Nguyên nhân trẻ thường bị chó tấn công

Trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị chó cắn và tấn công nhiều nhất, hơn 7.000 trường hợp bị chó tấn công thì có 1.159 là trẻ em dưới 9 tuổi, 76% trong số đó là những vết thương ở mặt và cổ họng.

Sự việc cháu bé 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn chết, khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều người bày tỏ sự thương xót với cháu bé không may và cũng lên án sự bất cẩn của người thân em bé, để con chó ngao Tây Tạng to lớn, hung dữ bên cạnh cháu mà không rọ mõm hay có biện pháp an toàn nào.

Vụ việc chó ngao - chó cắn chết người vừa xảy ra ở Hà Nội không phải hy hữu ở nước ta và cả thế giới, từng xảy ra nhiều vụ trẻ em bị chó cắn thương tâm.

Một thống kê của cơ quan Y tế Anh cho biết, dù với giống chó nào thì trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị chó cắn và tấn công nhiều nhất. Thống kê cho biết, trong số hơn 7.000 trường hợp bị chó tấn công thì có 1.159 là trẻ em dưới 9 tuổi, 76% trong số đó là những vết thương ở mặt và cổ họng.

Sự việc chó ngao Tây Tạng cắn chết người ở Hà Nội gây xôn xao dư luận.

Bác sỹ thú y người Anh Sean Wensley từng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em bị chó tấn công là do trẻ em thường có những hành vi khá bất thường. Chúng có thể đột ngột nhào đến, ôm ấp, hôn hít, thậm chí cấu véo, đánh, làm đau chó. Hệ quả của những việc đó làm chó quá hoảng loạn và phản kháng lại.

Theo thông tin Trung tâm Huấn luyện Chó nghiệp vụ Tokio, có rất nhiều lý do chó cắn trẻ em. Chó có thể nổi điên lao vào cắn trẻ khi muốn bảo vệ những thứ thuộc sở hữu của nó như: Thức ăn, nước uống, chó con. Chó cũng có thể nổi điên khi muốn bảo vệ nơi nghỉ của nó, bảo vệ chủ và tài sản của chủ.

Trong một số trường hợp, chó hơi coi thường trẻ em, nó coi đứa trẻ thấp cấp hơn nó, và khi đứa trẻ làm điều gì đó mà chú chó không vừa ý như: Ôm ghì chó, đi vào chỗ nằm của chó, dựa vào người nó hoặc bước qua người nó, nó cũng sẽ nổi điên và cắn trẻ.

Nhiều trường hợp khác chó cắn trẻ vì sợ hãi do trẻ nghịch ngợm, trêu chọc hoặc tiếp cận chó quá nhanh làm cho nó giật mình.

Khi con chó đang bị thương, đứa trẻ làm chó bị đau, dẫm lên người nó, giật lông, tai, kéo đuôi cũng dễ bị chó cắn…

Thậm chí, chó có thể cắn trẻ ngay cả khi vui đùa, nếu con chó và đứa trẻ chơi đùa quá mạnh và chó quá phấn khích.

 Hãy tránh xa những con chó đang nổi cơn điên.

Theo các chuyên gia huấn luyện chó, thông thường, chó luôn có những biểu hiện cảnh báo trước khi nó cắn người, nhưng những biểu hiện tinh tế này bị nhiều người bỏ qua.

Một chú chó có thể tỏ ra rộng lượng với những trò nghịch lặp đi lặp lại của đứa trẻ, nhưng vào một ngày nào đó nó lại cắn đứa trẻ, khi đó là lúc nó rất mất kiên nhẫn và khó chịu với đứa trẻ rồi.

Nếu nhà nuôi chó, để bảo vệ con em mình, bạn nên để ý những dấu hiệu chó phản ứng với con bạn và bảo vệ bé, tách bé khỏi con chó trước khi thảm họa xảy ra.

Dấu hiệu chó hết kiên nhẫn và đang khó chịu với trẻ

- Chó đứng dậy và di chuyển ra khỏi đứa trẻ.

- Chó quay mặt đi khỏi đứa trẻ.

- Chó nhìn bạn, cái nhìn dường như van lơn.

- Bạn có thể thấy trong mắt của con chó có những hình bán nguyệt màu trắng.

- Chó ngáp khi đứa trẻ lại gần chơi.

- Chó quay đi liếm sườn khi trẻ lại gần chơi.

- Chó đột nhiên cào hoặc tự liếm người nó.

Video: Bé 21 tuần tuổi bị chó nhà cắn vào mặt thảm thương

Dù nhà nuôi chó hay không nuôi chó, bạn phải dạy ngay cho con mình những điều này:

- Không lại gần chó không phải của nhà mình, dù đó là chú chó đang bị xích hay nhốt.

- Khi tới chơi nhà có chó, không được để trẻ chơi với chó mà không giám sát.

- Không bao giờ nhìn vào mắt chó, không đưa mặt lại gần mặt của chó.

- Không bao giờ lấy thứ gì của chó.

- Không bao giờ lại gần một con chó đang ăn, uống hay đang nhai thứ gì đó.

- Không đưa tay qua lồng hay hang rào để vuốt ve chó.

- Không trèo qua hang rào vào sân vườn có chó, kể cả khi nó thường xuyên rất thân thiện.

- Không lại gần 2 con chó đang cắn nhau.

- Không lại gần khi chó đang ngủ, đang nghỉ, chó già hoặc chó đang nuôi con.

- Một chú chó an toàn là một chú chó há mồm thở hồn hển, mặt vui vẻ và vẫy đuôi.

- Một chú chó nguy hiểm là chú chó mõm ngậm chặt, tai hướng về phía trước, trông căng thẳng.

- Chó sắp cắn có thể gầm gừ, nhe nanh, lông gáy dựng, tai hướng về trước (có thể vẫn vẫy đuôi).

Theo vtc.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU