Thay đổi tâm lý khi mang thai và những ảnh hưởng tâm lý từ mẹ bầu đến thai nhi

(lamchame.vn) - Khi mang thai bên cạnh những thay đổi về ngoại hình thì tâm lý của bà bầu cũng có nhiều chuyển biến khác xa so với trước đó. Vậy phụ nữ mang thai thay đổi tâm lý thế nào? Nguyên nhân của những thay đổi tâm lý này là gì?

Mang thai là khoảng thời gian tuyệt vời và quý giá nhất của các chị em phụ nữ. Thế nhưng đôi khi, bạn vẫn chưa quen được với những thay đổi về vóc dáng, sắc mặt hay những cơn thèm ăn, chán ăn, cùng với những thay đổi tâm lý khi mang thai.

Phụ nữ mang thai thay đổi tâm lý thế nào?

- Cáu gắt: Bỗng nhiên những chuyện rất bình thường cũng khiến bạn dễ cáu gắt. Bạn dễ dàng khó chịu với những chuyện nhỏ nhặt mình gặp và dễ dàng nổi nóng với mọi người xung quanh.

- Dễ xúc động: Ngay cả những chuyện không hề to tát cũng khiến bạn rơi nước mắt. Nhưng những cơn xúc động này cũng nhanh chóng qua đi.
 

 

- Tâm trạng bất thường: Khi mang thai, phụ nữ thường có những cảm xúc lẫn lộn, đó là do những thay đổi trên cơ thể cũng như những thay đổi sắp xảy ra trong cuộc sống. Một phút trước bạn còn cảm thấy vui vẻ, phút sau bạn đã lại buồn chán tột độ. Hôm nay, bạn muốn sơn phòng bé màu vàng; ngày mai bạn lại muốn căn phòng phải là màu xanh.

- Nhạy cảm với những lời chỉ trích: Bạn có thể cảm thấy và cho rằng bản thân đang là trung tâm của sự chỉ trích trong khi thực tế lại không phải vậy. Trở nên cực kỳ nhạy cảm và dễ tổn thương là một trạng thái thông thường mà phụ nữ mang thai có thể trải qua.

- Khó tập trung, trí nhớ giảm: Nhiều khi đầu óc bạn lan man hết từ vấn đề này đến vấn đề khác, mà không thể tập trung như trước khi mang thai.

- Hay lo lắng: Bạn thường xuyên quẩn quanh những suy nghĩ như: Liệu con có khỏe mạng không? Con có phát triển bình thường không? Con có thoải mái bên trong bụng mẹ không?...

Nguyên nhân của những thay đổi tâm lý khi mang thai

- Sự thay đổi của hormon: Khi mang thai, chị em phụ nữ sẽ có lượng hormon biến động thường xuyên trong cơ thể như: Sự thay đổi của nội tiết tố Hcg trong cơ thể mẹ bầu, lượng estrogen ở giai đoạn này bị giảm sút. Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới những thay đổi tâm lý khi mang thai.

- Cảm giác khó chịu do cơ thể thay đổi: Phụ nữ mang thai thường gặp rất nhiều thay đổi khó chịu trong cơ thể như: Ốm nghén, buồn nôn, táo bón, đau lưng, rạn da, hay nỗi ám ảnh tăng cân... Điều đó khiến bạn căng thẳng, và không thể vui vẻ, thoải mãi được.

- Mẹ bị mất ngủ thường xuyên khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng.

- Từ các vấn đề phát sinh trong cuộc sống và công việc: những rắc rối mà bạn có thể gặp phải trong cuộc sống mà không thể giải quyết được. Hay trong thời gian mang thai những thay đổi về thể chất khiến bạn lo lắng không thể hoàn thành công việc được giao cũng là nguyên nhân khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng.

- Lo lắng về chuyện sinh nở: Trong giai đoạn cuối thai kỳ, khi mà ngày càng kề cận tới thời khắc sinh con đã khiến không ít chị em trở nên hoảng sợ. Sợ đau đẻ, sợ việc sinh nở có điều gì bất thường... Đây luôn là nỗi lo thường trực trong tâm trí của các bà mẹ đang mang thai trong gian đoạn cuối thai kỳ.

Tâm lý của phụ nữ mang thai ảnh hường gì tới thai nhi

Khi mang thai, giữa mẹ và con có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu bạn cảm thấy không vui, thì bé có thể cảm nhận được điều đó. Nếu trong giai đoạn này bạn để tính trạng căng thẳng, lo âu, stress kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lí của bé sau này. Sự lo lắng, sự trầm cảm của mẹ làm giảm các hoạt động như ăn uống, nghĩ ngơi, mất ngủ gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé và ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của mẹ. Chính vì vậy, trong thời gian thai kỳ, mẹ bầu nên giữ tâm trạng vui vẻ, tránh làm việc quá sức dẫn đến căng thẳng, stress.

Những cách giúp bạn cải thiện tâm trạng khi mang thai

- Tập thể dục nhẹ nhàng như: Bơi lội, đi dạo, các hoạt động giúp cơ thể thư giãn như ngồi thiền, yoga hay hít thở sâu… Các bài tập thể dục trong thai kỳ sẽ giúp bạn hạn chế cảm giác khó chịu trong người, và giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn.

- Bạn không nên làm những công việc nặng nhọc, mà bạn nên chia sẻ những công việc hàng ngày với người thân trong gia đình để giảm gánh nặng công việc trong thời gian mang thai nhất là ở cuối thai kỳ.

- Tranh thủ nghỉ ngơi khi có điều kiện, vì cơ thể càng được thư giãn thì trạng thái căng thẳng sẽ càng giảm.

- Hãy chia sẻ với chồng, bạn bè, người thân trong gia đình hoặc bác sĩ của bạn những gì bạn đang gặp phải và nỗi lo âu mà bạn đang có.

- Bạn có thể xem những bộ phim hài hước, vui nhộn hoặc nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, êm dịu, tạo cảm giác thư giãn, suy nghĩ lạc quan, vui vẻ.

- Dành thời gian tìm hiểu về thai kỳ và các vấn đề có liên quan đến chuyện sinh nở, chăm sóc em bé. Qua sách báo, trang web hoặc tham dự lớp học tiền sản nếu có điều kiện… để hiểu hơn về những gì đang diễn ra trong cơ thể mình ở từng thời kỳ. Như vậy cũng giúp bạn bớt những lo lắng, căng thẳng không tốt. Nhưng việc tham khảo quá nhiều thông tin hoặc thông không chính xác cũng có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn. Bởi vậy, bạn nên cẩn trọng trong việc chọn nguồn thông tin.

Những thay đổi tâm lý khi mang thai là không thể tránh khỏi, dù chúng có khiến mẹ trở thành một con người khác hẳn mẹ trước đây thì mẹ cũng không cần phải quá lo lắng vì đó là điều tất yếu. Mong rằng các cảm xúc tiêu cực sẽ được giảm thiểu thay vào đó là sự lạc quan, yêu đời, hạnh phúc luôn tràn ngập trong lòng tất cả bà mẹ mang thai. Cuối cùng chúc các bạn một thai kỳ khỏe mạnh!

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU