Sau khi đi học, trẻ con sẽ mở rộng vòng tròn mối quan hệ xã hội của mình ra nên chắc chắn sẽ bắt đầu xảy ra xung đột, gây gổ với bạn bè. Thậm chí nhiều đứa trẻ là trung tâm của sự bắt nạt, bạo lực học đường. Dưới góc độ của người lớn, không cha mẹ nào muốn con mình rơi vào trường hợp này nên sớm đã dạy con làm sao để tự vệ, song điều đó đôi khi lại phản tác dụng và gây ra những hiệu quả nghiêm trọng.
Sau kỳ nghỉ hè, chị Lý, một bà mẹ có đứa con đang độ tuổi mẫu giáo ở Trung Quốc lại đưa cậu nhóc đến lớp. Nhưng chỉ đi học mới vài ngày thì con trai của chị gây nên tai họa. Đứa bé đã dùng một viên gạch đập vào đầu một bạn học của mình. Sau khi nghe tin từ nhà trường, chị đã tức tốc chạy đến bệnh viện với tâm trạng hoang mang vì đối với chị, đứa con trai mà mình nuôi nấng luôn ngoan ngoãn và rất nghe lời.
Ảnh minh họa
Khi tới nơi, chị thấy con trai đang ngồi thừ trước ghế chờ bệnh viện. Lúc này người phụ nữ họ Lý không khỏi tức giận vì con trai đã gây ra thương tích cho bạn học. Chị cố gắng hỏi cậu nhóc lý do tại sao lại hành động như vậy thì đứa trẻ đáp lại: "Tại bạn đó đánh con trước!"
Sau khi nghe con trai nói, chị Lý bỗng sững người và không nói nên lời. Hóa ra, trước đây chị đã dặn đi dặn lại con mình mỗi khi ở nhà rằng: "Nếu có đứa trẻ nào bắt nạt hoặc đánh con trước thì con phải dạy cho nó một bài học thật nặng nề!"
Biết rằng chính điều này đã tác động lên hành động của con trai, chị Lý cảm thấy rất có lỗi và bối rối xin lỗi đứa trẻ bị thương cùng gia đình.
Ảnh minh họa
Điều kiện kinh tế của chị Lý không mấy khá giả, tiền viện phí và bồi thường tổn thất cho đứa trẻ đang nằm viện khiến chị đau đầu. Dù bên kia là người gây sự trước nhưng dù sao đứa trẻ bị thương nặng hơn vẫn là cậu bé ấy nên chị Lý không còn cách nào khác ngoài việc tìm cách thương lượng giảm mức đền bù xuống. Cuối cùng, chị Lý phải mất tới 50.000 tệ, tức là hơn 176.000.000 đồng cho gia đình đứa trẻ kia. Một đứa trẻ phải mất một khoảng thời gian dài nằm viện điều trị, một gia đình thì tốn một số tiền lớn tương đương vài năm đi làm để bồi thường, điều này quả thực là câu chuyện đáng buồn.
Dạy con đánh trả khi bị bắt nạt không khác gì khuyến khích con sử dụng bạo lực. Nếu đứa trẻ đánh thắng, chúng sẽ có tâm lý rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề nhanh gọn và hữu ích nhất, còn với những đứa trẻ không thể đánh lại bạn mình sẽ mang tâm lý e sợ và cố gắng tìm cách đáp trả lại bằng phương pháp tương tự hoặc nặng tay hơn trong lần tới. Điều này thực sự nguy hiểm. Câu chuyện về con trai chị Lý là ví dụ điển hình, bởi từng bị bắt nạt nhiều lần nên đứa trẻ lại nảy sinh ra ý định dùng gạch đánh bạn.
Ảnh minh họa
Khi xảy ra đánh nhau giữa những đứa trẻ, phụ huynh nên giải quyết như thế nào?
Các bà mẹ nên tìm hiểu trước sự việc để có thể hướng dẫn và giáo dục con có mục tiêu hơn. Nếu đó chỉ là những xích mích vô tình, không đáng kể giữa các con thì cha mẹ không cần can thiệp quá nhiều mà hãy tin rằng các con có thể tự giải quyết vấn đề. Nếu cha mẹ tham gia quá sâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực xã hội bình thường của trẻ và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa trẻ với các bạn.
Nếu đối phương có ác ý nhất định và bắt nạt trẻ nhiều lần, thì các bà mẹ phải dạy trẻ những cách thiết thực hơn để đối phó, chẳng hạn như nhờ cô giáo giúp đỡ. Nếu cô giáo không thể ngăn chặn được hành vi trên thì cha mẹ nên tìm cách trao đổi thẳng thắn với phụ huynh bên kia để giúp con mình thoát khỏi cảnh bị bắt nạt. Nếu cần, cha mẹ cũng có thể cân nhắc việc thay đổi môi trường học tập cho con.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên rèn cho con thêm khả năng tự bảo vệ mình như chú ý rèn luyện thân thể. Trẻ nhỏ có thể chất yếu, gầy gò thường dễ bắt nạt, vì vậy khi trẻ có thể chất phát triển thì đương nhiên trẻ sẽ ít có nguy cơ bị bắt nạt hơn. Khi cơ thể của trẻ trở nên khỏe hơn, chúng cũng sẽ trở nên tự tin hơn.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/me-day-ai-danh-con-thi-phai-cho-chung-bai-hoc-nang-hon-khong-ngo-dua-tre-gay-ra-mot-bi-kich-dong-troi-nguoi-me-hoi-han-khong-kip-16121290714254198.htm
Theo ttvn.vn