Có thể nói khi mang thai người phụ nữ sẽ chấp nhận những sự ảnh hưởng nhất định mà thai nhi mang đến cho sức khỏe của mình. Với những phụ nữ béo phì thì ảnh hưởng còn gấp đôi thậm chí gấp 3. Thậm chí còn có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi. Vậy nên, cần có những phương pháp chăm sóc đặc biệt khi mang thai để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.
Các bác sỹ sản khoa đều khẳng định rằng những phụ nữ béo phì sẽ khó thụ thai hơn những người bình thường vì họ bị rối loạn nối tiết. Cơ thể người béo phì quá nhiều mỡ khiến môi trường nuôi dưỡng trứng và môi trường noãn bào có hàm lượng các chất chuyển hoá và hormone nam tăng cao. Vì vậy những người béo phì thường dễ sảy thai, sinh non. Quan trọng là những biến chứng của béo phì như tăng huyết áp, tim mạch, đái đường… gây nên các bệnh lý nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Đó còn là nguyên nhân làm gia tăng các biến cố sản khoa như dị tật bẩm sinh ở thai nhi, tiền sản giật, mất tim thai trong bụng mẹ...
Những phụ nữ béo phì còn có nguy cơ tiểu đường cao vì thế thai nhi cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2, bệnh tim mạch và cả béo phì giống như mẹ của mình. Vì vậy các bác sỹ đều yêu cầu những phụ nữ béo phì cần phải theo dõi sát sao quá trình mang thai của mình để có những can thiệp kịp thời nếu có biến chứng xấu nào xảy ra.
Nếu bạn bị béo phì hãy thận trọng khi mang thai |
Theo các bác sỹ nếu bạn bị béo phì và đang lên kế hoạch có em bé thì bạn hãy đi khám phụ khoa, kiểm tra hệ sinh dục và tính chất chu kỳ kinh của người béo phì. Một khi kiểm tra phụ khoa bình thường, bác sĩ chuyên khoa có những lời khuyên về khả năng thụ thai tại thời điểm giữa chu kỳ kinh nguyệt. Những tư vấn này của bác sỹ sẽ vô cùng hữu ích cho cả bạn và em bé sau này.
Khi bạn mang thai, bạn hãy luôn thoải mái, đừng nghĩ rằng mình béo phì. Thay vào đó hãy tích cực thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường rau xanh và trái cây để kiểm soát cân nặng của mình. Hãy ăn uống để tăng vào con thay vì vào mẹ. Bạn cũng có thể có những bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng.
Điều quan trọng là bạn phải giám sát ỹ chỉ số đường huyết, chỉ số huyết áp cũng như các thông số sinh hóa về chức năng gan, chức năng thận trong suốt thai kỳ làm sao duy trì các chỉ số luôn luôn trong giới hạn bình thường. Có như vậy bạn mới có được một thai kỳ khỏe mạnh, em bé được phát triển bình thường mà không chịu những di chứng từ căn bệnh béo phì của mẹ mình.
Theo sohuutritue.net.vn