quốc giúp đỡ những người khuyết tật chính là số mệnh mà Thượng đế đã an bài cho anh.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Tháng 4/2013, Charles chính thức chuyển đến Thượng Hải để theo đuổi lý tưởng của đời mình. Không lâu sau đó, vào một ngày tháng 5 đẹp trời, công ty của anh đã đón tiếp một vị khách vô cùng đặc biệt. Charles chỉ nghe nói đó là một giáo viên dạy múa.
Khi hai vị khách nữ thong thả bước vào, Charles cho rằng cô gái trẻ mặc váy dài là con gái của vị giáo viên nọ đưa mẹ tới đặt hàng sản phẩm. Nhưng vừa ngồi xuống ghế, cô gái đã chủ động hỏi han, đồng thời kéo chân váy lên để lộ ra đôi chân giả. Thì ra, cô gái tóc dài với gương mặt thanh tú này mới chính là khách hàng đang cần được anh giúp đỡ.
Mặc dù câu chuyện đầy kỳ tích của Liêu Trí khá nổi tiếng tại Trung Quốc, nhưng chàng trai ở nước ngoài từ nhỏ như Charles lại chẳng hề hay biết cô là ai.
Trận động đất kinh hoàng
Câu chuyện của Liêu Trí cũng bắt đầu từ năm 2008.
Khi ấy, cô là một giáo viên dạy múa xinh đẹp được nhiều người ngưỡng mộ ở trấn Hán Vượng, thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Với đôi chân dài miên man, làn da trắng mịn cùng nụ cười tươi tắn lộ ra lúm đồng tiền, cô gái 23 tuổi này sở hữu vẻ đẹp mong manh rất giống với nữ diễn viên nổi tiếng Trương Bá Chi.
Từ nhỏ đã thường xuyên phải chứng kiến những trận cãi vã giữa bố mẹ, thế nên Liêu Trí luôn ao ước có một gia đình thật hạnh phúc. Vừa tốt nghiệp trung cấp không lâu, cô gái chưa trải sự đời đã quyết định kết hôn với một chàng trai có điều kiện không tồi. Tuy nhiên, mới sống chung một thời gian ngắn, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. Nhưng vì đã có với nhau một bé gái đáng yêu, Liêu Trí không còn cách nào khác mà chỉ có thể cam chịu. Khoảng thời gian ấy, những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc hôn nhân chóng vánh khiến cô rất ít khi cười.
Cũng trong năm này, đài truyền hình Hồ Nam phát sóng bộ phim Tân Một Thoáng Mộng Mơ – Dreams Link được chuyển thể từ tiểu thuyết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Trong phim, nữ chính Lục Bình bị tai nạn nên không thể tiếp tục niềm đam mê với bộ môn múa ba-lê. Xem đến đây, Liêu Trí bất giác cảm thán: "Cùng là người học múa, nếu như có một ngày bị mất đi đôi chân thế này, mình nhất định sẽ tự sát."
Khi ấy, cô chẳng hề nghĩ ngợi nhiều, cũng không bao giờ hình dung được chuyện này sẽ thật sự xảy đến với mình.
Ngày 12/5/2008, đáng lẽ Liêu Trí sẽ đi du lịch Hải Nam cùng bạn bè, nhưng khi nhìn thấy cô con gái nhỏ đáng yêu, người mẹ trẻ lại mềm lòng chọn ở nhà chơi với con.
Sau bữa cơm trưa, Liêu Trí ngồi trên sofa nhìn con gái bám vào xe tập đi chập chững cất bước. Chỉ còn 1 tuần nữa thôi là con gái nhỏ của cô tròn 11 tháng tuổi rồi. Ngắm nhìn bé con đang ở thời kỳ đáng yêu nhất, trong lòng cô vui vẻ biết bao.
Đột nhiên, phòng khách rung chuyển. Liêu Trí còn chưa kịp định thần đã lại thấy cả toà nhà rung lắc dữ dội. Đến khi nghe tiếng mẹ chồng hét lên: "Mau đi mở cửa!", cô mới hốt hoảng chạy tới vặn tay nắm cửa nhưng đã không còn kịp nữa. Cửa không mở được, căn phòng cũng bắt đầu biến dạng. Liêu Trí quay lại tìm con gái thì thấy cô bé đang được bà nội ôm trong lòng, vẻ mặt ngây thơ hiện lên nỗi sợ hãi khó tả. Tuy chưa đầy 1 tuổi nhưng dường như cô bé cũng cảm nhận được tai hoạ sắp đổ ập xuống gia đình mình.
Liêu Trí vội vàng nhìn quanh, phát hiện ra có một số người đang men theo những mảng tường đổ nát để nhảy xuống dưới thoát thân. Tới tận lúc này, cô mới nhận thức được một cơn đại địa chấn đang phá huỷ nơi mình sinh sống.
Theo bản năng, Liêu Trí lập tức quay lại ôm chặt mẹ chồng và con gái, nhưng đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng. Sau đó, cô không thấy gì nữa, cả 3 người cùng rơi vào một khoảng không tối đen vô tận.
Trong bóng tối, cô nghe thấy tiếng mẹ chồng: "Nói chuyện đi, đừng ngủ!" Liêu Trí cố mở mắt ra đáp lời bà, nhưng giọng của bà cứ ngày càng nhỏ dần rồi im bặt… Cô cố ôm thật chặt thân thể lạnh ngắt của con gái, hát cho con nghe những bài hát mà trước giờ cô bé vẫn thích, thậm chí là cả những bài hát mà bé chưa bao giờ được nghe.
14h28'4" ngày 12/5/2018, trận động đất Mân Xuyên đã gây ra bao mất mát trên mảnh đất Tứ Xuyên, cũng gây ra bao thương đau cho cô giáo trẻ Liêu Trí.
Hồi sinh
Trải qua 30 tiếng đồng hồ bị vùi trong đống đổ nát, cuối cùng Liêu Trí cũng được giải cứu khỏi tay Tử thần, tuy nhiên những người thân của cô lại không may mắn như vậy.
Năm 2013, Liêu Trí làm tình nguyện viên giúp đỡ khắc phục hậu quả trận động đất Nhã An (Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Cô được đưa lên một chiếc container, bên trong có rất nhiều người chết, cũng có một số người bị thương nặng giống cô. Xe di chuyển hơn 10km mới tới một bệnh viện còn đủ sức tiếp nhận họ. Không có giường bệnh, cô được đặt nằm trên mặt đất.
Sau đó, cô tự nguyện ký vào giấy đồng ý cắt bỏ đôi chân của mình. Không có phòng phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành cắt chân cho cô trong một chiếc lều tạm bợ. Bởi không gây mê toàn bộ nên Liêu Trí hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần ấy…
23 tuổi, Liêu Trí là người duy nhất trong toà nhà mình ở được cứu sống. Thế nhưng cô lại mất đi con gái nhỏ, mất đi người thân trong gia đình, mất đi toàn bộ tài sản, và mất luôn cả đôi chân từng là niềm tự hào của một vũ công.
Ngày 14/7/2008, 2 tháng sau cơn địa chấn, Liêu Trí lần đầu xuất hiện công khai trong một chương trình truyền hình. Cô "quỳ" trên chiếc trống lớn, vung cao dải lụa đỏ trong tay và bắt đầu chìm vào âm nhạc. Màn biểu diễn của cô nhanh chóng được truyền tải rộng rãi và khiến cho toàn bộ khán giả bị chấn động.
Cô có thể mất tất cả mọi thứ, nhưng vẫn không thể đánh mất niềm đam mê với vũ đạo luôn trào dâng trong tim mình. Cô đã phải bám vào thành giường để tập đứng. Chưa tới 1 phút, chân cô đã bắt đầu run rẩy, sau đó toàn thân run lên bần bật, mỗi một giây trôi qua đều dài đằng đẵng tựa như ba thu…
Ngay sau màn biểu diễn tối hôm đó, Liêu Trí lại phải lập tức nhập viện, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật cắt chân lần 2. Bởi lều của cô bị dột, hơn nữa sau động đất khu vực ấy lại mưa rất nhiều, nên giường của Liêu Trí cũng bị ngấm nước khiến cho vết thương chuyển biến xấu đi.
Bao người rưng rưng nước mắt khi chứng kiến tiết mục có một không hai của Liêu Trí, nhưng chẳng có ai biết được phía sau những tràng pháo tay giòn giã ấy là biết bao đau khổ và cố gắng của một người mẹ trẻ vừa mất đi khúc ruột của mình.
Chẳng ngờ số phận bất hạnh của Lục Bình trong phim lại ứng vào cuộc đời mình, tuy nhiên Liêu Trí lại không muốn từ bỏ mạng sống như cô từng tuyên bố trước kia. Hiện tại, cô chỉ nghĩ phải làm sao để làm lại cuộc đời. Biết là không thể làm cô giáo dạy múa như xưa, nên cô cùng bố mẹ đẻ vạch ra một vài kế hoạch cho tương lai, nhưng họ không có tiền. Vì vậy, để có thể lại bước lên sân khấu, cũng là để có thể kiếm tiền duy trì cuộc sống, Liêu Trí đã tự ép bản thân phải đứng dậy, phải vượt qua mọi đớn đau cùng sợ hãi tột cùng.
