Bao bọc con quá đà có ngày cha mẹ ngậm trái đắng

(lamchame.vn) - Tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái là vô tận. Lúc nào trong tâm trí bố mẹ cũng mong con luôn an toàn và tìm mọi cách để đảm bảo con luôn trong tầm ngắm của mình. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học và chuyên gia giáo dục, việc bao bọc con quá mức là yếu tố làm tăng số lượng trẻ em và thanh niên thiếu tự lập, mắc hội chứng rối loạn lo âu, thậm chí không tự chăm sóc được cho bản thân.

Dưới đây là những nguy cơ trẻ có thể gặp phải khi bố mẹ quá bao bọc con:

1. Thiếu tự lập

Hiện nay, khoảng thời gian rảnh trong một tuần của trẻ ít hơn 9 tiếng đồng hồ so với trẻ em cách đây 30 năm. Các hoạt động ngoại khóa như chơi thể thao, học nhạc, học thêm, ... đã chiếm hết thời gian tự do của trẻ. Và khi không tham gia các hoạt động có tổ chức thì trẻ thường sẽ đi chơi cùng cha mẹ, những người không muốn để trẻ tự chơi một mình. Vì thế, phần lớn thời gian trong ngày, trẻ chịu sự giám sát của người lớn như cha mẹ, thầy cô, huấn luyện viên - những người luôn bảo trẻ phải làm gì, vào lúc nào và như thế nào.

Nếu không được phép làm chủ thời gian vui chơi của mình, thì làm sao trẻ có thể làm chủ các mối quan hệ, sở thích và nghề nghiệp của mình khi trưởng thành?

 

2. Trí tưởng tượng nghèo nàn

Có thể con bạn rất ngoan, vui vẻ và cư xử đúng mực nhưng chưa chắc đã giỏi tưởng tượng. Đây chính là hậu quả của những lúc bố mẹ để con dùng thiết bị điện tử và thực tế chúng ta can thiệp quá nhiều và luôn hiện diện trong cuộc sống của con cái; trẻ không có lấy một cơ hội để thoát khỏi thế giới người lớn và bước vào thế giới thần tiên của trẻ. Hơn nữa, việc trẻ thiếu thời gian rảnh rỗi do các hoạt động có tổ chức luôn gồm những phần, hướng dẫn và kết thúc đã được thiết lập trước; các hoạt động này đòi hỏi rất ít khả năng sáng tạo vốn là kỹ năng cần có của những trò chơi có kết thúc mở hơn.

3. Nguy cơ béo phì 

Giáo sư vận động học Jane Clark gọi thế hệ trẻ em ngày nay là “những đứa trẻ đóng thùng.” Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bắt đầu cuộc sống bằng việc bị đặt yên vị vào ghế ngồi trên xe hơi, ghế tập ăn, ghế xem ti-vi và những chiếc xe đẩy. Một số “hình thức đóng thùng” này là cần thiết cho sự an toàn của trẻ, nhưng nó cũng làm trẻ ù lì hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu theo dõi sự vận động của trẻ tập đi, một đứa trẻ 3 tuổi bình thường chỉ vận động 20 phút một ngày!

Dù cha mẹ thường nghĩ con cái luôn tràn đầy năng lượng và mức độ hoạt động của trẻ sẽ tiêu hao năng lượng đó, điều này chỉ đúng khi các rào cản nhân tạo và dư thừa được tháo gỡ, và trẻ được phép tự quyết định và tự do rong chơi theo ý mình. Nhưng khi trẻ được đặt vào một nơi an toàn thì mọi năng lượng vơi dần.

4. Trẻ không đạt được năng lực thể chất toàn diện

Mức độ vận động và hoạt động thấp hơn không những khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh béo phì, mà còn cản trở sự phát triển năng lực thể chất của trẻ. Nghiên cứu cho thấy trẻ càng năng động, kỹ năng vận động của trẻ càng được cải thiện, và môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình này. Lấy ví dụ, các nghiên cứu được tiến hành tại Na Uy và Thụy Điển cho thấy những trẻ hàng ngày chơi đùa ở những nơi gần gũi với thiên nhiên hơn như khu đất gồ ghề, có đá sỏi và cây xanh phát triển khả năng cân bằng tốt hơn, nhanh nhẹn hơn, và vận động nhiều hơn những trẻ chơi đùa trên sân chơi an toàn, bằng phẳng và có tổ chức. Môi trường vui chơi của trẻ càng thử thách và khó đoán, thì năng lực thể chất của trẻ càng được củng cố; rủi ro càng nhiều thì phần thưởng càng lớn.

 

5. Trẻ không sử dụng thành thạo đôi tay

Bên cạnh các kỹ năng vận động toàn cơ thể, trẻ cũng cần học cách sử dụng thành thạo đôi tay của mình. Cũng như năng lực thể chất, trẻ có được khả năng sử dụng đôi tay qua kinh nghiệm trực tiếp bằng cách thật sự điều khiển các công cụ và vật dụng.

