Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão như hiện nay, có 2 luồng xu hướng trái chiều xuất hiện trong cách giáo dục con cái của các phụ huynh. Đó là: Một bên cha mẹ sẽ cho con dùng điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử “thả ga”, coi đó là phương tiện giáo dục, thể hiện đẳng cấp, thậm chí nhiều cha mẹ còn không mấy kiểm soát thời gian và nội dung con tiếp xúc với công nghệ. Một bên, cha mẹ thì ngăn cấm và cho rằng điện thoại, máy tính là những sản phẩm công nghệ không tốt cho trẻ em, trẻ không nên và không được phép tiếp xúc với chúng bất kể với mục đích gì.
Công nghệ số, các thiết bị điện tử đang xâm chiếm vào từng ngóc ngách và từng thành viên trong mỗi gia đình (Ảnh minh họa).
Trên thực tế, cho dù cha mẹ áp dụng cách thức nào thì điều cần lưu tâm ở đây đó là cha mẹ cũng cần phải có đủ kiến thức để giúp con tận dụng được những lợi ích khổng lồ mà công nghệ mang lại, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực không phải là ít của các thiết bị điện tử hiện đại.
Những tác động của điện thoại, tivi, máy tính với trẻ nhỏ xoay theo nhiều chiều hướng khác nhau. Nếu cha mẹ không có cái nhìn đúng đắn về chúng thì tất nhiên trẻ sẽ cũng sẽ hiểu sai theo, dẫn đến hậu quả là những ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý và thể chất của trẻ và kéo theo hàng loạt những hiểu lầm tai hại “dây chuyền” khác.
Cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về việc cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử thay vì áp đặt những quan niệm sai lầm (Ảnh minh họa).
Cụ thể như sau:
1. Các phần mềm học tập có tính tương tác sẽ giúp trẻ học nhanh và giỏi hơn!
Đây là một sự hiểu lầm nghiêm trọng khi nhiều bậc cha mẹ ỷ lại và quá tin tưởng vào các phần mềm, ứng dụng học tập, các trang web trên mạng và cho rằng chúng sẽ giúp ích cho quá trình học nhanh hơn và giỏi hơn của con em mình. Cha mẹ thường tự cho rằng ứng dụng này có tính tương tác tốt nên cài vào máy tính, điện thoại cho con học mà ít khi tìm hiểu kĩ và sâu về ứng dụng đó, cách thức hoạt động và nội dung cụ thể trong đó.
Mỗi phần mềm, ứng dụng học tập sẽ phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính của trẻ, thậm chí còn được thiết kế để dành cho những đứa trẻ có cá tính khác nhau. Để học tốt, trẻ vẫn cần phải có những tương tác thực sự với môi trường thực bên ngoài chứ không thể phụ thuộc vào công nghệ số. Vậy nên, nếu nhắc đến các phần mềm, ứng dụng học tập cho trẻ nhỏ thì điều đó không hoàn toàn có nghĩa là nó tốt và phù hợp với trẻ và cha mẹ cần tìm hiểu ứng dụng đó kĩ càng trước khi cho trẻ dùng.
Để học tốt, trẻ vẫn cần phải có những tương tác thực sự với môi trường thực bên ngoài chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ số (Ảnh minh họa).
2. Cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử là để chuẩn bị cho tương lai sau này của trẻ!
Đây tiếp tục là một hiểu lầm tai hại mà nhiều ông bố bà mẹ thời công nghệ số mắc phải. Trước khi vào lớp 1, trẻ cần được học những kĩ năng về giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng học tập. Đó là những kỹ năng mà không một loại thiết bị điện tử nào có thể cung cấp và dạy trẻ theo cách trực quan và sinh động bằng thực tiễn thực hành. Tất cả các kỹ năng quan trọng hình thành trong vòng 6 năm đầu đời của trẻ rất cần có sự tương tác với con người thực chứ không phải là với điện thoại hay máy tính.
Đó là lý do tại sao nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực tâm lý máy tính, Tiến sĩ Tim Lynch, khuyến cáo cha mẹ không nên để cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử cho đến khi trẻ học xong mẫu giáo bởi nó có tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất của trẻ. Các nhà nghiên cứu Anh còn chỉ ra việc tiếp xúc quá sớm sẽ làm giảm độ khéo léo của trẻ, trong đó có một số trẻ không thể cầm bút viết khi bước vào lớp 1.
Việc tiếp xúc quá sớm sẽ làm giảm độ khéo léo của trẻ trong đó có một số trẻ không thể cầm bút viết khi bước vào lớp 1 (Ảnh minh họa).
3. Xem điện thoại, máy tính là hoàn toàn không tốt!
Các nhà nghiên cứu đã khẳng định lại một lần nữa bản thân việc trẻ xem xem điện thoại, máy tính không phải là xấu nếu cha mẹ biết cách kiểm soát và tạo cho con cơ hội tiếp cận đúng đắn. Những chương trình có nội dung về giáo dục sẽ có lợi cho trẻ tùy thuộc vào từng độ tuổi và môi trường giáo dục.
Tuy nhiên đó không phải là câu chuyện dành cho những bậc cha mẹ chỉ biết bật chương trình, trò chơi giáo dục và quẳng điện thoại hay tivi cho con ngồi xem với hy vọng con sẽ tự học. Mà đó chỉ thực sự hữu ích nếu trẻ được cha mẹ trực tiếp hướng dẫn và trở thành đối tượng tương tác tích cực cùng con trong mỗi chương trình con xem. Kinh nghiệm của người lớn sẽ là bệ đỡ vững chắc cho con và phát huy được tối đa những lợi ích mà các sản phẩm công nghệ đem lại.
Tích cực tham gia những hoạt động vui chơi, tương tác cùng bạn bè sẽ có lợi cho sự phát triển tổng thể của trẻ (Ảnh minh họa).
Như vậy vai trò của cha mẹ rất quan trọng và góp phần quyết định việc cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử là tốt hay không tốt. Cha mẹ cần đảm bảo thời gian con vui chơi, hoạt động thực tiễn cũng phải tương đương với thời gian con xem tivi, điện thoại.
Ánh sáng phát ra từ thiết bị điện tử cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ nên cần tắt màn hình trước khi đi ngủ 1 tiếng. Và nó sẽ thực sự sẽ trở nên tồi tệ cũng như để lại hậu quả nghiêm trọng nếu để cho trẻ xem quá nhiều, trẻ bị phụ thuộc và không còn muốn giao lưu, hoạt động bên ngoài mà chỉ thích cắm cúi vào xem tivi, điện thoại mà thôi.
4. Trò chơi điện tử có hại và không nên chơi hay xem!
Nhắc đến trò chơi điện tử, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra khá gay gắt và phản đối cho con mình chơi hoặc là xem chúng. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trò chơi có nhịp độ nhanh có thể giúp trẻ tăng tốc độ đọc ở trẻ mắc chứng khó đọc. Trò chơi điện tử chủ yếu tập trung vào kĩ năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra còn có các trò chơi khơi gợi sự sáng tạo và trí tưởng tượng xây dựng thế giới, cho dù đó chỉ là thế giới ảo.
Trò chơi điện tử cũng có thể được sử dụng như một công cụ học tập hữu ích nếu có sự tham gia, định hướng đúng đắn từ phía cha mẹ (Ảnh minh họa).
Thông qua các trò chơi, cách kiểm soát nhân vật, cách trẻ xây dựng trò chơi, cảm giác đạt thành tích ngay cả trong trò chơi ảo và cách trẻ học làm chủ 1 trò chơi có thể giúp xây dựng trí thông minh, cải thiện chỉ số cảm xúc của trẻ. Và sự thật là cũng giống như những cuốn sách hay các chương trình giáo dục, thì trò chơi điện tử cũng có thể được sử dụng như một công cụ học tập hữu ích nếu có sự tham gia, định hướng đúng đắn từ phía cha mẹ.
Theo afamily.vn