Cũng nhờ tiết mục chấn động kể trên, Liêu Trí đã nhận được lời mời tham gia một số chương trình. Tháng 9 xuất viện, tới tháng 10 cô bắt đầu biểu diễn trở lại. Sau đó, Liêu Trí quyết định ly hôn với người chồng trẻ bỏ nhà đi biền biệt. Cô cho rằng trước đây mình sống quá hững hờ, lúc nào cũng để mặc "hoa trôi nước chảy", nhưng giờ đã một lần suýt bước chân vào cửa tử, nên cô không muốn cuộc sống của mình sau này sẽ phải hối tiếc về bất kỳ điều gì nữa.
Để kiếm thêm thu nhập, cô đảm nhận chức vụ Giám đốc Văn hoá của một công ty bất động sản ở Trùng Khánh, công việc chính là bồi dưỡng nhân viên mới. Cô dùng chính sự nỗ lực và câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho mọi người. Ngoài ra vào lúc rảnh rỗi, cô còn là tình nguyện viên của đoàn nghệ thuật dành cho người khuyết tật. Giờ đây, cuộc sống của cô luôn bận rộn và đầy màu sắc.
Thành phố Trùng Khánh vốn nổi tiếng với địa hình không bằng phẳng, lên dốc xuống dốc liên tục. Chính vì vậy, Liêu Trí gặp rất nhiều khó khăn khi quyết định tập đi bằng chân giả.
Tuy nhiên, với tính cách quật cường không chịu đầu hàng số phận, cô đã dần đứng vững. Rồi đến năm 24 tuổi, cuối cùng Liêu Trí cũng học được cách đi lại bình thường trên đôi chân giả. Cứ tưởng như vậy là cô đã mãn nguyện, nhưng không, Liêu Trí lại tiếp tục ấp ủ giấc mơ được nhảy múa như trước kia trên đôi chân mới này.
Tình yêu gõ cửa
Có lẽ khi bạn mất đi nhiều thứ, số phận sẽ lặng lẽ bù đắp cho bạn càng nhiều hơn.
Một ngày nọ, Liêu Trí nhận được lời mời tới Thượng Hải ghi hình cho chương trình trên kênh truyền hình trung ương.
Khi đạo diễn chương trình ngỏ ý muốn tìm một đôi chân giả có thể đi được giày cao gót, cô bỗng nhớ tới công ty chuyên sản xuất chi giả mà mình từng tiếp xúc trong lần sang Mỹ diễn thuyết. Họ từng nói công ty có mở chi nhánh ở Thượng Hải. Vốn dĩ đôi chân giả mà chính phủ lắp cho Liêu Trí trước đó cũng có chút vấn đề, nên cô liền liên lạc đặt lịch hẹn. Nhưng trên thực tế, lúc cùng mẹ tới đây cô cũng không mang theo quá nhiều hy vọng.
Một ngày tháng 5/2013, sau khi bàn bạc đi đến thống nhất, Liêu Trí được một chuyên gia ở Mỹ về lắp cho một đôi chân giả mới. Và đó chính là Charles.
Mặc dù không biết gì về Liêu Trí, nhưng Charles rất có cảm tình với vị khách đặc biệt này. Anh thấy cô không giống với những người phụ nữ mình từng gặp trước đây. Cô gái ấy vừa dịu dàng, chu đáo, lại rất biết quan tâm đến người khác. Lần đầu gặp gỡ không có quá nhiều cơ hội giao lưu với Liêu Trí, nên anh đành lặng lẽ dõi theo cô.
4 tháng sau, Charles mạnh dạn tỏ tình với Liêu Trí, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn được nắm tay cô đi hết quãng đời còn lại. Cô vui vẻ tiếp nhận tình cảm của anh, tuy rằng hai người có hoàn cảnh khác biệt, nhưng họ lại có chung một ước mơ và những đề tài chung luôn nói mãi không hết.
Dẫu vậy, bố mẹ Charles lại khá do dự khi biết về dự định kết hôn của hai người. Họ không bài xích cô vì đã từng đổ vỡ hôn nhân, cũng chẳng chê bai cô không còn lành lặn, mà họ chỉ lo con trai mình chưa đủ chín chắn, cảm xúc hiện tại chỉ là bột phát trong lúc nhất thời.
Biết chuyện, Liêu Trí đã viết e-mail gửi cho bố mẹ người yêu ở bên kia bán cầu để bày tỏ quan điểm và tháo gỡ hết những khúc mắc trong lòng họ.
Qua một thời gian chuyện trò, cuối cùng bố mẹ Charles đã hiểu được con người của Liêu Trí. Họ cũng tin rằng lựa chọn của con trai mình chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc, thế nên ông bà đã đồng ý cho cặp đôi tổ chức đám cưới vào tháng 5/2014 tại Thượng Hải.
