Thói quen rất phổ biến nhưng vô cùng hại huyết áp, đường huyết: Bạn có đang mắc phải?

Thói quen này rất thường gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay nhưng lại có nhiều tác hại cho sức khỏe.

Thói quen xấu đôi khi rất khó bỏ, và khi đã được thực hiện trong thời gian dài, các thói quen này thậm chí còn khó dứt hơn.

Thức khuya là một trong những thói quen xấu của nhiều người hiện đại, trong đó có dân văn phòng, học sinh, sinh viên. Khi cuộc sống trở nên bận rộn, đôi khi mọi người thức khuya để học tập, làm việc, hoàn thành những việc dang dở.

Ngoài ra, cũng có nhiều người trẻ thức khuya để thực hiện các hoạt động thư giãn, ví dụ như xem phim, đi chơi với bạn bè...

Có lẽ bạn đã đọc quá nhiều thông tin về tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc. Nếu điều đó vẫn chưa thuyết phục bạn đi ngủ sớm, thì dưới đây là 7 tác hại của thức khuya có thể bạn chưa biết.

7 tác hại của thức khuya

1. Thức khuya có liên quan đến tăng huyết áp

Trong một nghiên cứu năm 2013 đăng trên tạp chí Chronobiology International, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người thức khuya có nguy cơ bị cao huyết áp cao hơn 30% so với những người ngủ sớm và dậy sớm hơn vào buổi sáng.

Phó Giáo sư, Bác sĩ Andrew Varga, chuyên gia về y học giấc ngủ tại Trường Y Icahn và Hệ thống Y tế Mount Sinai (Mỹ), nói rằng các thói quen như ăn uống không lành mạnh hoặc ít vận động có thể góp phần làm tăng khả năng cao huyết áp của cú đêm. Căng thẳng cũng có thể khiến huyết áp tăng cao hơn.

2. Cú đêm ít có khả năng tập thể dục hơn

Ảnh minh họa một người đàn ông chạy bộ.

Theo một nghiên cứu đăng tải năm 2014 trên tạp chí Sleep, các cú đêm cho biết họ gặp khó khăn hơn trong việc sắp xếp thời gian để tập thể dục và duy trì lịch trình tập thể dục thường xuyên.

Những người tham gia nghiên cứu không hề lười biếng; họ là những người trưởng thành vận động trung bình 83 phút mỗi tuần. Tuy nhiên, thức dậy muộn hoặc thức khuya khiến việc tập thể dục có vẻ khó khăn hơn nhiều.

Hầu hết các chuyên gia về thể dục đều đồng ý rằng thời gian tốt nhất trong ngày để tập thể dục là khác nhau đối với mọi người, phụ thuộc vào lịch trình và sở thích của mỗi người.

Nhưng việc dậy sớm và tập thể dục sáng sớm cũng có lợi thế: Tập thể dục buổi sáng có thể cung cấp cho bạn năng lượng để giúp bạn vượt qua ngày dài và thói quen của bạn sẽ không bị trật nhịp nếu có điều gì đó bất ngờ xảy ra sau đó.

3. Ăn khuya có thể dẫn đến tăng cân

"Khi mọi người đi ngủ muộn, họ sẽ có nhiều hoạt động - và một trong những điều họ thường làm là ăn", bác sĩ Varga nói. "Nếu giờ đi ngủ của bạn là 3 giờ sáng, có thể bạn sẽ ăn vào khoảng 11 giờ tối hoặc nửa đêm và điều đó được biết là ảnh hưởng xấu tới cách cơ thể xử lý và chuyển hóa thức ăn".

Một số chuyên gia tin rằng ăn khuya làm gián đoạn thời gian nhịn ăn buổi đêm tự nhiên của cơ thể, điều này có thể cản trở khả năng đốt cháy chất béo. Cú đêm cũng thường tiêu thụ nhiều calo hơn mỗi ngày so với những người dậy sớm, theo một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Béo phì. Lý do có thể là vì ý chí nhịn ăn giảm bớt khi bạn trở nên mệt mỏi và chúng ta có xu hướng thèm ăn những thức ăn không tốt cho sức khỏe vào đêm khuya.

4. Cú đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn

Ảnh minh họa một người đàn ông tự đo đường huyết.

