Tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ và những nguy cơ cần lường trước khi động đến dao kéo

(lamchame.vn) - Hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ là nhu cầu không chỉ đối với các chị em mà nhu cầu làm đẹp của các đấng mày râu cũng không hề thua kém. Thế nhưng, ngoài những lợi ích của việc làm đẹp nhân tạo này mang lại, đã có không ít những hệ lụy sau đó mà chính người được thẩm mỹ phải gánh chịu khi phẫu thuật tại những cơ sở không uy tín.

Hồi tháng 7/2017, vụ việc một người đàn ông ngoại quốc tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ khi thực hiện dịch vụ hút mỡ bụng tại một thẩm mỹ viện ở Sài Gòn đang dậy sóng dư luận.

Được biết, khoảng 11h ngày 19/7/2017 người đàn ông tên Edward Hartley, 53 tuổi, quốc tịch Mỹ vào thẩm mỹ viện Việt Thành với lý do muốn cắt da dư vùng hông lưng sau khi sụt cân khoảng 40 pounds. Ông Thành bác sĩ thẩm mĩ tại viện đã khám và chỉ định phẫu thuật cắt da dư cho người khách này. Đến 16h cùng ngày, ông Edward Hartley trở lại phòng khám để thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi tiêm thuốc mê được khoảng 15 phút ông Edward Hartley có dấu hiệu trụy mạch.

Viện thẩm mỹ Việt Thành. Ảnh: Khánh Trung (Zing).

Ngay sau đó bác sĩ Thành đã tiến hành đặt nội khí quản bóp bóng, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt đường truyền dùng thuốc… để hồi sức tim phổi. Đồng thời, phòng khám điện thoại cho Bệnh viện Trưng Vương đến hỗ trợ hồi sức. Bác sĩ của bệnh viện Trưng Vương đến sau 20 phút và tiếp tục hồi sức tim phổi cho ông Edward Hartley nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân đã tử vong và phòng khám đã báo cơ quan chức năng đến làm việc.

Một trường hợp khác xảy ra vào tháng 8/2017, khi chị S.B.T (22 tuổi, quê Cà Mau, trú tại huyện Hóc Môn, TPHCM) đang mang thai nhưng vẫn quyết định đi nâng ngực và tử vong sau đó do gặp biến chứng.

Hình ảnh trước khi nâng ngực của chị T.

Cụ thể, theo hồ sơ bệnh án của chị T. khi vào bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), trước lúc nhập viện 2 tuần, T. đến đặt túi ngực (dạng Gel) tại bệnh viện Đa khoa V.H. Bệnh nhân và được bác sĩ kê toa thuốc bao gồm thuốc giảm đau, kháng sinh (10 ngày uống) và cho trở về nhà.

Tuy nhiên, đến ngày thay băng cắt chỉ nơi đặt túi ngực của chị T, bất ngờ bị chảy dịch. Bệnh nhân tiếp tục uống thêm 1 viên kháng sinh, tuy nhiên nửa tiếng sau cô xuất hiện thêm triệu chứng khó thở, mệ mỏi, nổi mẩn đỏ. Sau khi thăm khám tại một phòng khám gần nhà mà tình hình không cải thiện nên gia đình đã đưa chị T. đến BV huyện Hóc Môn nhưng tiếp tục được chuyển lên BV tuyến cao hơn bởi đã ở tình trạng sốc nhiễm trùng.

Chị T. sau khi nâng ngực.

18 ngày sau khi thực hiện thủ thuật nâng túi ngực, bệnh nhân S.B.T bị hội chứng suy hô hấp cấp kèm những tình trạng lúc đầu diễn tiến nặng dần, dẫn đến ngưng tuần hoàn hô hấp, hôn mê sâu. Bệnh nhân được các bác sĩ tại bệnh viện Nhân dân 115 tiến hành các biện pháp nhưng bệnh tiến triển nhanh nên không thể cứu chữa.

Bệnh nhân cũng bị sảy thai và gia đình bệnh nhân đã xin về lo hậu sự.

Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nước ngoài tình trạng tử vong do biến chứng sau phẫu thuật cũng xảy ra.

Tháng 9/2017, một phụ nữ đã tử vong sau khi trải qua một ca phẫu thuật nâng ngực “chui” tại một thẩm mỹ viện ở Sydney, Australia.

Jie Shao thực hiện ca nâng ngực khiến Huang tử vong.

Người quản lý cơ sở này là một khách du lịch Trung Quốc mới đến Australia và không được cấp phép thực hiện ca phẫu thuật này. Theo đó, Jie Shao, 33 tuổi đã thực hiện ca phẫu thuật nâng ngực cho Jean Huang, 35 tuổi. Jie đã tiêm gây tê cục bộ và đặt túi độn vào ngực bệnh nhân. Tuy nhiên, tim của Huang đột nhiên ngừng đập và cô tử vong vào ngày 1/9/2017 tại bệnh viện.

Hay như sự việc xảy ra gần đây nhất, Ekaterina Kiseleva 32 tuổi (Nga) tử vong do suy tim trong khi phẫu thuật nâng ngực tại một cơ sở làm đẹp ở thành phố Moskva.

Ekaterina. Ảnh: East2west.

Ekaterina được cho là đã bất chấp sự ngăn cản của gia đình để tiến hành ca phẫu thuật nâng ngực với chi phí hơn 2.500 USD. Bà Evgenia, mẹ của Ekaterina, cho biết gia đình vô cùng đau đớn và tuyệt vọng sau cái chết của con gái.

Thiết nghĩ làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu như muốn làm đẹp bằng việc phãu thuật thẩm mỹ, việc đầu tiên bạn cần làm đó là phải tìm hiểu hết các lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ để có quyết định chính xác.

Dưới đây là một vài biến chứng thường gặp của phẫu thuật thẩm mỹ:

Mất máu

Phẫu thuật thẩm mỹ cũng giống như các loại phẫu thuật khác, việc mất máu cũng là biến chứng hoàn toàn có thể xảy ra. Nguy hiểm hơn là khi mất máu không kiểm soát được có thể dẫn đến tụt huyết áp và thậm chí sẽ gây chết người. Biến chứng này có thể xảy ra ngay trong khi đang trên bàn mổ hoặc bên trong cơ thể sau khi phẫu thuật

Tụ máu

Đây là tình trạng xuất huyết dưới da một túi trông giống như vết bầm tím lớn, gây đau. Hiện tượng này xảy ra với khoảng 1- 6% số trường hợp nâng ngực và là biến chứng phổ biến nhất khi căng da mặt.

Tụ máu là nguy cơ sẽ xảy ra ở các cuộc phẫu thuật, và điều trị đôi khi bao gồm việc sẽ phải phẫu thuật mở để hút máu ra.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là một trong những biến chứng phổ biến nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ dù sau khi phẫu thuật đã thực hiện các bước chăm sóc để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng đối với phẫu thuật ngực xảy ra với khoảng 2-4% số ca làm phẫu thuật.

Đối với những trường hợp nhiễm trùng xảy ra bên trong cơ thể là rất nguy hiểm, cần phải được truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch.

Biến chứng liên quan đến gây mê

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân thường được gây mê để giảm đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Gây mê toàn thân là việc dùng thuốc để bạn ngủ, đôi khi sẽ dẫn đến các biến chứng. Những biến chứng này bao gồm nhiễm trùng phổi, đột quỵ, lên cơn đau tim và tử vong.

Tuy nhiên, phổ biến hơn cả là các nguy cơ liên quan đến gây mê như lú lẫn, mất phương hướng và run chân tay sau khi tỉnh lại. Một biến chứng ít gặp hơn liên quan đến việc gây mê đó là tỉnh lại vào giữa quá trình phẫu thuật.

Tụ dịch

Tụ dịch là tình trạng xảy ra khi huyết thanh tụ lại dưới bề mặt da, dẫn đến tình trạng sưng đau. Tình trạng này giống như những vết phồng rộp lớn.

Tụ dịch có thể xảy ra sau bất cứ loại phẫu thuật này và là biến chứng phổ biến nhất sau khi tiến hành căng da bụng. Vì tụ dịch có thể dẫn đến nhiễm trùng nên phần dịch tụ có thể sẽ được hút ra bằng một ống tiêm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ tái phát.

Tổn thương các cơ quan khác

Hút mỡ có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Việc thủng nội tạng hoặc rò nội tạng có thể xảy ra khi các đầu dò của quá trình phẫu thuật tiếp xúc với các cơ quan nội tạng. Việc xử lý các tổn thương này có thể sẽ lại yêu cầu cần phải tiến hành một cuộc phẫu thuật khác. Các lỗ thủng ở nội tạng cũng có thể sẽ gây tử vong.

Các loại biến chứng muộn sau phẫu thuật một thời gian thường là các vấn đề về phương diện thẩm mỹ. Biến chứng ngực không đều (cao thấp, to nhỏ) thấy sớm sau mổ thường là do phẫu thuật và cũng thường chỉ bộc lộ sau vài tuần đến vài tháng khi đã hết sưng nề.

Co thắt bao xơ là biến chứng muộn hơn có tỷ lệ 3 - 5,5% và thường xuất hiện sau 6 tháng đến 1 năm do nhiều nguyên nhân như do loại túi ngực, do cuộc phẫu thuật hoặc do cơ địa bệnh nhân phối hợp gây ra. Biến chứng co thắt bao xơ không nguy hiểm mà chỉ gây đau và làm ngực cứng, xấu, méo mó, cần phải được can thiệp phá bỏ bao xơ hoặc lấy bỏ túi ngực.

Các biến chứng khác như sẹo xấu (sẹo lồi, sẹo lộ liễu), túi gấp nếp (do đặt túi lớn hơn bao hoặc co bao), sờ thấy túi (do đặt túi nông hoặc teo mô quanh túi), vú có 2 tầng do da thừa hơn túi và chảy xệ... là những biến chứng không phải hiếm gặp, thường ảnh hưởng tới hiệu quả thẩm mỹ và bệnh nhân không hài lòng. Nhiều trường hợp phải phẫu thuật lại nhưng kết quả thường khó đạt như mong muốn.

Theo Vtc, Vnexpress, Anninhthudo, Thời đại, Vietnammoi

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU