Pha sữa sai cách dẫn tới khá nhiều hệ quả khôn lường. Đó là việc bé không nhận đủ chất dinh dưỡng từ sữa bột và phải đối mặt với các nguy cơ sức khỏe như đau bụng, tiêu hóa kém...
Cùng nhìn lại 4 sai lầm cơ bản khi pha sữa cho con mà nhiều ông bố bà mẹ bỉm sữa vẫn mắc phải:
Pha sữa quá đặc/quá loãng
Cộng đồng mạng Trung Quốc từng chia sẻ rầm rộ câu chuyện về một trường hợp sai lầm đáng tiếc của cha mẹ khi nuôi trẻ sơ sinh năm 2016. Theo đó, muốn con trai nhanh tăng cân, mỗi lần pha sữa, ông bố trẻ họ Wang cố tình bỏ thêm, pha nhiều hơn vài thìa sữa bột so với công thức chuẩn. Sau một thời gian liên tục như vậy, con trai anh Wang chẳng những không tăng cân mà còn thường xuyên bị trớ, chán ăn, gương mặt kém hoạt bát, tươi tỉnh.
Sau đó, các bác sĩ cho biết, con trai anh Wang đã phải uống sữa quá đặc trong một thời gian dài, gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, phá hủy tế bào, cụ thể là gây viêm ruột. Nếu để tình trạng này kéo dài, đứa trẻ có thể bị sốt, tiêu chảy ra máu, thậm chí đe dọa tính mạng.
Nhiều bố mẹ cứ nghĩ rằng, con uống sữa đặc hơn so với liều lượng nhà sản xuất khuyên dùng sẽ hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng, mau tăng cân và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ hết sức sai lầm. Trẻ mới sinh hệ tiêu hóa còn non nớt mà uống sữa công thức pha quá đặc trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, phá hủy tế bào, cụ thể là gây viêm ruột.
Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, bé sẽ bị sốt, tiêu chảy ra máu, thậm chí đe dọa tính mạng. Thêm nữa, thận của trẻ nhỏ ở những năm tháng đầu đời còn rất yếu nên việc sử dụng sữa quá đặc cũng khiến cơ thể bị mất nước và thận phải làm việc quá tải, lâu dần dẫn đến tình trạng suy thận.
Vậy nên, nếu các mẹ không đủ sữa cho bé và bé phải uống sữa ngoài thì cần đặc biệt chú ý pha đúng với công thức hướng dẫn trên sản phẩm. Tránh việc pha sữa quá đặc khiến bé dễ bị táo bón, chán ngán việc uống sữa và còn có thể dẫn đến các bệnh đường ruột vô cùng nguy hiểm khác. Hay việc pha sữa quá loãng thì bé sẽ không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển.
Pha sữa bột bằng nước đun sôi
Pha sữa theo cách này sẽ làm mất các chất dinh dưỡng có trong sữa như protein, vitamin… do bị phân giải dưới nhiệt độ cao. Ngược lại, nếu các mẹ pha sữa với nước lạnh thì sữa lại không đủ độ chín và không thể hòa tan được hết chất dinh dưỡng có trong sữa.
Do đó, nhiệt độ tốt nhất để bảo toàn chất dinh dưỡng trong sữa khi pha là 40 – 50 độ C. Một số loại sữa của Nhật Bản dành cho trẻ từ 0 – 9 tháng tuổi còn yêu cầu pha ở mức 70 độ C sau đó mới đổ thêm nước lạnh ở để trung hòa.
Cho trẻ uống thuốc cùng sữa
Để đảm bảo an toàn, bố mẹ chỉ nên cho bé uống thuốc bằng nước lọc. Sữa hòa lẫn với một số loại thuốc như erythromycin hoặc các loại kháng sinh khác sẽ phá hủy thành phần dinh dưỡng của sữa, thậm chí gây ra tác dụng phụ và các nguy cơ sức khỏe khác. Mẹ chỉ nên cho con uống sữa với các loại thuốc được khuyến cáo như thuốc hạ sốt.
Bảo quản sữa trong phích
Đây là một sai lầm rất phổ biến khác nữa của các mẹ khiến con bị đau bụng, tiêu chảy. Thực tế, sữa mà đem bảo quản ở phích trong thời gian dài như vậy nếu gặp nhiệt độ thích hợp sẽ khiến vi khuẩn nhân lên gấp hàng chục lần. Lúc này thứ trẻ uống vào không phải là dưỡng chất từ sữa mà là một đống vi khuẩn có hại.
Clip: Khi trẻ bị sốt cao, mẹ chăm con như thế nào để nhanh khỏe trở lại?
Theo Sohuutritue.net.vn