Ngày nay, chỉ cần lướt ngón tay là ta có thể làm được nhiều việc, nhưng trẻ vẫn nên học các kỹ năng thực hành kể cả những kỹ năng “nguy hiểm” vốn cần sử dụng bàn tay và cổ tay. Mỗi đứa trẻ khi đến tuổi trưởng thành nên biết cách sử dụng nhà bếp và dao bỏ túi, cách quẹt diêm, đóng đinh, nhóm lửa, v.v.. một cách an toàn.

6. Trẻ thiếu tự tin và các kỹ năng giải quyết vấn đề

Vì trẻ em thời nay gần như luôn chịu sự giám sát của người lớn, nên mỗi khi gặp vấn đề, trẻ luôn có người lớn ở bên để hỏi xin lời khuyên. Ngay cả trong những lúc hiếm hoi khi con cái không ở cùng cha mẹ, cả hai vẫn có thể kết nối qua điện thoại. Nếu nhờ cha mẹ và người lớn quyết định mọi việc thay cho mình, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tự suy nghĩ. Khi phải tự đưa ra lựa chọn, trẻ sẽ dễ chỉ trích và nghi ngờ bản thân thậm chí có “tâm lý bất lực do huấn luyện” khi cảm thấy không còn làm chủ được đời mình. Dĩ nhiên, trẻ em cần những giới hạn và sự hướng dẫn, nhưng trẻ cũng cần tự đặt ra giả thuyết, thử nghiệm quyết định này hoặc quyết định khác và đánh giá các hệ quả của hành vi của mình. 

7. Sợ đối mặt với rủi ro

Cha mẹ luôn ở bên con cái và sẵn sàng cho con lời khuyên vì họ muốn bảo vệ con mình khỏi nỗi đau thất bại. Có thể họ lo rằng một trải nghiệm đáng sợ hoặc đau khổ sẽ làm con cái e sợ các rủi ro trong tương lai hơn. Điều này tạo nên một thế hệ người trưởng thành quá lo sợ rủi ro và nhạy cảm thái quá, những người lưỡng lự không dám đảm nhận bất kỳ công việc nào mà họ không chắc là mình sẽ thành công và suy sụp khi gặp thất bại. Như Sandseter thừa nhận, “nỗi sợ rằng con cái sẽ bị tổn hại bởi những vết thương gần như vô hại có thể tạo ra những đứa trẻ sợ hãi hơn và tăng mức độ rối loạn tâm thần.” Thật ra, những rối loạn tâm thần, từ trầm cảm đến lo âu, đã tăng lên ở giới trẻ có lẽ vì chính lý do này.

 

8. Cha mẹ không tận hưởng được việc nuôi dạy con cái

Dù cha mẹ chỉ có thể chịu trách nhiệm một phần cho tính cách của trẻ, họ lại nuôi dạy con cái như thể họ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Cha mẹ dành thời gian bên con nhiều hơn cả cha và mẹ dành cho con cái cách đây 50 năm. Họ cho rằng nếu họ không thường xuyên ở cạnh con, con sẽ kém thông minh và thích nghi không tốt, hoặc điều gì đó khủng khiếp sẽ xảy ra với con.

Việc duy trì trạng thái liên tục cảnh giác này, sống với mức độ lo lắng mỗi ngày, từ bỏ bạn bè và sở thích cá nhân để đầu tư thời gian rảnh vào việc nuôi dạy con cái, đã biến nuôi con trở thành một công việc nặng nhọc và hút cạn năng lượng của cha mẹ. Cuộc sống gia đình không còn hấp dẫn nữa, vì dường như lúc nào bạn cũng ràng buộc mình vào con cái.

9. Các mối quan hệ và sự tin tưởng trong cộng đồng bị xói mòn

Ngày nay, các phụ huynh gần như chẳng quen biết hàng xóm (để hàng xóm kỷ luật con mình lại càng không) và luôn đề cao cảnh giác với những người khác trong cộng đồng. Mặc dù việc khắc sâu vào tâm trí trẻ ý nghĩ rằng mọi người lớn mà không được cha mẹ kiểm tra đều là mối nguy hiểm tiềm tàng có thể giúp trẻ tránh xa kẻ xấu, điều đó cũng có thể ngăn trẻ tiếp xúc với những người có khả năng cứu trẻ thoát khỏi kẻ xấu. Mặt khác, khi ta nhìn nhau với vẻ ngờ vực, hàng xóm có thể ít sẵn lòng giúp đỡ, vì họ sợ rằng việc tương tác với một đứa trẻ có thể khiến họ trông giống kẻ xấu xa. 

 

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang