Năm nhuận, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, nhiều ca xuất huyết não, hỏng gan

Không những gia tăng hơn mọi năm về số lượng, năm nay dịch còn diễn biến cực kì phức tạp. Theo thông tin từ bệnh viện Nhi đồng thành phố, hiện có hơn 50.000 ca mắc trên cả nước, 16 ca tử vong do sốc không hồi phục, trong đó có 4 - 5 trường hợp xuất huyết não.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết năm nay nhuận tháng 6 âm lịch, mùa hè kéo dài là điều kiện thuận lợi làm mùa dịch sốt xuất huyết kéo dài, số ca bệnh đang gia tăng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho biết: Đây là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các ca bệnh SXH tại phía Nam. Trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 4.328 ca SXH. Trong đó, 250 ca nặng, với các mức độ sốc thoát huyết tương, suy đa tạng, viêm cơ tim và SXH thể não.

Sốt xuất huyết đến nay chưa có văcxin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Bố mẹ cần lưu tâm những vấn đề sau:

  • Thu gọn, sắp xếp gọn gàng trong nhà, không treo quần áo bừa bãi, đặc biệt là những quần áo đang mặc dở dang.
  • Tổng vệ sinh thường xuyên để dọn bỏ rác phế thải, chú ý những loại rác có khả năng chứa nước mưa như: lốp xe, hộp đựng các vật dụng, mảnh tô, chén bể, chum vại…
  • Đổ nước dầu hoặc muối vào bát kê chân tủ.
  • Thay nước thường xuyên các lọ hoa.
  • Thường xuyên cọ rửa chum vại 7 ngày/lần.
  • Thả cá bảy màu ăn lăng quăng nếu nhà có bể lớn chứa nước, các bể nước cần có nắp đậy.
  • Khi ngủ phải mắc mùng, kể cả ban ngày (đặc biệt là các trẻ nhỏ), cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay.
  • Phun thuốc diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn khi có xảy ra dịch tại địa phương.

Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết rất khó và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy cách tốt nhất, khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao từ hai ngày trở lên và xuất huyết thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh này và đưa trẻ vào bệnh viện theo dõi để tránh các biến chứng nguy hiểm nhé!

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU