Nạn nhân "cò mồi" mang thai hộ: Biết bị lừa vẫn chấp nhận

Các nạn nhân cho hay, dù họ biết tất cả rủi ro có thể gặp phải nhưng chỉ cần thấy một tia hy vọng thì họ vẫn sẽ chấp nhận thử để có được một đứa con.

Ngay sau khi Việt Nam Hôm Nay phát sóng phóng sự về đường dây mang thai hộ của Nguyễn Anh Thư (trú tại tỉnh Vĩnh Long), Phạm Ngọc Thảo (trú tại TP. Hồ Chí Minh và Nguyễn Danh Hòa (bác sĩ tự do), rất nhiều nạn nhân đã liên hệ với phóng viên kêu cứu.

Các nạn nhân đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho đường dây này để tạo phôi chờ người mang thai hộ. Nhưng đến nay, khi các đối tượng này bị bắt, họ biết rằng không thể đòi được tiền nhưng ngay cả phôi của mình cũng không biết đi đâu để đòi lại.

Khi trao đổi với phóng viên, các nạn nhân nhiều lần nhấn mạnh, họ biết tất cả những rủi ro có thể gặp phải, thậm chí có những người đã bị "cò mang thai hộ" lừa hết lần này đến lần khác. Nhưng sau đó, chỉ cần thấy một tia hy vọng, họ vẫn sẽ chấp nhận để có được 1 đứa con, để rồi lại tiếp tục trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.

Trong những nạn nhân liên hệ với phóng viên, có một phụ nữ trẻ mới ngoài 20 nhưng đã mang trong mình căn bệnh ung thư tử cung. Ước nguyện cuối cùng của chị là có thể để lại một đứa con cho người chồng mới cưới. Nhưng chị không thể tìm được ai trong gia đình phù hợp để nhờ mang thai hộ, chị buộc lòng phải tìm đến các "cò mang thai hộ", trong đó có đối tượng tên là Gấm.

"Người môi giới lanh lắm, nói chuyện rất hiểu biết. Họ hứa hẹn chỉ cần đưa cho họ đủ tiền họ sẽ làm. Vì vậy, các gia đình hiếm muộn cứ tin theo", nạn nhân chia sẻ

Để tạo niềm tin, đối tượng Gấm đã gửi cho nạn nhân những bằng chứng bằng tin nhắn được cho là của Gấm với những ca mang thai hộ thành công mà Gấm đã thực hiện. Song song với đó, Gấm lập một nhóm kín trên mạng gồm các gia đình hiếm muộn đang có nhu cầu rồi sử dụng nhiều nick ảo để tự quảng cáo cho mình.

Được biết, Gấm đã lừa rất nhiều gia đình hiếm muộn với số tiền từ hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng. Tất cả những giao dịch này đều dựa vào niềm tin giữa các gia đình hiếm muộn với các đối tượng cò mồi. Nên khi các đối tượng này biến mất thì các gia đình hiếm muộn cũng không biết tìm họ ở đâu. Về bản chất mang thai hộ với mục đích thương mại là vi phạm pháp luật, nên dù biết là bị lừa nhưng họ cũng không dám báo công an.

"Giờ em không biết tin ai nữa. Em rất mong con. Những kẻ môi giới đánh vào tâm lý đó, hứa hẹn để mình hy vọng. Bản thân em rất bức xúc. Những người hiếm muộn như em cũng khó khăn lắm. Người ta cũng vay mượn mà, những kẻ môi giới cứ lừa mà có phải lừa ít tiền đâu" - nạn nhân nói.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, người mang thai hộ phải là người cùng họ hàng với vợ hoặc chồng. Ví dụ như chỉ có thể nhờ chị hoặc em gái bên vợ, chồng trong vòng 3 đời mang thai hộ.

Đối với một số gia đình thì đây là nguyên nhân chủ yếu khiến các cặp vợ chồng hiếm muộn không thể tìm được người mang thai hộ, khiến họ phải tìm đến những "cò mồi" hay đường dây chuyên làm việc này. Cùng với đó, khung xử phạt cho những đối tượng vi phạm còn thấp nên cò mồi mang thai hộ có khi bị bắt, nộp phạt xong rồi lại tái phạm.

Cần nâng mức xử phạt

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong những nơi được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Từ khi triển khai đến nay đã 5 năm chỉ thực hiện được khoảng 100 ca mang thai hộ.

Bác sỹ tại đây cho biết, số người mắc các dị tật để được phép mang thai hộ chiếm từ 1-3% và có nhiều quy định bắt buộc như: đã có một con rồi thì không được nhờ mang thai hộ dù đứa trẻ có bị khuyết tật. Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn hoặc mong muốn có thêm con đã tìm đến các đường dây mang thai hộ.

Vì lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp để móc nối người có nhu cầu mang thai hộ, nhân viên y tế và người được thuê mang thai. Mặt khác, mức xử phạt những đối tượng này còn thấp, chỉ từ 50-200 triệu đồng, nặng cũng chỉ lên 2 năm tù.

Để tránh tình trạng làm giả hồ sơ mang thai hộ cũng như những vấn đề liên quan đến pháp lý, Bộ Y tế đã yêu cầu 6 bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải ký hợp đồng với các công ty Luật.

Về thắc mắc quy định mang thai hộ quá chặt chẽ, các bác sĩ khẳng định, điều này để ngăn chặn các hành vi thương mại hóa. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có quy định về mang thai hộ, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước.

Một số bệnh viện trên cả nước được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Trung ương Huế. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của các bệnh viện này sẵn sàng tư vấn cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn muốn thực hiện biện pháp mang thai hộ. Một ca thụ tinh ống nghiệm chi phí khoảng từ 40-50 triệu đồng/ca.

Link gốc: https://vtv.vn/xa-hoi/nan-nhan-co-moi-mang-thai-ho-biet-bi-lua-van-chap-nhan-20210415165336339.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU