Nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh

(lamchame.vn) - Trẻ sơ sinh bị táo bón là hiện tượng khá phổ biết của trẻ và cũng là nỗi lo của nhiều ông bố, bà mẹ. Vậy làm sao để phân biệt trẻ bị táo bón hay không? Nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh?

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón

Ở trẻ sơ sinh thì tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón sẽ không dễ để phát hiện. Do thói quen đi ngoài của mỗi bé là khác nhau. Nhưng thông thường nếu trẻ đi ngoài khoảng 3-4 ngày mới đi một lần, khi đi ngoài phân rắn, có dạng xúc xích lổn nhổn hoặc dạng viên như phân dê, trẻ phải rặn khó khăn, thậm chí bị đau thì có thể trẻ đang bị táo bón.

Tuy nhiên có trẻ 3 ngày đi một lần nhưng sức khỏe vẫn tốt, phân mềm xốp, trẻ đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Còn có một số trẻ chỉ 1 đến 2 ngày đi một lần nhưng phân keo dính, trẻ phải rặn khó khăn thì vẫn là táo bón.


 

 


Trẻ sơ sinh bị táo bón thường la hét hoặc khóc ré lên khi đi ngoài. Hoặc có bé sẽ kháng cự không cho mẹ thay tã, la hét và quấy khóc một cách vô cớ khi mẹ cho bú.

Nguyên nhân dẫn đến trẻ sơ sinh bị táo bón

- Với trẻ sơ sinh còn bú mẹ hoàn toàn, thì nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị táo bón là do chịu ảnh hưởng từ chế độ ăn uống của mẹ. Khi mẹ ăn nhiều đồ cay, nóng, dầu mỡ, thức ăn khó tiêu sẽ là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ. Do đó, khi phát hiện trẻ bị táo bón, mẹ cần thay đổi ngay khẩu phần ăn của mình để cải thiện tình trạng bệnh của trẻ. Hoặc có thể nguyên nhân trẻ bị táo bón là do trẻ bú không đủ no, chưa đủ để tạo thành phân.



- Trong trường hợp trẻ uống thêm sữa ngoài cũng có khả năng rất cao dẫn tới tình trạng táo bón do sữa công thức sẽ khó tiêu hóa hơn sữa mẹ, mẹ pha sữa không đúng công thức hoặc bé không hợp với sữa đang dùng. Nếu bé nhà bạn uống sữa công thức mà đang táo bón trong vài ngày, hãy thử tham khảo ý kiến bác sĩ về việc đổi sữa mà trẻ đang dùng. Tuy nhiên, không nên tùy tiện đổi sữa của bé quá thường xuyên, như vậy có thể sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ. Để khắc phục tình trạng táo bón do uống sữa ngoài, bạn nên chọn sữa công thức có bổ sung chất xơ hòa tan góp phần làm cho phân của bé mềm hơn, dễ đi ngoài hơn.

-Trẻ bị táo bón có thể so trẻ bị rối loạn tiêu hóa khi mẹ chuyển từ sữa mẹ sang sữa bột, hay bột ăn dặm.

- Với một số trẻ hiếu động, vận động tay chân nhiều khiến cơ thể dễ bị mất nước nhiều hơn, mà không được bù lại lượng nước cho cơ thể cũng là nguyên nhân gây ra táo bón.

- Khi trẻ bị sốt, ho, cảm phải dùng thuốc kháng sinh hay thuốc ho… cũng sẽ gây ra tình trạng táo bón ở trẻ.

- Ngoài ra còn có một số nguyên nhân như bé bị rối loạn cảm xúc, ham chơi, sợ chỗ lạ, đổi chỗ ở… cũng làm bé bị táo bón.

Ảnh hưởng của táo bón đến trẻ

- Nếu tình trạng táo bón kéo dài sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ như: Trẻ biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, chướng bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, nôn trớ.

- Khi trẻ lâu ngày không ị được thì những chất độc trong phân cũng bị tích lại trong ruột, có thể bị hấp thu trở lại trong máu gây hại cho sức khỏe của trẻ.

- Khi trẻ đi phân rắn, khó rặn, thậm chí bị nứt hậu môn, bị lồi dom do rặn và ngồi chờ lâu, chảy máu trực tràng do phân quá rắn, dẫn tới bệnh trĩ.

Giải pháp xử lý khi trẻ sơ sinh bị táo bón

Với trẻ bú mẹ hoàn toàn: Mẹ cần đa dạng thực phẩm, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống nhiều nước bao gồm uống sữa, nước hoa quả, canh, nước lọc... Bạn cần cho con bú đúng cách và bú đủ lượng vì sữa mẹ không chỉ tốt cho sức đề kháng và sự phát triển của trẻ mà còn giúp trẻ phòng ngừa táo bón. Bé càng bú nhiều thì sữa mẹ về càng nhiều và như vậy sẽ tốt cho cả mẹ và bé. Và bạn nên cho con bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, chính sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ vì dễ tiêu hóa và dễ hấp thu hơn sữa ngoài hay thức ăn khác.

Bổ sung nước cho trẻ: Các mẹ thường được khuyến cáo là trẻ dưới 6 tháng uống sữa mẹ hoàn toàn không cần thêm nước. Nhưng trong trường hợp trẻ đang bị táo bón hay khi trời nóng cơ thể trẻ đang bị thiếu nước thì bạn có thể bổ sung nước cho con như sau: Với trẻ dưới 6 tháng có thể uống thêm 100-200ml nước/ ngày và 200-300ml nước/ ngày với trẻ 6-12 tháng tuổi.



Massage bụng cho bé: Để tránh táo bón cho con, hằng ngày bạn có thể xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ vào lúc đói, mỗi lần 5 phút, hai đến ba lần một ngày.

Cho trẻ vận động: Trẻ sơ sinh chưa biết đi và phải nằm 1 chỗ cả ngày nên dễ bị táo bón. Vậy nên các mẹ có thể vận động thay cho trẻ bằng cách: Cho bé nằm ngửa và cầm 2 chân bé rồi di chuyển lên xuống như động tác đạp xe. Thực hiên từ 10 – 15 phút mỗi ngày. Làm như vậy sẽ kích thích nhu động ruột và giúp bé đi đại tiện dễ dàng hơn.

Tập cho trẻ đi đại tiện vào một giờ cố định: Thực chất cách này là một phương pháp tạo cho trẻ một phản xạ tự nhiên khi đi đại tiện. Bạn nên tập xi cho bé đi ngoài hàng ngày, không nên lạm dụng thụt cho bé sẽ làm hỏng cơ thắt hậu môn khiến trẻ dễ bị mắc bệnh đi ngoài không tự chủ.

Cuối cùng các mẹ chú ý nếu thấy trẻ có một hay nhiều những tình trạng sau: Táo bón kéo dài, phân cứng có dính nhiều máu, hậu môn sưng đau, đau bụng, mệt mỏi, sốt cao, trẻ quấy khóc nhiều bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có được chẩn đoán chính xác nhất về táo bón và tình trạng hiện tại của trẻ.

Ngoài ra cha mẹ cũng không tự ý cho trẻ dùng những thuốc chữa táo bón mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thuốc không rõ nguồn gốc, hay thuốc của người lớn như vậy sẽ ảnh hưởng và có thể sẽ nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU