Những loại virus nguy hiểm nhất trên trái đất

Loài người và virus đã không ngừng đấu tranh để tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử.

 

Đối với một số bệnh do virus gây ra, chúng ta đã phát minh ra vắc-xin hiệu quả để ngăn chặn như virus ngăn bệnh đậu mùa nhưng không phải loại virus nào cũng có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, cuộc chiến này còn dai dẳng, không ngừng tiếp diễn trong tương lai.

Virus Marburg

Virus Marburg gây sốt xuất huyết ở người và linh trưởng. Loại virus này được coi là cực kỳ nguy hiểm. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá virus Marburg là một trong những tác nhân gây rủi ro nhóm 4 (yêu cầu bảo vệ tương đương mức độ an toàn sinh học 4).

Tại Hoa Kỳ, NIH đã xếp loại nó như một virus gây bệnh ưu tiên loại A. Siêu vi khuẩn này có thể lây truyền qua tiếp xúc với một loài dơi trái cây hoặc nó có thể lây truyền giữa người qua dịch cơ thể.

Các nhà khoa học đã xác định được loại virus Marburg vào năm 1967 khi một số ca nhiễm bệnh xảy ra đối với các nhân viên ở phòng thí nghiệm ở thành phố Marburg và Frankurt, Đức. Những người này đã tiếp xúc với khỉ bị nhiễm bệnh được đưa tới từ Uganda. Virus Marburg có điểm tương tự với virus Ebola ở chỗ cả hai loại này đều gây sốt xuất huyết, nghĩa là người nhiễm bệnh có triệu chứng sốt cao, xuất huyết dẫn đến sốc, suy nội tạng và tử vong.

Tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát đầu tiên là 25% nhưng đến đợt bùng phát năm 1998-2000 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, tỷ lệ tử vong đã lên đến 80% (theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO).

Virus Marburg.

Virus Ebola

Đại dịch Ebola bùng phát lần đầu năm 1976 được cảnh báo là có tỷ lệ tử vong cao - khoảng 90% người nhiễm bệnh. Đại dịch xảy ra lần đầu tiên ở người tại Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Bệnh do virus Ebola hay được gọi là sốt xuất huyết Ebola, là bệnh sốt xuất huyết do virus ở người và các loài linh trưởng khác.

Ebola lây lan chủ yếu qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch khác của cơ thể hoặc mô từ người/động vật bị nhiễm bệnh. Triệu chứng thường thấy là nôn, tiêu chảy, phát ban cùng với các chức năng của gan và thận giảm sút, đồng thời xảy ra hiện tượng chảy máu trong và ngoài.

Bệnh có nguy cơ tử vong cao, giết chết 25 - 90% những người mắc bệnh với tỷ lệ trung bình khoảng 50%. Nguyên nhân do huyết áp tụt thấp do mất máu và nước khi bệnh nhân xuất huyết và thường xảy ra sau 6 - 16 ngày các triệu chứng xuất hiện. Dơi ăn quả được cho là nguồn lây nhiễm virus Ebola sang người.

Virus Ebola.

Virus gây bệnh dại

Bệnh dại gây ra bởi virus dại thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại do virus dại cổ điển gây ra có tỷ lệ tử vong gần như 100% trên người. Bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đến nay. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại qua vết cắn hoặc vết liếm của động vật bị mắc bệnh dại.

Mặc dù virus phòng bệnh dại được giới thiệu từ những năm 1920 khiến căn bệnh này trở nên hiếm gặp ở các nước phát triển nhưng đây vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ và nhiều nơi tại châu Phi.

Virus đậu mùa

Năm 1980, Đại hội đồng Y tế thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa đã bị loại bỏ nhưng trước đó, con người đã mất hàng nghìn năm chiến đấu với bệnh đậu mùa. Tỷ lệ tử vong căn bệnh này rất cao, cứ 1 trong 3 người lây nhiễm tử vong. Thậm chí, nếu không bị tử vong sẽ để lại những vết sẹo rỗ, thậm chí bị mù.

Theo ước tính, đến 90% người dân bản địa châu Mỹ chết bởi virus đậu mùa do người châu Âu đem tới. Chỉ riêng trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa đã cướp đi sinh mạng của 300 triệu người.

Virus cúm mùa

Trong mùa cúm, khoảng 500.000 người trên thế giới có thể tử vong vì căn bệnh này (theo WHO). Đại dịch cúm gây tử vong nhiều nhất là cúm Tây Ban Nha, bắt đầu từ năm 1918, lây nhiễm cho 40% dân số thế giới và khiến 50 triệu người tử vong.

Virus Rota

Loại virus này là nguyên nhân gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có thể lây lan qua phân người. Trẻ em tại các quốc gia phát triển hiếm khi tử vong vì virus Rota nhưng tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này ở các nước đang phát triển cao.

Theo WHO, ước tính có khoảng 453.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do virus Rota năm 2008. Hiện nay, đã có 2 loại vắc-xin hiệu quả giúp bảo vệ trẻ em khỏi virus Rota.

Virus SARS

Virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2002 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Virus này được cho xuất hiện từ loài dơi, sau đó lây truyền sang các động vật có vú sống về đêm, cuối cùng lây nhiễm sang người. Sau khi gây ra dịch bệnh ở Trung Quốc, SARS đã lan sang 26 quốc gia trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 8.000 người và khiến 770 người tử vong (chiếm tỷ lệ 9,6%).

Bệnh gây triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể và thường tiến triển thành viêm phổi - một tình trạng nghiêm trọng trong đó phổi bị viêm và chứa đầy mủ, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, không còn trường hợp SARS mới nào được ghi nhận thêm.

SARS-CoV-2

Hay còn được gọi là virus gây dịch bệnh COVID-19 lần đầu tiên được xác định vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Virus này được cho bắt nguồn từ dơi, lây truyền qua động vật trung gian trước khi lây nhiễm sang người. Kể từ khi xuất hiện, virus đã lây nhiễm nhanh chóng ở Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới.

Tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 2,3%. Những người lớn tuổi hoặc có bệnh sử có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn nếu nhiễm phải loại virus này. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả và vắc-xin phòng bệnh.

Link bài gốc

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU