Nhắc đến những bức tranh chân dung nổi tiếng thế giới, có lẽ chẳng ai lỡ bỏ quên cái tên đình đám "Nàng Mona Lisa" của danh họa Leonardo da Vinci. Điểm đáng chú ý của bức tranh này chính là nụ cười của nhân vật tiêu đề.
Giữa không gian sáng tối lập lờ, nàng Mona Lisa nhìn thẳng bằng cặp mắt hút hồn nhưng nụ cười lại vô cùng khó hiểu. Suốt hàng thế kỷ, người ta đã tranh cãi dữ dội về cảm xúc trên gương mặt nàng, đó là một gương mặt an tường, dễ gần hay bộc lộ sự tham vọng, chế giễu, khinh miệt?
Thậm chí các nhà phê bình còn tốn bao nhiêu giấy mực chỉ để phân tích xem liệu Mona Lisa có thực sự cười hay không.
Bức tranh "Nàng Mona Lisa" được Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ năm 1503 và phải tới năm 1519 mới hoàn thành. Ảnh: Bảo tàng Louvre
Với lòng ngưỡng mộ tác phẩm gốc, họa sĩ Trung Quốc Lãnh Quân đã tạo nên bức tranh "Mona Lisa - thiết kế nụ cười" (蒙娜丽莎 - 关于微笑的设计) với một nàng Mona Lisa phong cách phương Đông.
Tháng 5/2021, bức tranh "Mona Lisa - thiết kế nụ cười" được đấu giá trong phiên đấu giá mùa xuân của China Guardian, thu về con số cao ngất ngưởng 80,5 triệu NDT (tương đương gần 290 tỷ đồng).
Vậy họa sĩ Lãnh Quân rốt cuộc đã làm gì để tái hiện một tượng đài hội họa từ thế kỷ 16?
Tác phẩm "nàng Mona Lisa phương Đông" được một nhà sưu tầm mua với mức giá 80,5 triệu NDT. Ảnh: China Guardian
Mona Lisa của Lãnh Quân là một tác phẩm đi theo phong cách cực thực, thoạt nhìn tưởng như một bức ảnh chụp. Nếu phóng to bức tranh này, người xem sẽ thấy tác giả đã chăm chút kỹ lưỡng cho từng cọng tóc, sợi len hay thậm chí là mạch máu của nhân vật này.
Nàng Mona Lisa phương Đông cũng nở một nụ cười nửa miệng nhưng ánh mắt sáng trong tạo cảm giác nàng là một người phụ nữ tự tin. Nếu nheo mắt lại nhìn tranh hoặc quan sát từ góc nghiêng, người xem có thể cảm nhận thấy sự tươi tắn "giấu kín" trong biểu cảm của người phụ nữ này.
Gương mặt "nàng Mona Lisa" tươi tắn hơn khi nhìn gần. Ảnh: China Guardian
Len là một chất liệu rất khó tái hiện trong các tác phẩm sơn dầu. Ảnh: China Guardian
Lãnh Quân thể hiện sinh động từng sợi tóc của nhân vật. Ảnh: China Guardian
Những ngón tay thanh thoát nhìn thấy rõ cả mạch máu. Ảnh: China Guardian
Nhân vật người phụ nữ trong tranh không có tên thật, nàng được coi là biểu tượng của một người phụ nữ phương Đông hiện đại với vẻ đẹp tự tin, sắc sảo. Nàng còn là đại diện cho cả một phương Đông tương mới của thế kỷ 21.
Sự chân thực và chiều sâu của tác phẩm cực thực này thậm chí còn nằm ngoài phạm trù của nhiếp ảnh, khiến những người xem tranh trực tiếp không khỏi rùng mình.
Lãnh Quân là họa sĩ sơn dầu cực thực có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc.Ông tốt nghiệp Học viện Sư phạm Vũ Hán năm 1984 và từng đảm nhận chức giám đốc của Viện hội họa Vũ Hán. Các tác phẩm của anh được đánh giá như "một bức ảnh chụp có hồn" với chiều sâu và các chi tiết cực kỳ chân thực.
Cùng nhìn ngắm một số tác phẩm cực thực của họa sĩ Lãnh Quân:
Tác phẩm "Chân dung của những chân dung - Hiếu Giang". Ảnh: Sohu
Tranh sơn dầu "Mỹ nhân soạn". Ảnh: Sohu
Tác phẩm "Chân dung". Ảnh: Sohu
Lãnh Quân vẽ cô người mẫu Tiểu La, người sau này trở thành vợ của ông. Ảnh: Sohu
Theo soha.vn