Theo PGS Nguyễn Thị Bay – BV Đại học Y Dược TP.HCM, trong thời gian qua, bà nhận được nhiều thông tin của người bệnh về việc bản thân họ gặp các vấn đề sức khoẻ sau điều trị Covid-19.
Có bệnh nhân mắc bệnh 1 tháng vẫn còn hụt hơi, chóng mặt. Thông thường, với bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, trở nặng phải can thiệp y tế, sau điều trị có thể bị các triệu chứng như ho, mệt mỏi, khi làm việc thì không suy nghĩ được, có những dấu hiệu sương mù não, đau dạ dày, hồi hộp, đánh trống ngực, ngứa ngoài da, tê bì tay chân, hụt hơi, khó thở…
Nguyên nhân của các hiện tượng trên là:
Thứ nhất, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng đa cơ quan chứ không riêng bộ phận hô hấp. Khi điều trị Covid-19 xong, người bệnh phục hồi nhưng tổn thương đa cơ quan vẫn còn tiếp diễn. Người bệnh vẫn cần nhờ bác sĩ tiếp tục theo dõi cho mình.
Thứ hai, do hệ miễn dịch nhầm lẫn, xuất hiện các bệnh tự miễn dịch, tức tế bào miễn dịch tự quay lại tấn công các tế bào liên quan tới các cơ quan khác. Vì vậy, người bệnh cần phải được bác sĩ điều trị.
PGS Nguyễn Thị Bay – BV Đại học Y Dược TP.HCM
Thứ ba, ảnh hưởng của cấp cứu tại bệnh viện. Những người mắc Covid-19 trong giai đoạn tự điều trị tại nhà là trong môi trường của mình. Khi người bệnh vào bệnh viện phải xa cách người thân. Điều này gây rối loạn tâm lý, sang chấn tâm lý, người bệnh hoang mang, lo sợ. Các sang chấn này gây mất tập trung, gây mất ngủ kéo dài.
Ngoài ra, người bệnh còn chịu các tác động của hồi sức cấp cứu, phải sử dụng các biện pháp xâm lấn như đặt nội khí quản để đưa oxy vào phổi. Khi đặt nội khí quản người bệnh sẽ bị tổn thương tại chỗ và ảnh hưởng tâm lý. Điều này có thể khiến người bệnh mắc các triệu chứng hậu Covid-19.
Tất cả các vấn đề tại cơ sở y tế từ cấp cứu người bệnh, người đồng bệnh tử vong cũng gây sang chấn tâm lý cho người bệnh.
Vì vậy, người bệnh sau điều trị Covid-19 vẫn phải cần tự theo dõi sức khoẻ của mình. Khi gặp các vấn đề khó chịu thì phải lắng nghe cơ thể để biết xem có vấn đề bất thường gì hay không.
Người bệnh có thể xin tư vấn của bác sĩ gia đình và trình bày với họ bản thân mình đang gặp các vấn đề gì.
Các món ăn tốt cho bệnh nhân hậu Covid-19
Khi gặp các dấu hiệu trên, PGS Bay cũng khuyến cáo người bệnh cũng có thể phục hồi chức năng cho cơ thể bằng cách tập thể dục, châm cứu, nhĩ châm, sử dụng các phương pháp bấm huyệt để giải quyết các triệu chứng xuất hiện sau khi nhiễm Covid-19. Khi sử dụng các biện pháp này không có tác dụng, bạn có thể tham vấn bác sĩ sử dụng thuốc.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng các bài thuốc từ đông y để hỗ trợ. Các món ăn cũng có thể xem là thuốc và người bệnh có thể làm tại nhà.
Món 1, canh mướp: Khi bị ho, người bệnh có thể sử dụng món canh mướp hương nấu với mồng tơi hoặc nấu không để giải nhiệt. Có thể nấu với thịt bằm hoặc nấu mướp riêng, thêm 1, 2 lát gừng tươi.
Mướp hương từ xa xưa đến nay đã được coi là bài thuốc vì có vị ngọt, tính mát, giúp làm mềm họng, dịu họng cho người bị ho, khó thở kèm theo. Người bệnh mất ngủ thì dùng mướp hương cũng giúp họ dễ ngủ hơn.
Món 2, lá hẹ, người bệnh có thể sử dụng hoa hẹ, lá hẹ. Khi sử dụng hẹ có tác dụng giảm đau tức vùng ngực, ho, đau lưng. Trong đông y, người dân vẫn dùng lá hẹ nấu canh ăn trị ho hoặc nấu nước lá hẹ để uống. Hẹ có tác dụng trị ho do nhiệt, cảm mạo. Vì vậy, rau hẹ giúp giải quyết thông cổ để giải quyết triệu chứng ho.
Món 3, củ cải trắng, có thể nấu canh uống nước củ cải để long đờm, dễ tiêu hoá, giảm ho. Bên cạnh đó, người bệnh có thể ăn canh củ cải, cũng cải thiện tình trạng đi tiểu rắt.
Với ba bài thuốc trên người bệnh có thể thay đổi để ăn hàng ngày vừa bồi bổ sức khoẻ, vừa giảm các triệu chứng hậu Covid-19 – PGS Bay hướng dẫn.
Theo soha.vn