Bão số 9 có thể mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15
TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho hay, bão Molave sẽ đi vào Biển Đông trong ngày 26/10 và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020.
Theo ông Khiêm, các phân tích, dự báo hiện nay của Trung tâm cho thấy, bão số 9 sẽ di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.
Bão số 9 có thể gây ra gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 ở Biển Đông; cấp 11-12, giật cấp 14 ở vùng biển ven bờ các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ.
Trên Biển Đông, sóng biển có thể cao từ 8-10 m, vùng ven biển Trung Bộ từ 5-7 m; trọng tâm là khu vực vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Khu vực ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định có thể có nước dâng do bão tới 1 m.
Từ ngày 27/10 đến ngày 29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ (200-350 mm/đợt).
Hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa lớn kéo dài cho các khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to (trên 500 mm/đợt).
TS Mai Văn Khiêm
Ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo, trong thời gian trên, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi khu vực Trung Bộ có nguy cơ xảy ra cao đến rất cao. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến cụ thể của cơn bão rất mạnh này để chủ động phòng tránh.
Còn theo thông tin mới nhất của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tại, vị trí bão số 9 đang ở trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 1 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 350km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 114,0 đến 120,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 1 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 1 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
37 năm lặp lại lịch sử 4 bão, 1 áp thấp ảnh hưởng tới Việt Nam trong tháng 10
Cũng chia sẻ thêm về tình hình mưa bão, TS Mai Văn Khiêm cho rằng, với cơn bão số 9 theo dự báo sẽ đổ bộ vào nước ta thì đây là cơn bão thứ 4 trong tháng 10.
Như vậy tính cả vùng áp thấp trước đó, miền Trung đã phải chịu 5 bão và áp thấp trong tháng này.
"Đây là năm lặp lại năm lịch sử năm 1983 khi tháng 10 có 4 cơn bão và 1 vùng áp thấp", ông Khiêm nói.
Đáng chú ý, theo ông Khiêm, các chuyên gia khí tượng đều cảnh báo khả năng cao bão số 9 sẽ đổ bộ vào nước ta trong khoảng ngày 29/10.
Cụ thể, trước đó, đài khí tượng thủy văn Mỹ dự báo sáng 29/10, tâm bão số 9 có thể tác động vào Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ rõ, nhiều chục năm qua, lịch sử mới lặp lại 1 tháng có 5 cơn bão và áp thấp. Do vậy, cần hết sức cảnh giác.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, chưa bao giờ lịch sử toàn tuyến miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ mưa 3.500mm trong vòng 10 ngày, có nơi 1 tuần.
"7 lưu vực vượt ngập lũ lịch sử, toàn bộ hồ gồm cả thủy điện, thủy lợi đã đầy ắp. Do vậy, với mưa đợt này cần hết sức đề phòng, riêng tuyến hồ cả thủy lợi, thủy điện cần đặt trọng tâm kiểm soát chặt chẽ”, ông Cường nhấn mạnh.
Về cơn bão số 8, theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, sáng sớm 26/10, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8 đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 1 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên vùng ven biển khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu và tan dần.
Trong ngày và đêm nay (26/10), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến 20-50mm.
Theo soha.vn