1. Uống nước trước
Nghiên cứu chỉ ra rằng, dù bản thân caffein là một chất lợi tiểu nhưng cơ thể bạn có thể điều chỉnh theo một lượng caffein nhất định, qua đó loại bỏ tác dụng gây mất nước của nó.
Nhiều người có thói quen bắt đầu ngày mới bằng một tách cà phê nhận thấy rằng họ không uống đủ nước vào cuối ngày. Nếu bạn cũng như vậy, hãy thử uống một ly nước (khoảng hơn 200ml nước) sau khi thức dậy và trước khi dùng cà phê.
2. Chọn cà phê sạch
Chọn cà phê được rang sấy cẩn thận, không bị xử lý hóa chất. Để cà phê trở thành thức uống lành mạnh hơn cho cơ thể và tâm trí, nên dùng cà phê hữu cơ vì nó không chứa thuốc trừ sâu so với cà phê thông thường khác.
Uống cà phê chất lượng kém không những ảnh hưởng đến tâm trạng hiện tại mà về lâu dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe tim mạch, thần kinh.
3. Nên uống buổi sáng, không dùng sau 2h chiều
Hầu hết mọi người đều có thói quen uống cà phê vào buổi sáng. Tốt nhất là bạn nên thưởng thức tách cà phê thơm ngon sau bữa ăn khi bụng đã có thức ăn lót dạ để tránh bị say cà phê hay triệu chứng sụt giảm mạnh lượng đường trong máu. Chỉ 1-2 ly trong mỗi ngày.
Caffeine có thể kích thích cơ thể của bạn giải phóng đường vào máu, làm cho tuyến tụy xuất ra insulin. Dạ dày rỗng có thể làm giảm lượng đường trong máu và khiến bạn nổi cơn thèm đường.
Nên nhớ không uống cà phê vào buổi chiều muộn vì điều này sẽ khiến bạn khó khăn khi đi vào giấc ngủ ban đêm. Tốt nhất, bạn nên uống cà phê trước 2h chiều để không làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ.
4. Không dùng đường tinh luyện, chất tạo ngọt hay kem nhân tạo
Đường tinh luyện hay chất tạo ngọt nhân tạo đều không tốt cho sức khỏe và số đo vòng eo. Chưa kể, các chất này còn khó tiêu hóa, có thể khiến bạn bị đầy bụng hay nghiêm trọng hơn là gây ra các bệnh như tiểu đường, béo phì.
Bên cạnh đó, nhiều người thích cho một chút kem vào cà phê để tăng hương vị nhưng nó cũng không tốt cho sức khỏe. Kem nhân tạo có thể gây đầy bụng, khó tiêu, có thể chứa nhiều thành phần không có lợi cho số đo vòng hai.
5. Chọn sữa hữu cơ
Nếu bạn thích uống cà phê có thêm sữa, hãy ưu tiên chọn sữa hữu cơ vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng cũng như axit béo omega-3. Bên cạnh đó, hãy chọn sữa và kem làm từ hạnh nhân, dừa, điều hay các loại thực vật khác.
Chúng chứa ít calo hơn các loại kem hay sữa truyền thống và thường được sản xuất với các thành phần tự nhiên. Sữa hay kem từ thực vật cũng cung cấp chất béo không bão hòa đơn rất tốt cho tim mạch.
6. Dùng giấy lọc để pha cà phê
Dùng giấy lọc pha cà phê giúp làm giảm hàm lượng cafestol - phần tử làm tăng cholesterol trong cơ thể có mặt trong cà phê. Giấy lọc chỉ ngăn cafestol, vẫn cho phép caffeine và các chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe đi qua nên làm tăng cường hiệu quả cho sức khỏe của cà phê.
7. Thêm quế hoặc cacao
Quế là một loại hương liệu vô cùng quen thuộc và kỳ lạ là nó lại rất hợp với cà phê. Có nhiều nghiên cứu cho thấy quế có thể làm giảm lượng đường trong máu và mức cholesterol. Nó chứa chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể con người khỏi sự hư hại do oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do. Ngoài ra, quế có thể cải thiện các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim, bao gồm cholesterol, triglycerides và huyết áp.
Cũng như quế, cacao cũng giàu chất chống oxy hóa và cung cấp rất nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim. Ngoài ra, nó còn cung cấp dưỡng chất bảo vệ tế bào thần kinh.
Theo Sohuutritue.net.vn