Bệnh tiểu đường loại 2 là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng tin tốt là thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa bệnh. Thế nhưng, cú đêm thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.

Đối với những người đã mắc tiểu đường, thức khuya có thể khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn. Một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Diabetes Care cho thấy đối với những người mắc tiểu đường loại 2, đi ngủ muộn hơn có liên quan đến việc kiểm soát đường huyết kém hơn.

Chuyên gia Knutson, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: "Chúng tôi biết rằng thời lượng ngủ của bạn rất quan trọng, nhưng nghiên cứu này cũng cho thấy rằng thời điểm bạn ngủ cũng rất quan trọng".

Một nghiên cứu khác ở những người mắc bệnh tiểu đường cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc thức khuya và mức cholesterol không tốt cho sức khỏe.

5. Cú đêm ngủ ít hơn

Cú đêm cũng có xu hướng ngủ ít hơn những người ngủ sớm, dậy sớm. "Nếu bạn không thể chìm vào giấc ngủ cho đến 2 hoặc 3 giờ sáng và bạn phải làm việc lúc 9 giờ, bạn sẽ không thể có được giấc ngủ chất lượng mà bạn cần", bác sĩ Varga nói.

Những cú đêm là dân văn phòng làm việc từ 9h sáng đếm 5h chiều có xu hướng ngủ bù vào cuối tuần. Nhưng nghiên cứu cho thấy kiểu "nợ ngủ" này không hẳn đã tốt - và việc thay đổi lịch trình ngủ vào cuối tuần có thể đi kèm với những rủi ro sức khỏe khác.

6. Thức khuya có liên quan đến trầm cảm và tâm trạng kém

Trong một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Trầm cảm và Lo lắng (Depression and Anxiety), những người hay thức khuya có nhiều khả năng bị trầm cảm và rối loạn lo âu hơn so với những người ngủ sớm.

Những người ngủ muộn cũng có nhiều khả năng thay đổi tâm trạng đáng kể trong suốt cả ngày hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy mối liên hệ giữa thời gian đi ngủ và trầm cảm có thể đặc biệt rõ rệt ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu đã gợi ý rằng cú đêm có thể gặp khó khăn hơn trong việc điều tiết cảm xúc. Trong một nghiên cứu năm 2017 trên Tạp chí Nhịp điệu Sinh học, các nhà khoa học phát hiện ra rằng cú đêm có nhiều khả năng kìm nén cảm xúc của mình hơn so với những người thích hoạt động vào buổi sáng.

7. Thức khuya liên quan đến việc sử dụng rượu và thuốc lá

Thức khuya thường đi đôi với các hành vi không lành mạnh khác, ví dụ, những người thường xuyên thức khuya có xu hướng uống rượu và hút thuốc lá nhiều hơn những người đi ngủ sớm.

Tất nhiên, điều đó không đúng với tất cả cú đêm và cũng không có bằng chứng nào cho thấy thức khuya thực sự dẫn đến những hành vi này.

Knutson giải thích: "Không rõ thức khuya là nguyên nhân hay kết quả của những vấn đề về lối sống khác. Trên thực tế, nếu bạn thức khuya vì không thể ngủ được, thì những hành vi không lành mạnh này có thể là một phần của vấn đề".

Tuy nhiên, cú đêm cũng có những điểm cộng

Có một số lợi ích nếu bạn là cú đêm một cách tự nhiên. Cú đêm có xu hướng có quan hệ xã hội lớn hơn và một số nghiên cứu đã phát hiện ra họ năng suất và sáng tạo hơn người dậy sớm. Một nghiên cứu năm 2011 thậm chí còn cho thấy cú đêm có mức độ nhận thức cao hơn, mặc dù họ có xu hướng đạt điểm kém hơn trong bài kiểm tra về khả năng học tập.

Bác sĩ Varga cũng chỉ ra rằng nhiều cú đêm có cuộc sống khỏe mạnh và cần có thêm nghiên cứu để xác định hậu quả thực sự của việc thức khuya.

Ông nói: "Dữ liệu thực sự về điều này không mạnh lắm, và phần lớn được suy ra từ những người thức khuya rất nghiêm ngặt, ví dụ như những người làm việc theo ca. Vẫn chưa rõ nguy cơ ở những người chỉ thức khuya vài tiếng là như thế nào".

(Nguồn: Health)

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU