Khi con chó biết “ghen tị” với em bé
Sau vụ việc trẻ 8 tháng tuổi tại Hà Nội bị chó ngao cắn tử vong, các gia đình mới nổ ra cuộc tranh cãi nuôi chó, đặc biệt là các giống chó ngoại trong nhà như thế nào cho an toàn?
Ai cũng thắc mắc không biết lý do gì khiến con chó “ngàn đô” 40kg bỗng dưng nổi điên, tấn công đứa trẻ bé xíu như thế?
Chia sẻ về thắc mắc này, chị Võ Thị Thảo (sinh năm 1990, Hà Nội) nhận định con ngao Tây Tạng tấn công đứa trẻ xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể do con chó bị đói, chó nảy sinh lòng ghen tị, ức chế tâm lý và sai lầm cho chó ở chung với gia đình.
6 năm nay, chị Thảo từng nuôi chó ta, Becgie, chó Phú Quốc, Golden, Dachsund, Dobermann, Pug, Poodle, Bully, Bull pháp. Hiện chị nuôi chú chó tên Nhộng – giống Bull Pháp.
Chị Thảo và chú chó Nhộng, giống Bull Pháp trong một buổi offline. Ảnh: NVCC
Bản thân chị Thảo nhận thấy những lúc chị cho con chơi cùng chó, chú chó Nhộng của chị biết ghen tị với bé Bon. Cứ nhằm lúc chị không để ý là đớp nhẹ vào mông, tay bé. Bé Bon cầm đồ chơi gì, Nhộng cũng giật lấy.
Có lần con Nhộng dỗi, mặt sưng lên, xị ra, gọi cứ lườm lườm, đưa thịt cũng không cần, cứ úp nửa mặt sau cái gương rồi ngó mắt ra.
“Đó chỉ là chó cảnh, nhỏ bé, thân thiện, luôn có người giám sát nên không vấn đề gì. Nhưng nếu là chó nghiệp vụ, chó săn thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu ở chung và để con vật ghen tị với đứa trẻ. Hãy thử tưởng tượng con chó đang được gia đình yêu quý, chiều chuộng, bỗng dưng một đứa trẻ ra đời, cả nhà bận rộn, quay cuồng với đứa trẻ, quên mất con chó.
Khi đó, con chó không được đưa đi chơi, ăn uống cũng không được như trước sẽ đói, nảy sinh lòng ích kỷ, ức chế tâm lý, ghen tị với chính đứa trẻ đó. Những con chó càng khôn, càng tinh quái thì càng nhỏ nhen, ích kỷ ”, chị Thảo lý giải.
Hành trình 1 năm lớn lên của Nhộng.
Khi con chó có tâm lý ghen tị với đứa trẻ, cho rằng đứa trẻ là nguyên nhân khiến nó bị “ra rìa”, chỉ cần bố mẹ lơ là, để con ở một mình với chó thì mối nguy con chó tấn công đứa trẻ hoàn toàn có thể xảy ra.
“Với những gia đình có con nhỏ, mới sinh con thì việc nuôi chó trong nhà là không hề đơn giản. Tôi luôn giám sát, chưa bao giờ cho con chơi, đứng một mình với Nhộng, huống hồ là một con chó ngao Tây Tạng – một giống chó ăn thịt sống và có bản năng săn mồi.
Việc để chó ở một mình với đứa trẻ dưới một tuổi là sai lầm của người lớn. Sai lầm thứ hai là nếu nuôi chó to như thế phải nhốt xích cẩn thận và nuôi ở nơi tách biệt với trẻ nhỏ”, chị Thảo nhận định.
Những LƯU Ý gia đình nào cũng phải biết khi nuôi chó
Vụ việc chó ngao cắn chết bé 8 tháng tuổi đã khiến cho nhiều người nảy sinh tâm lý căm phẫn, thậm chí chuyển sang thái độ cực đoan về việc nuôi chó trong nhà.
Bé Bon chỉ được chơi cùng Nhộng khi có mẹ giám sát bên cạnh.
Khi sinh con, chị Thảo đã áp dụng các bí kíp như sau trong việc nuôi dạy chó:
Chỉ nuôi chó nhỏ
Theo chị Thảo, những gia đình có trẻ nhỏ chỉ nên nuôi chó nhỏ để chủ có thể kiểm soát con chó. Dù có xảy ra sự cố thì cũng không để lại hậu quả thương tâm. Nuôi chó to đồng nghĩa với việc người chủ có lúc không kiểm soát được con chó.
Có khu nuôi tách biệt
Đây là nguyên tắc an toàn số 1 khi nuôi chó.
“Nuôi chó cần phải có không gian, chó là chó, người là người. Yêu chó đến mấy cũng không có chuyện chó và người ăn chung ngủ chung. Vì rất nhiều căn bệnh từ chó mà người không hiểu biết để chủ động phòng tránh, trẻ nhỏ rất dễ nhiễm bệnh”, chị Thảo nhấn mạnh.
Để đảm bảo an toàn cho con, chị Thảo nuôi chó tách biệt hoàn toàn trên tầng sáu, nuôi thả để chó không bị stress. Chị Thảo quy định tầng 6 là dành cho Nhộng, chỉ ở trên đó, ai gọi con Nhộng cũng không được xuống.
Sắp xếp thời gian chăm sóc chó
Chỉ đêm khuya, đường vắng người, chị Thảo mới dắt chó đi dạo để tránh làm phiền người đi đường.
Bên cạnh đó, chị Thảo sắp xếp thời gian biểu để chăm sóc bé Bon và Nhộng theo hai khung giờ khác nhau. Buổi trưa, sau khi cho con ngủ, chị Thảo lên cho Nhộng ăn, tắm táp. Buổi tối 9 – 10 con ngủ, chị mới dắt chó đi dạo và mỗi lần ra đường đều phải có ròng xích cổ cẩn thận.
Kỷ luật nghiêm nhưng không đánh đòn
Bởi Nhộng là chú chó trình diễn, “thần thái rất quan trọng” nên chị Thảo không bao giờ cho chó “ăn đòn”.
“Ăn đòn sẽ khiến chó nhút nhát, dễ nổi nóng. Cần có chế độ kỷ luật, trò chuyện với chó từ nhỏ, chỉ một người cho ăn, ra đường luôn xích, sai bắt nhịn, thể hiện thái độ qua giọng nói. Chó tuy không hiểu nhưng có thể cảm nhận qua thái độ, giọng nói và rút kinh nghiệm lần sau.
Tôi cho rằng nếu người nuôi rèn luyện chó bằng tình yêu thương và sự kỷ luật, cho chó ăn ở tách biệt, tránh chung đụng với trẻ nhỏ thì sẽ khiến con chó rất ngoan, không thể xảy ra tai nạn thương tâm trên”, chị Thảo nói.
Thời điểm đón chó về nhà
Thời điểm đón chó về nhà khá quan trọng nhưng ít người lưu ý điều này. Nếu được, chủ nhà nên đón chó về sau khi có em bé. Bởi nếu đang nuôi chó mà sinh em bé thì con chó dễ nảy sinh lòng đố kỵ, ghen ghét em bé. Trong khi có em bé mới đón chó về thì con chó đến với tâm thế "người mới", ít khi bị sự cố như vậy.
Theo emdep.vn