Cuộc sống bận rộn khiến đôi khi bạn không có thời gian để ăn, và cảm giác đói sẽ xuất hiện và khiến bạn khó chịu.
Có một số hoạt động nhất định mà bạn không nên làm khi cơ thể đang ở trạng thái ‘ít nhiên liệu’. Những điều này có thể khiến bạn bất ngờ, vì nó có thể dẫn đến một số hậu quả không mong muốn, chuyên gia sức khỏe David Wolfe giải thích trên trang web của mình.
Ví dụ, bạn có thể bắt đầu cảm thấy cồn cào, mất sức chịu đựng và năng lượng trong bất cứ việc gì bạn đang làm hoặc thực hiện một số quyết định bốc đồng vì đói. Dù bằng cách nào, bạn có thể hối tiếc khi thực hiện một số nhiệm vụ với chiếc bụng rỗng.
Theo huấn luyện viên sức khỏe người Mỹ Isadora Baum, cảm giác đói chắc chắn có thể cản trở khả năng làm việc hiệu quả hoặc hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào của bạn.
Baum viết trên tạp chí Mỹ Bustle: "Ngoài ra, đôi khi thực hiện các hoạt động cụ thể khi bụng đói hoàn toàn có thể phản tác dụng và khiến mọi người cảm thấy tội lỗi hoặc bực bội vì các quyết định họ đưa ra".
Dưới đây là 7 điều bạn không nên làm khi đói – lúc bạn chưa có tâm trí tốt nhất để suy nghĩ hoặc hành động theo lý trí.
1. Đi chợ
"Bạn không bao giờ nên đi chợ mua thức ăn khi bụng đói. Điều này sẽ khiến bạn mua rất nhiều đồ ngọt hoặc đồ nhiều carb mà bạn thèm ăn vào thời điểm đó", chuyên gia thể dục và huấn luyện viên người Mỹ Sterling Graham nói với Bustle. Thay vào đó, hãy ăn một bữa ăn nhẹ trước khi đi mua sắm để tránh mua sắm một cách bốc đồng.
2. Uống trà hoặc cà phê
Wolfe khuyến cáo không nên uống trà hoặc cà phê khi đói, vì điều này có thể gây ra sự khó chịu về tiêu hóa bằng cách tạo ra lượng axit dư thừa trong cơ thể. Điều này không may có thể dẫn đến nôn mửa hoặc táo bón, Wolfe nói thêm. Thay vào đó, khi uống trà hoặc cà phê, hãy ăn thêm một món ăn nhẹ nào đó.
3. Uống một số loại thuốc
Wolfe cũng khuyến cáo không nên uống một số loại thuốc khi đói vì nó có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày hoặc dẫn đến buồn nôn. Có những loại thuốc sẽ ghi rõ trên bao bì là có cần uống trong khi ăn hay không. Tuy nhiên, để chắc chắn, hãy hỏi kỹ ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về thời điểm bạn nên uống thuốc.
4. Tập thể dục
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học và Y học Thể thao giải thích rằng tập luyện khi đói có thể hạn chế hiệu suất và tiềm năng đạt kết quả tốt nhất của bạn. Hãy chú ý đến cảm giác của chính mình. Tập luyện lúc đói có thể khiến bạn cảm thấy cạn kiệt năng lượng. Nếu vậy, hãy ăn gì đó trước khi tập. Bạn sẽ cần sức bền để vượt qua các thử thách trong phòng tập.
5. Ăn đồ ăn cay
Bác sĩ Lisa Ganjhu, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Trung tâm Y tế NYU Langone, nói với Huffington Post rằng ăn đồ cay khi đói có thể là vấn đề đối với niêm mạc dạ dày và có thể dẫn đến khó chịu. Cơ thể bạn cần có thức ăn trong bụng để trộn với các món cay để tránh bị kích ứng.
6. Uống rượu
Khi bạn uống rượu bia khi đói, cồn sẽ ‘tấn công’ bạn nhanh hơn. Kết quả là rượu dễ khiến bạn say và càng đói hơn. Dù thế nào, rất có thể bạn sẽ có những lựa chọn tồi. Hơn nữa, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Rượu và Nghiện rượu, nồng độ leptin (hormone kiểm soát cơn đói) giảm 30% sau khi uống ba ly rượu.
7. Tranh cãi
Nếu bạn đang đói, đừng tranh cãi với bất cứ ai: Mọi chuyện sẽ không có kết quả tốt đẹp. Thay vào đó, hãy dành thời gian cho bản thân để bình tĩnh lại, ăn nhẹ, và sau đó tiếp cận tình huống với một cái đầu tỉnh táo và cái bụng no.
Theo Tiến sĩ Brad J. Bushman, một nhà nghiên cứu về cơn giận dữ, bộ não cần ‘nhiên liệu’ để thể hiện sự tự chủ và suy nghĩ hợp lý. Hãy ăn no và tránh cãi vã cho đến lúc đó.
Nếu cơ thể báo hiệu bạn đang cần ăn, bạn có thể muốn dừng làm bất kỳ điều gì trong số những điều này. Khi bạn ăn no, bạn sẽ có thể tiếp cận tình huống với suy nghĩ rõ ràng hơn.
(Nguồn: Bustle)
Theo soha.vn