Trong xã hội hiện đại, trẻ không biết làm những việc vặt trong nhà là điều bình thường có thể là do bố mẹ thương con, muốn con tập trung vào học tập nên không để con làm việc nhà, dù là những việc thông thường nhất như dọn cơm, rửa chén hoặc có những nhà có điều kiện thuê người giúp việc, mọi thứ đã có người giúp việc làm, con cái không phải động tay động chân vào việc gì. Những lý do tưởng như sẽ có lợi cho con nhưng thực ra bố mẹ đang gián tiếp biến con trở thành người lười biếng, thụ động thậm chí không thể tự phục vụ cho bản thân nếu không có bố mẹ bên cạnh.
|
Thay vì bao bọc, chiều chuộng con quá mức, bố mẹ hãy để bé được khám phá, cũng bố mẹ tham gia làm việc nhà để con cảm nhận được sự chia sẻ trách nhiệm khi sống trong môi trường gia đình và tập thể. Để con có thói quen làm việc nhà, trước hết, cha mẹ cần thấy rằng cho con làm việc nhà là cần thiết. Con có biết làm việc nhà mới hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, mới biết thương cha mẹ. Con biết làm việc nhà, tức là biết chia sẻ nỗi khó nhọc của bố mẹ, tình thương cha mẹ lúc ấy không còn là lời nói suông, mà biểu hiện thành những việc làm thiết thực.
Học làm việc nhà, con sẽ biết cách sắp xếp thời gian, sắp xếp công việc cho hợp lý, để có thể làm tốt nhiều công việc trong một quỹ thời gian nhất định. Học làm việc nhà, tức là con sẽ học được những kỹ năng sống hết sức quan trọng và cần thiết phục vụ cho cuộc sống sau này.
|
Chúng ta thường thấy những trẻ biết làm việc nhà, ra đời rất nhanh nhẹn, tự tin và khéo léo, có thể tự thu xếp cuộc sống một cách hợp lý. Khi đến chơi nhà bạn, nhà họ hàng, các con đều linh hoạt, biết cách cư xử, đặc biệt là dễ lấy được thiện cảm của những người lớn tuổi.
Ngược lại, những trẻ không biết làm việc nhà, thường lúng túng, ngượng nghịu, vụng về khi tiếp xúc với người khác, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống tự lập khi không còn sự bao bọc của cha mẹ.
Cha mẹ nên bắt đầu dạy con làm việc nhà từ khi nào? Câu trả lời là: càng sớm càng tốt. Khi trẻ thích cầm cây chổi, khi trẻ muốn rửa chén, khi trẻ muốn nhặt rau, có khi từ 2-3 tuổi, hãy để cho trẻ làm. Ban đầu, hãy coi như đó là một trò chơi để cha mẹ cùng chơi với bé, sau này có thể giao hẳn công việc cho bé khi con đã biết làm.
Trẻ có thể cắm cơm, nhặt rau, quét nhà, gấp quần áo một cách thành thạo từ 5-6 tuổi. Khi trẻ 7-8 tuổi đã có thể học cách nấu canh, luộc rau, chiên trứng, nấu rau câu, làm một số món ăn đơn giản thông thường. Trẻ từ 12 tuổi trở lên đã có thể nấu một bữa cơm trọn vẹn, rửa chén, lau nhà sạch sẽ, biết giặt đồ, biết đi chợ mua thức ăn, …
|
Nếu không cho con sớm làm việc nhà, tới độ tuổi 13-14 tuổi, bước vào tuổi dậy thì, con sẽ trở nên khó bảo. Khi đó cha mẹ khó có thể uốn nắn, hướng dẫn con tham gia vào các công việc của gia đình.
Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên giục giã, chê bai hay mắng mỏ trẻ khi trẻ làm hỏng việc hoặc chưa biết cách làm. Cha mẹ hãy làm mẫu cho con, khuyến khích con làm việc, hướng dẫn con làm cùng, trong khi trò chuyện vui vẻ. Trẻ cần được khen, được động viên kịp thời, để duy trì hứng thú làm việc. Con cũng cần được tin tưởng, khi cha mẹ đặt niềm tin vào con, con sẽ tự giác làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Khi để con làm việc nhà, bố mẹ cần đảm bảo an toàn cho con. Trẻ cần được hướng dẫn và thực hành các kỹ năng sử dụng đồ dùng trong nhà, đặc biệt là bếp ga, đồ điện như máy giặt, nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng, máy hút bụi, … Khi con làm bất cứ việc gì, cần phải đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu.
Theo sohuutritue.net.vn