Nguy hiểm khi đi đường bị tăng nhiệt độ, huyết áp

Bạn đọc Trần Văn Trung (60 tuổi; quận Tân Bình, TP HCM) hỏi: Thời gian vừa qua, chung cư nơi tôi ở có đo nhiệt độ, tôi phát hiện mỗi khi đi nắng về thân nhiệt có tăng chút ít, ngồi một hồi cũng không giảm nhưng khi uống một ít nước và hít thở sâu thì lại giảm. Xin cho hỏi tăng nhiệt độ, huyết áp khi trời nóng như vậy có nguy hiểm không? Hiện tôi có dùng thuốc chữa cao huyết áp.

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, trả lời: Khi vận động tế bào của các hệ cơ quan trong cơ thể sẽ tăng hoạt động chuyển hóa, để cung cấp năng lượng cho sự vận động của cơ thể. Hiện tượng này phát sinh nhiệt làm tăng nhẹ thân nhiệt (từ 37 đến 37, 5 độ C).

Để vận chuyển cung cấp đủ ôxy cho tế bào, tim sẽ đập nhanh hơn và huyết áp cũng tăng nhẹ. Hiện tượng này nhận thấy rõ hơn khi trời nóng. Thân nhiệt và huyết áp sẽ trở về bình thường khi nghỉ ngơi và uống đủ nước. Đây là hiện tượng bình thường của cơ thể.

Do ông bị tăng huyết áp và đang dùng thuốc điều trị nên ông cần phải theo dõi huyết áp, tái khám đều và uống thuốc kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, ông nên đều đặn tập thể dục vừa sức, tăng cường vận động. Hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng.

Ông nên mang theo nước khi đi ra ngoài để bảo đảm bổ sung nước thường xuyên, vì mất nước có thể làm giảm thể tích tuần hoàn, gây mệt mỏi, choáng, trụy mạch; với người cao tuổi, lại có bệnh cao huyết áp thì sẽ có nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Link gốc: https://nld.com.vn/suc-khoe/nguy-hiem-khi-di-duong-bi-tang-nhiet-do-huyet-ap-20200427214215616.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU