Những đứa trẻ thừa ra: Bố mẹ tan vỡ hôn nhân, sao để con phải trả giá?

Khi bố mẹ còn yêu, những đứa trẻ là thiên thần, là kết tinh tình yêu, là máu thịt gắn bó 2 người từ người dưng thành một gia đình. Khi tan vỡ, chúng là người bị thừa ra. Ở với ba hay với mẹ vẫn cứ là chông chênh.

 

Những câu chuyện như thế vẫn xảy ra trên đời, có khi ầm ĩ, gây chú ý của truyền thông, có khi âm thầm day dứt trong lòng những đứa trẻ và bố mẹ chúng. 

Khó mà trách người đến sau không đủ bao dung, rộng lượng, tử tế khi họ cảm thấy “ngứa mắt” với kết quả của cuộc tình trước, khi họ không yêu thương đứa trẻ ấy bằng con ruột mang dòng máu của mình. Không thể cản những người đã qua giông bão kỳ vọng về bến đỗ bình yên mới của mình và con, bởi khó khăn lắm họ mới tìm được người chấp nhận mình và “file đính kèm”. 

Nhưng yêu thương bao giờ cũng đi cùng trách nhiệm, và trách nhiệm của những người đã tạo ra đứa trẻ, bất chấp việc họ có chồng, có vợ mới hay không, đó là cho con một môi trường sống an toàn về thể chất lẫn tinh thần, cho con sự yên tâm và tự tin rằng chúng vẫn là điều tuyệt vời nhất, là sự ưu tiên trong cuộc đời bố mẹ chúng.

Trước yêu thương vô ngần, thì sau khi ly hôn cũng vẫn cần chăm chút thương yêu, để dù không còn là một gia đình như trước, đứa trẻ cũng không có cảm giác mình là người “thừa ra”, là “file đính kèm” hay là “của nợ” khi bố mẹ chúng sống tiếp đời mình. 

Ngay cả khi không bị đánh đập, làm tổn thương thân thể, để đứa trẻ trong những gia đình khuyết lớn lên với tinh thần lành lặn, đó nhất định phải là nỗ lực của bố mẹ chúng. Nếu bố mẹ biết yêu con đúng cách, dù chẳng còn đi chung đường hôn nhân, lũ trẻ mới có thể trở thành những đứa trẻ hạnh phúc.

 

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU