Hạnh từng là khoa khôi tại một trường đại học, ra trường làm nghề dẫn chương trình tự do. Cô cưới chồng được 2 năm nay, là một đồng nghiệp làm nghề truyền thông sau khi chia tay mối tình sinh viên kéo dài 8 năm. Chồng Hạnh được mọi người cơ quan hết mực khen ngợi tuy ít nói nhưng hiền lành, tốt bụng, chân thành, lễ phép với người lớn tuổi. Ngày đó, Hạnh chọn người này cũng vì những đức tính đó.
Thời gian đầu, Hạnh đã rất hạnh phúc với chồng từng là đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Internet |
Ngày cưới, nhiều người xì xầm cô như “chuột sa hũ nếp” vì lấy được người chồng vừa tốt tính, gia đình bên chồng khá giả, địa vị. Thật vậy, ngay cả sau khi cưới, nhiều người bù đầu vào công việc nhà, việc con cái thì Hạnh vẫn được chồng đối xử như nàng công chúa trong tủ kính: Đòi gì được nấy, từ chuyện tiền bạc sinh hoạt, mua son phấn, quần áo, trợ cấp gia đình nhà vợ… Sợ Hạnh cực khổ, chồng thuê osin giúp đỡ công việc nhà.
Do ngày xưa từng đi thi các cuộc thi sắc đẹp ở trường học, lại làm công việc dẫn chương trình, nên cô dành nhiều thời gian chăm chút bề ngoài. Trong khi đó, chồng Hạnh lại có bề ngoài xuề xòa, giản dị, cục mịch đến nỗi đi ra ngoài không ai biết anh là con nhà khá giả.
Không những ngoại hình, mà tính cách giữa cô và chồng cũng đối lập nhau: Người phóng khoáng, hướng ngoại, nhiều bạn bè, người quen còn người thì lầm lì, ít nói. Nhất là mỗi lần thấy vợ son phấn, diện đồ đi chơi cùng đám bạn “trẻ trâu”, tuy anh không nói gì nhưng im lặng lên phòng nằm.
Cảm thấy hai vợ chồng có sự khác biệt, Hạnh cố gắng thay đổi để gần gũi chồng hơn. Cô hạn chế tụ tập bạn bè mỗi cuối tuần, ăn mặc kín đáo hơn, giảm nhuộm tóc, quần áo bớt lòe loẹt… để hợp với sự chín chắn của chồng. Cô nghĩ, sự thay đổi của mình là cần thiết để chung sống suốt đời với một con người.
Tuy nhiên, sau năm đầu chung sống, cô phát hiện cuộc hôn nhân chính là cánh cửa giam lỏng cuộc đời mình. Càng ngày, chồng càng hiện rõ là người đàn ông ghen tuông, cục súc với vợ - khác hẳn với chiếc mặt nạn thật thà anh mang khi gặp người ngoài.
Thời yêu đương, anh dễ tính, xuề xòa bao nhiêu thì khi cưới về một thời gian, anh càng khó chịu, ghen tuông, tiểu tiết bấy nhiêu. Do làm chung, biết về quá khứ yêu đương 8 năm với người yêu cũ, nên mỗi khi cô mắc lỗi, chồng đem chuyện cũ ra đay nghiến.
Có lần, trong lúc gây nhau, anh ta còn cố tình lối chuyện cô trao “cái ngàn vàng” cho người yêu cũ để dằn vặt Hạnh, trong khi thời trai trẻ anh cũng từng ngủ với vài cô khác. Do có nhan sắc, trước khi có chồng cô được nhiều người theo đuổi, nên mỗi khi nghe ai chọc ghẹo về chuyện tình cảm của vợ khi độc thân, anh về ghen tuông lồng lộn với cô.
Cưới được 6 tháng, chồng nói công việc cô làm tuy tiếp xúc nhiều người phức tạp, thu nhập lại không bao nhiêu nên thuyết phục cô nghỉ việc ở nhà lo nội trợ, chuẩn bị kế hoạch sinh và nuôi con. Anh còn dỗ dành sau này con lớn, cô đi làm lại vẫn chưa muộn. Hạnh đâu biết đó là quyết định sai lầm của mình. Dần dà, người chồng kiểm tra, kiểm soát Hạnh mọi lúc, mọi nơi, thậm chí anh lắp camera ở nhà để giám sát cô khi đi làm. Chỉ cần cô ra ngoài cửa vài phút, anh liền điện thoại vặn vẹo ở đâu, làm gì, nhắn tin cho ai, nội dung gì. Anh cũng cấm tiệt vợ gặp riêng người khác giới. Sau một thời gian rủ rê nhưng bị từ chối, bạn bè nản không ai gọi nên Hạnh lủi thủi một mình. Thế giới dần dà chỉ còn mỗi chồng.
Người chồng vũ phu biến hôn nhân trở thành bi kịch cuộc đời Hạnh |
Nhiều lần, cô buồn quá liền trái lời anh đi hẹn hò với nhóm bạn gồm cả trai, gái thời đại học. Khi về nhà bất ngờ không có vợ, anh lồng lộn điện thoại, xách xe đi tìm, lôi vợ về trước ánh nhìn ái ngại của mọi người. Về đến nhà, khi cô khóc và cự cãi, anh thẳng tay tát thật đau vào mặt vợ và chỉ mặt vợ tuyên bố cấm cô giao du với những người anh không thích.
Chuyện này không chỉ xảy ra một lần. Lần khác, cô xin phép anh về nhà cha mẹ đẻ ở lại vài ngày nhưng anh không đồng ý, chỉ cho đi ban ngày chứ không được qua đêm. Do đường xa đi 3 tiếng đồng hồ, cô trễ xe nên không kịp về lại, anh cưỡi xe đến đón về trong đêm. Giữa đường, cô quá uất ức đòi xuống thì bị anh bẻ tay, nắm tóc “dạy dỗ” không thương tiếc. Những lúc như vậy, Hạnh khóc thét, người co rúm đau đớn.
Sau mỗi lần bị người chồng vũ phu bạo hành, cô im lặng suốt mấy ngày liền, trong khi chồng qua cơn giận lại quỳ gối van xin. Tính Hạnh dễ mủi lòng, không giận ai quá lâu được. Thấy vợ xuôi, chồng Hạnh tranh thủ ôm hôn xin lỗi, nói yêu cô, dẫn vợ đi mua sắm, du lịch để “đền bù”, rồi mọi chuyện đâu lại vào đó. Vì sĩ diện của cả hai, lại không muốn cha mẹ lo lắng, Hạnh chưa bao giờ hé miệng với ai chuyện cô bị người chồng vũ phu đánh đập nhiều lần.
Trong thâm tâm Hạnh biết cô đã lấy nhầm người, đời cô sẽ tàn tạ dần vì người đàn ông này, nhưng vì nhiều lý do khó nói, cô không thể dứt bỏ. Cô thương anh những lúc cơn ghen tuông không đến, đó là người đàn ông cô mơ ước. Nhưng trong cô cũng thường trực nỗi sợ hãi. Cô sợ khi nói chia tay, chồng sẽ gục ngã, mang hận thù rồi không dám nghĩ những chuyện không tiếp theo. Những lúc vui lẫn buồn, anh đều nhắc nhiều lần câu này với giọng nửa đùa nửa thật: "Em bỏ anh thì hai chúng mình đều chết".
Hiện giờ, không biết phải làm gì với người chồng vũ phu này, Hạnh đành chấp nhận sống cuộc đời bên ngoài tươi vui nói cười, nhưng bên trong héo hắt.