Trong hôn lễ, Charles đã rửa và lắp chân giả cho Liêu Trí trước mặt các quan khách. Anh hy vọng những người thân thiết sẽ tiếp nhận khiếm khuyết của cô, và quen dần với việc vợ anh chỉ khác người thường một chút mà thôi.
Thế giới rộng lớn là vậy, nhưng sẽ luôn có một người phù hợp đang đợi bạn cùng khám phá. Và với Liêu Trí, cô đã gặp cả thế giới của mình là Charles vào năm 28 tuổi.
Cuộc sống tuyệt vời
Sau khi kết hôn, vợ chồng họ chuyển đến sống trong một khu nhà yên tĩnh ở Thượng Hải. Tháng 9/2016, Liêu Trí sinh được một cô con gái vô cùng đáng yêu, rồi đến tháng 9/2018, cô tiếp tục sinh cho Charles một bé trai kháu khỉnh. Cô dần lui về chăm lo cho gia đình, và làm hậu phương cho chồng vững tin thực hiện lý tưởng của mình.
Mùa xuân năm 2019, anh và cô đưa hai con rời Thượng Hải đến Trùng Khánh, bởi ở đó càng có nhiều người khuyết tật đang cần sự giúp đỡ của họ.
Mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của Charles sau khi thức dậy là đeo kính, còn với Liêu Trí là lắp chân giả. Charles tâm sự, anh cảm thấy việc cô dùng chân giả cũng chỉ đơn giản giống như người thính lực kém phải đeo máy trợ thính, còn anh có thị lực kém thì phải đeo kính vào mà thôi.
Charles còn nói, trong hôn nhân không thể tránh khỏi những lúc cãi vã, bất đồng quan điểm, thế nhưng dù là lý do gì thì bọn họ cũng chưa từng bị dao động bởi đôi chân giả hay khiếm khuyết của cô.
Không chỉ đảm đang và chăm sóc con cực kỳ cẩn thận, Liêu Trí còn có thể làm rất nhiều việc giống những người bình thường khác như leo cầu thang, chạy bộ, đi bơi, đánh bóng, leo núi… Nhìn người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai một tay dắt con gái tản bộ, một tay đẩy xe cho con trai ấy, chẳng ai ngờ được cô đang phải dùng một đôi chân giả do chính chồng mình chế tạo.
Đôi khi cô con gái nhỏ cũng tò mò về đôi chân khác biệt của mẹ, Liêu Trí luôn tỉ mỉ giải thích cho con theo cách nhẹ nhàng nhất. Cô bé rất thích thú với việc mỗi sáng ngủ dậy lại được chạy vào phòng giúp mẹ lắp chân giả.
Trong một lần chơi với con, Charles xúc động nghĩ tới viễn cảnh sau này con trai sẽ giúp anh chăm sóc cho Liêu Trí khiến cô bật cười. Cô bảo cô không cần con chăm sóc, bởi cô sẽ sống thật khoẻ mạnh, đến khi anh già rồi đi không nổi thì cô giúp anh đẩy xe lăn, bầu bạn với anh, cùng anh đi ngắm hoa cỏ và tất cả những cảnh đẹp trên thế gian này, vậy là đủ...
6 năm trôi qua, cuộc hôn nhân của họ vẫn luôn ngọt ngào như những ngày đầu. Cho dù đã ngoài 30, nhưng Liêu Trí vẫn trẻ đẹp và trong mắt luôn ánh lên niềm hạnh phúc khiến cho nhiều người phải ngưỡng mộ. Còn Charles, anh vẫn miệt mài theo đuổi mục tiêu của cuộc đời, vẫn hy vọng có thể giúp đỡ nhiều hơn cho những người khuyết tật xung quanh mình. Anh khẳng định chưa từng hối hận với mọi lựa chọn trong quá khứ, và cuộc sống hiện tại chính là cuộc sống mà anh luôn mơ ước.
Đã 12 năm kể từ trận động đất kinh hoàng, giờ đây cả thể xác và linh hồn của cô đều không còn thương đau nữa. Liêu Trí luôn tin rằng mục đích mà số phận giữ cô ở lại cuộc sống này chính là để dùng sinh mệnh quý giá của mình đi thúc đẩy những sinh mệnh khác. Và cũng bởi gặp được Charles, cô đã trở thành một Liêu Trí vừa đặc biệt lại vừa hạnh phúc mỹ mãn như vậy đấy!
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/doi-chan-gia-viet-nen-moi-tinh-co-tich-doi-thuc-co-giao-day-mua-khuyet-tat-mat-con-trong-con-dia-chan-va-tinh-yeu-nay-mam-tu-dau-thuong-2202079225755333.htm
Theo ttvn.vn