Những lưu ý trong việc ăn uống và chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng

(lamchame.vn) - Bệnh tay chân miệng gây ra các vết loét trong miệng nên gây khó khăn trong việc ăn uống của trẻ. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng như thế nào để vừa duy trì được đủ chất vừa tăng cường sức đề kháng giúp trẻ nhanh khỏi bệnh?

Tay chân miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với số ca mắc gia tăng theo từng năm. Điều đáng tiếc là căn bệnh này chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chỉ nhằm giảm nhẹ triệu chứng. Do đó, ngoài việc cho bé uống thuốc theo đúng liều lượng của bác sĩ, bạn nên chú ý vệ sinh thân thể cho con sạch sẽ nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm các bệnh thông thường, làm trầm trọng thêm vấn đề.

Với trẻ lớn thường có thói quen rửa tay vội vàng nên bạn hãy nhắc bé rửa tay kỹ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Còn với trẻ nhỏ hơn, bạn cần chắc chắn rằng vấn đề vệ sinh cho con là điều cần được ưu tiên.

Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ ăn những món ăn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Điều này giúp con có đủ sức chiến đấu với bệnh tay chân miệng một cách dễ dàng.

che-do-dinh-duong-cho-tre-bi-tay-chan-mieng.jpg

Dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng như thế nào?

Một số lưu ý khi cho trẻ bị tay chân miệng ăn: Nếu trẻ còn bú mẹ cần cho trẻ bú như bình thường, có thể tăng số lần bú hàng ngày của trẻ.

Do có vết loét trong miệng nên trẻ thường đau và không muốn ăn. Vì vậy, cần nấu thức ăn thật nhuyễn, mềm, đủ chất, làm lỏng thức ăn để trẻ dễ ăn hơn. Với rau củ quả, cũng cần nấu nhuyễn cho trẻ. Thức ăn cần được làm nguội trước khi cho trẻ ăn.

Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ vì trẻ bị đau miệng nên mỗi bữa sẽ không ăn được nhiều. Khi cho ăn, tránh để thìa chạm vào vết loét trong miệng trẻ. Sau khi ăn xong, cần cho trẻ súc miệng sạch sẽ hoặc lau sạch miệng.

Một số loại thực phẩm tốt cho trẻ bị tay chân miệng

Trứng: Trứng có chứa nhiều protein, sắt, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe của trẻ. Không những vậy, các món ăn được chế biến từ trứng thường mềm nên không khiến trẻ cảm thấy đau đớn trong quá trình nhai nuốt.

Cháo loãng, súp: Khi bị tay chân miệng, mỗi ngày, trẻ cần được cung cấp một lượng tinh bột nhất định để có đủ sức khỏe chống lại các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, các món ăn như cơm, cháo đặc có thể làm cho trẻ khó ăn vì gây ra đau đớn khi nhai nuốt. Để giúp trẻ, bạn có thể cho bé ăn cháo loãng hoặc súp để thay thế.

Sữa chua, mật ong: Mật ong có vị ngọt, thơm, có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành các vết loét trong khoang miệng. Trong khi đó, sữa chua lại là một thực phẩm rất tốt cho trẻ bị tay chân miệng bởi sữa chua khá mềm, dịu mát, giúp xoa dịu cơn đau do các vết loét gây ra. Hơn thế nữa, sữa chua còn bổ sung lợi khuẩn, protein, canxi, kali, axit folic và các loại vitamin khác vừa giúp tăng sức đề kháng vừa giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn.

Nước dừa: Mất nước là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng. Để ngăn ngừa nguy cơ này, bạn nên cho trẻ uống nước thường xuyên. Ngoài nước lọc, bạn có thể cho trẻ uống thêm nước dừa bởi đây là một loại thức uống thơm, mát, mùi vị dễ uống, có thể làm dịu các vết loét. Ngoài ra, nước dừa còn cung cấp thêm các chất điện giải rất hữu ích trong việc ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Sữa: Tay chân miệng là bệnh có triệu chứng đặc trưng với các vết loét xuất hiện ở lợi và lưỡi khiến bé khó nhai, nuốt. Chính vì vậy, một ly sữa mát sẽ giúp làm dịu các vết loét và làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Không những vậy, sữa còn có chứa nhiều protein, giúp trẻ mau hồi phục, đồng thời cung cấp nước để bù lại lượng nước bị mất cho cơ thể.

Nước hoa quả: Bạn có thể cho trẻ uống nước trái cây như cam, bưởi để bổ sung vitamin C. Ngoài ra, trẻ cũng cần ăn nhiều loại quả có màu đỏ, vàng như dưa hấu, dưa lưới, thanh long ruột đỏ hay nước ép để cung cấp vitamin A, giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm nhanh lành các tổn thương.

Ngoài việc cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng chính là cách phòng chống bệnh tốt nhất.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang