PGS.TS Trần Thành Nam. (Ảnh: NVCC)
Theo PGS, việc cha mẹ định hướng rèn luyện con ngay từ lớp 6, thậm chí lớp 1 để vào trường chuyên không còn phù hợp với tư tưởng giáo dục hiện đại. Họ đang gây nhiều áp lực không cần thiết, làm trẻ mất cân bằng cuộc sống, không để tâm hoặc có không gian để vui chơi giải trí, phát triển các kỹ năng mềm
Một học sinh có năng khiếu khi học lớp thường sẽ dễ dàng nhìn nhận và phát huy điểm mạnh của mình. Nhưng khi học trong môi trường chuyên giữa muôn vàn người giỏi, học sinh này có thể cảm thấy năng khiếu của bản thân không có gì nổi trội, thậm chí không đạt chuẩn và trở nên chán nản.
Phụ huynh cũng không nên thần thánh hoá trường chuyên hoặc gạt bỏ tư tưởng "sính" chuyên để tránh gây ra những hệ quả khôn lường.
Học sinh cũng nên xác định rõ mục tiêu khi vào trường chuyên, nên tự hỏi bản thân có thực sự muốn học tập, phát triển tại môi trường như vậy hay không trước khi lao vào ôn luyện và đăng ký dự thi 2-3 hay thậm chí 4 trường chuyên cùng lúc.
Với kinh nghiệm tư vấn tâm lý, ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận, áp lực thi cử của học sinh chủ yếu là do phương pháp dạy và học hiện nay. Người dạy theo một phương pháp nhưng mỗi học trò lại có phương pháp học và ghi nhớ khác nhau.
Ở thời điểm nước rút, ông Sơn lưu ý, với các môn tự nhiên, thí sinh chỉ nên dành thời gian để xem lại công thức, các dạng đề còn chưa vững, không nên học ngày, học đêm đến kiệt sức. Với các môn xã hội, các em nên ôn, nắm chắc kiến thức nền tảng, cách ôn và học thuộc lòng, hay theo văn mẫu như mô hình của các trung tâm luyện thi.
“Học sinh cần có kỹ thuật học theo cách tiếp thu ưu điểm để nâng cao sức khỏe trí tuệ của mình. Bên cạnh đó các em cần chú ý đến sức khỏe cảm xúc để có tâm lý ổn định trong kỳ thi. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lựa chọn giúp con trường vừa sức, không nên chạy đua thi cùng lúc 3 - 4 trường để tránh tự tạo áp lực cho con”, ông Sơn đưa lời khuyên.