Tôm hùm đất (hay còn gọi là Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish) là loại tôm đang được nhiều người Việt Nam ưa chuộng, thời gian trước đây giá trị của nó thậm chí còn lên tới cả triệu đồng một kg.
Loài tôm có giá cả triệu đồng mỗi kg
Hiện nay, nhờ có các đầu mối lớn nhập về từ nước ngoài, mỗi đợt lên tới cả tấn nên giá trị của tôm hùm đất đã rẻ hơn rất nhiều (khoảng 350.000 - 500.000 đồng một kg).
Thịt tôm có vị ngọt, dai dai giống tôm sú và có thể nấu lẩu, làm món sốt, hấp chấm muối tiêu chanh hoặc rim với khoai tây, bắp và được nuôi ở hơn 20 quốc gia (Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc...).
Thế nhưng loài tôm này lại bị cấm sản xuất, phát triển hay kinh doanh tại Việt Nam vì trong Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường, tôm hùm đất được xếp vào nhóm ngoại lai có khả năng xâm hại.
Tôm hùm đất rất được ưa chuộng. Ảnh: Coastal Living
Hiện nay tại Việt Nam, nơi duy nhất được cấp phép nhập tôm hùm đất là Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nhưng cũng chỉ dành cho mục đích nghiên cứu. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng của Viện trao đổi với VnExpress.net cho hay.
Việc nuôi "chui" hay kinh doanh đã được Viện khuyến cáo từ nhiều năm nay và Tổng cục thủy sản cũng đã chỉ đạo thu hồi và tiêu hủy những hộ nuôi trái phép. Vậy tại sao loài tôm có giá trị lên tới nửa triệu đồng/1 kg này lại bị cấm nuôi và kinh doanh ở nước ta?
Những mối nguy hại khôn lường từ tôm hùm đất
Tôm hùm đất là loài ăn tạp, có thể ăn cả động vật sống, động vật chết lẫn thực vật nên là loài động vật xâm lấn gây phá hoại mùa màng hay phá hủy chuỗi thức ăn, chúng còn đào hang sâu để trú ẩn để lẩn trốn kẻ thù nên có thể làm hỏng nền đất hay gây sói mòn sông, suối.
Tôm hùm đất là món ăn ngon được nhiều người yêu thích. Ảnh: Hotel St Pierre
Khả năng thích nghi tốt với môi trường biến chúng trở thành những sinh vật ngoại lai có hại khi phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.
Khi sống trong môi trường tự nhiên thuận lợi, tuổi thọ của một con tôm hùm đất có thể lên tới 30 năm. Thậm chí sức sống của loài tôm này càng mãnh liệt hơn với khả năng tái sinh lại chân hay càng nếu chúng bị đứt trong các cuộc chiến.
Nguy hiểm hơn, nếu ăn sống thì con người có thể bị một loại giun nguy hiểm tấn công vào phổi, loài giun này thường sống ký sinh trong đầu tôm đất. Đó là cảnh bảo mà các bác sĩ tại Trường Y của Đại học Washington, St. Louis, Mỹ đưa ra.
Tôm hùm đất đào hang trốn kẻ thù. Ảnh: Dfwurbanwildlife.com
Theo đó, loài ký sinh trùng có tên Paragonimus kellicotti gây ra sự nhiễm trùng có tên paragonimiasis rất hiếm gặp đã được tìm thấy trong phổi của 6 nạn nhân khi ăn tôm hùm đất sống ở sông Missouri, Mỹ.
Nạn nhân sẽ có triệu chứng như sốt, ho, đau ngực, mệt mỏi và khó thở khi mắc phải bệnh Paragonimiasis, bác sĩ Gary Weil điều trị cho 6 bệnh nhân trên - cũng là chuyên gia bệnh nhiễm trùng của Đại học Washington cho hay.
Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cũng cho biết mỗi năm ở Mỹ có tới 80.000 bị bệnh và 100 người chết do nhiễm bệnh Vibrio, một vi khuẩn ký sinh trên vỏ các động vật có vỏ.
Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy nồng độ thủy ngân cao cũng như các chất hóa học độc hại khác như DDT, PCBs, dioxin... có liên quan tới bệnh ung thư, các bệnh về hệ thần kinh.
Bài viết được dịch từ các nguồn: Michiganradio, Peta2, Wustl.edu
Theo Theo Tri thức trẻ