Theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), kể từ ngày đầu tiên phát hiện dịch (ngày 3.8.2018) đến nay Trung Quốc đã có hơn 100 ổ dịch xuất hiện ở hơn 23 tỉnh thành. Trong đó, Liêu Ninh là nơi có đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Tổng cộng đã có hơn hơn 700 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy do nhiễm dịch bệnh.
Đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa lý giải vì sao dịch tả lợn châu Phi lại xuất hiện ở nước này. Tuy nhiên nhiều thành phố như Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn vận chuyển heo từ những khu vực bị dịch bệnh sang nơi khác. Tuy nhiên tình trạng vẫn không được cải thiện. Theo FAO, nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi có tốc độ lây lan nhanh chóng tại Trung Quốc hiện nay là do quá trình vận chuyển các sản phẩm từ thịt heo chứ không phải do việc vận chuyển heo sống.
Dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc bị khủng hoảng |
Theo thống kê thì hiện nay, khoảng phân nửa tổng số con heo trên toàn cầu được nuôi ở Trung Quốc và nước này có tỉ lệ tiêu thụ thịt heo thuộc hàng lớn nhất thế giới, theo báo cáo của FAO. Rất nhiều sản phẩm thịt heo của Trung Quốc được xuất khẩu sang các nước và là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của nước này. Còn tại thị trường nội địa, thịt heo chiếm 60% lượng đạm động vật được tiêu thụ tại Trung Quốc, là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình. Vì thế dịch bệnh này đã làm ảnh hưởng tới không chỉ các trang trại mà còn cả cơ cấu bữa ăn, nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc.
Đồng thời với đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và chính phủ các nước trong khu vực lo ngại dịch tả lợn châu Phi sẽ lan rộng ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Theo sohuutritue.net.vn